Mẹo tập thể dục tránh bị “chuột rút”
Chuột rút là tình trạng co rút cơ đột ngột gây đau khi đang vận động, kéo dài từ vài giây đến 15 phút. Hiện tượng này có thể xuất hiện 6 tiếng sau khi tập thể dục xong. Để phòng tránh chuột rút, bạn hãy thử các mẹo dưới đây.
Đa số những ca chuột rút do tập thể dục quá lâu và quá mạnh, đặc biệt trong thời tiết nóng.
Uống đủ nước
Nhiều chuyên gia cho rằng, thiếu nước là một trong những nguyên nhân chính gây ra chuột rút. Vì vậy, cần phải bổ sung đủ nước để có thể bảo vệ tốt cho cơ bắp của bạn.
Cung cấp đủ lượng vitamin
Một số vitamin và khoáng chất như vitamin D, E, B, kẽm, ma giê giúp làm giảm nguy cơ chuột rút.
Tập luyện đúng cách
Khởi động lâu và kỹ hơn. Rút ngắn các bài tập, nghỉ ngơi giữa các bài từ 3 – 5 phút. Nếu bạn là người mới tập, hãy bắt đầu từ đơn giản trước, sau đó nâng dần khối lượng bài tập lên.
Bổ sung điện giải
Cơ thể thiếu hụt kali và natri cũng có thể gây ra hiện tượng chuột rút. Hãy luôn mang bên mình những loại nước cung cấp điện giải, hoặc các thực phẩm chứa nhiều natri và kali.
Ưu tiên cho động tác làm tăng độ dẻo dai
Tăng độ dẻo dai bằng cách thực hiện các động tác co giãn trước và sau khi tập. Trong đó bơi lội, yoga,… là một trong những môn thể thao rèn luyện độ dẻo dai rất tốt mà bạn có thể tham khảo.
Cách xử lý chuột rút khi đang tập luyện
- Nếu bị chuột rút ở bắp thịt, hãy dừng vận động ngay. Thả lỏng, nhẹ nhàng xoa bóp cơ bắp.
- Nếu chuột rút ở cẳng chân, bạn nên kéo đầu ngón chân và bàn chân lên cao, hướng về phía đầu gối.
- Còn nếu chuột rút ở bắp đùi, cần tìm sự giúp đỡ của người khác. Nhờ họ kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, đồng thời dùng tay còn lại nhấn đầu gối xuống.
- Uống nhiều nước bù khoáng, điện giải hay nước muối.
Nếu càng cố tập nặng thì càng dễ bị chuột rút. Các runner có mẹo tránh chuột rút là trong giai đoạn đầu, họ cứ chạy 10 phút thì đi bộ 1 phút.
Nếu tình trạng chuột rút xảy ra nhiều lần hay kéo dài không khỏi thì nên gọi cấp cứu hoặc đưa đến bác sĩ chuyên khoa thể thao để kiểm tra.