Danh mục

Các xét nghiệm cho ung thư tuyến tụy

Các xét nghiệm cho ung thư tuyến tụy

Nếu một người có các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến ung thư tuyến tụy, thì bác sĩ có thể cho người đó thực hiện một số cuộc kiểm tra và xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Nếu ung thư được phát hiện, nhiều xét nghiệm tiếp theo sẽ được thực hiện để xác định mức độ (giai đoạn) của ung thư.

Tiền sử bệnh cá nhân và khám sức khỏe

Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh cá nhân của bạn để hiểu thêm về các triệu chứng. Họ cũng có thể đặt câu hỏi về các yếu tố nguy cơ có thể xảy ra, bao gồm hút thuốc và tiền sử gia đình của bạn.

Bác sĩ sẽ khám cho bạn để tìm các dấu hiệu của ung thư tuyến tụy hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Đôi khi, ung thư tuyến tụy có thể khiến gan hoặc túi mật to lên, và bác sĩ có thể cảm nhận được trong quá trình khám. Da và lòng trắng của mắt cũng sẽ được kiểm tra để xem tình trạng vàng da có xảy ra hay không.

Nếu kết quả kiểm tra bác sĩ nhận thấy nhiều điều bất thường, họ có thể yêu cầu các xét nghiệm để giúp tìm ra vấn đề. Bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa (bác sĩ chuyên điều trị các bệnh lý về hệ tiêu hóa) để được kiểm tra và điều trị thêm.

Xét nghiệm hình ảnh

Các xét nghiệm hình ảnh sử dụng tia X, từ trường, sóng âm hoặc chất phóng xạ để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. Các xét nghiệm hình ảnh có thể được thực hiện vì một số lý do cả trước và sau khi chẩn đoán ung thư tuyến tụy, bao gồm:

- Tìm các khu vực đáng ngờ có thể là ung thư.

- Xem xét ung thư đã di căn xa hay chưa.

- Giúp xác định điều trị có hiệu quả hay không.

- Tìm các dấu hiệu ung thư tái phát sau khi điều trị.

Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Chụp CT để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang của cơ thể, và được sử dụng để chẩn đoán ung thư tuyến tụy vì chúng có thể cho thấy hình ảnh tuyến tụy khá rõ ràng. Ngoài ra, chụp CT có thể giúp bác sĩ nhận thấy các dấu hiệu ung thư đã lan đến các cơ quan gần tuyến tụy, cũng như đến các hạch bạch huyết và các cơ quan ở xa hay không. Chụp CT có thể hỗ trợ bác sĩ xem xét liệu phẫu thuật có thể là một lựa chọn điều trị tốt hay không. 

Nếu bác sĩ cho rằng bạn có nguy cơ bị ung thư tuyến tụy, họ có thể đề nghị bạn thực hiện một dạng chụp CT đặc biệt được gọi là chụp CT Multiphase hoặc quy trình CT scan tuyến tụy. Trong quá trình kiểm tra này, hàng loạt hình chụp CT khác nhau được thực hiện trong vài phút sau khi bạn được tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch (IV).

Sinh thiết bằng kim có hướng dẫn CT: Chụp CT cũng có thể được sử dụng để hướng kim sinh thiết vào khối u tuyến tụy (nghi ngờ). Nhưng đa phần các bác sĩ thích sử dụng siêu âm nội soi để hướng kim sinh thiết vào vị trí khối u.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chụp MRI sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh thay vì tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết của các bộ phận trên cơ thể bạn. Hầu hết các bác sĩ thích kiểm tra tuyến tụy bằng chụp CT, nhưng MRI vẫn có thể được thực hiện cho căn bệnh này.

Một số dạng chụp MRI đặc biệt cũng có thể được sử dụng ở những trường hợp có thể bị ung thư tuyến tụy hoặc có nguy cơ cao:

- Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP), có thể được sử dụng để bác sĩ quan sát tuyến tụy và đường mật.

- Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA), có thể được sử dụng để bác sĩ quan sát các mạch máu.

Siêu âm

Các xét nghiệm siêu âm (Ultrasound - US) sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của các cơ quan như tuyến tụy. Hai loại xét nghiệm siêu âm được sử dụng phổ biến nhất cho ung thư tuyến tụy là:

- Siêu âm bụng: Nếu bác sĩ vẫn chưa rõ những bệnh lý nào gây ra các triệu chứng ở bụng của một người, thì đây có thể là xét nghiệm đầu tiên được áp dụng vì chúng dễ thực hiện và bệnh nhân không bị tiếp xúc với bức xạ. Nhưng nếu các dấu hiệu và triệu chứng có nhiều khả năng là do ung thư tuyến tụy, thì chụp CT thường hữu ích hơn.

- Siêu âm qua nội soi (EUS): Xét nghiệm này chính xác hơn siêu âm bụng và có thể rất hữu ích trong việc chẩn đoán ung thư tuyến tụy. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ sử dụng một đầu dò siêu âm nhỏ trên đầu ống nội soi (một ống mỏng, linh hoạt) để quan sát bên trong đường tiêu hóa và lấy mẫu sinh thiết của khối u.

Chụp mật tụy

Đây là một xét nghiệm hình ảnh kiểm tra các ống tụy và đường mật có bị tắc, hẹp hoặc giãn hay không. Các xét nghiệm này có thể giúp chẩn đoán một người có khối u tuyến tụy đang chặn ống dẫn hay không. Ngoài ra, kiểm tra này có được sử dụng để giúp lập kế hoạch phẫu thuật. Chụp mật tụy có thể được thực hiện theo nhiều cách, mỗi cách đều có những ưu và nhược điểm khác nhau.

Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Đối với xét nghiệm này, một ống nội soi (một ống mỏng, có thể uốn cong dễ dàng với một máy quay nhỏ ở đầu) được đưa xuống cổ họng, qua thực quản - dạ dày, và vào phần đầu tiên của ruột non. Bác sĩ có thể nhìn qua ống nội soi để tìm bóng Vater (nơi ống mật chủ đổ vào ruột non).  

Sau đó bác sĩ có thể thực hiện chụp X-quang để tìm tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn trong các ống dẫn này có thể liên quan đến ung thư tuyến tụy. Ngoài ra trong xét nghiệm này, bác sĩ có thể sử dụng một bài chải y khoa chuyên dụng để lấy mẫu sinh thiết hoặc đặt một stent (ống nhỏ) vào ống mật hoặc tuyến tụy để giữ chúng mở nếu một khối u gần đó đè lên. 

Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP): Đây là một xét nghiệm sàng lọc không xâm lấn để bác sĩ kiểm tra tuyến tụy và đường mật bằng một loại máy được sử dụng để chụp MRI tiêu chuẩn. Không giống như ERCP, bệnh nhân không cần truyền thuốc cản quang. Bởi vì xét nghiệm này không xâm lấn, nên các bác sĩ thường sử dụng MRCP với mục đích chỉ để kiểm tra tuyến tụy và đường mật. Xét nghiệm này không được sử dụng để lấy mẫu sinh thiết của khối u hoặc để đặt stent trong ống dẫn.

Chụp đường mật qua da (​PTC): Trong thủ thuật này, bác sĩ sử dụng một cây kim mỏng, rỗng đưa qua da bụng và vào một ống mật trong gan. Sau đó thuốc cản quang được tiêm, và chụp X-quang khi chúng đi qua ống mật và tuyến tụy. Tương tự như với ERCP, phương pháp này cũng có thể được sử dụng để lấy mẫu bệnh phẩm sinh thiết hoặc đặt một stent vào một ống dẫn để giúp giữ cho chúng thông thoáng. Vì loại hình xét nghiệm này xâm lấn nhiều hơn (và có thể gây đau), PTC thường không được sử dụng trừ khi ERCP đã được thực hiện hoặc không thể thực hiện được vì một số lý do.

Xét nghiệm máu

Một số loại xét nghiệm máu có thể được áp dụng để giúp chẩn đoán ung thư tuyến tụy hoặc xác định các lựa chọn điều trị nếu bệnh được phát hiện.

Kiểm tra chức năng gan: Vàng da (vàng da và mắt) thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên của ung thư tuyến tụy. Các bác sĩ thường xét nghiệm máu để đánh giá chức năng gan ở những trường hợp bị vàng da nhằm xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này. Một số xét nghiệm máu khác cũng có thể kiểm tra mức độ của các loại Bilirubin khác nhau (một chất hóa học do gan tạo ra) và nhờ đó có thể giúp cho bác sĩ biết liệu bệnh vàng da của bệnh nhân là do bệnh ở gan hay do tắc nghẽn dòng chảy của mật (do sỏi mật, khối u, hoặc bệnh khác).

Chất chỉ điểm khối u: Đôi khi, chất chỉ điểm khối u có thể được tìm thấy trong máu khi một người bị ung thư. Các chất chỉ điểm khối u có thể hữu ích trong ung thư tuyến tụy là:

- CA 19-9.

- Kháng nguyên carcinoembryonic (CEA), không được sử dụng phổ biến như CA 19-9.

Cả hai xét nghiệm chỉ điểm khối u này đều không đủ chính xác để chẩn đoán ung thư tuyến tụy. Mức độ của các chất chỉ dấu khối u này có thể không cao ở tất cả bệnh nhân ung thư tuyến tụy và một số trường hợp không bị ung thư tuyến tụy vẫn có mức độ cao của các chất chỉ dấu khối u này vì những lý do khác. Tuy nhiên, những xét nghiệm này đôi khi có thể hữu ích, khi thực hiện cùng với các xét nghiệm khác, trong việc xác định xem ai đó có bị ung thư hay không.

Ở những trường hợp đã được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy và những người có mức CA19-9 hoặc CEA cao, có thể được tái kiểm tra để xem điều trị đang hoạt động tốt như thế nào. Nếu tất cả các khối ung thư đã được loại bỏ, các xét nghiệm này cũng có thể được thực hiện để tìm các dấu hiệu ung thư có thể tái phát.

Các xét nghiệm máu khác: Các xét nghiệm khác, như xét nghiệm máu toàn bộ (CBC) hoặc xét nghiệm sinh hóa máu, có thể giúp đánh giá sức khỏe chung của một người (chẳng hạn như chức năng thận và tủy xương). Những kiểm tra này sẽ giúp xác định người bệnh có thể thực hiện một ca phẫu thuật lớn hay không.

Sinh thiết

Tiền sử bệnh, khám sức khỏe và kết quả xét nghiệm hình ảnh của một người có thể là những yếu tố giúp phát hiện ra ung thư tuyến tụy, nhưng cách duy nhất để chắc chắn để chẩn đoán chính xác căn bệnh này là sinh thiết (lấy mẫu bệnh phẩm và kiểm tra chúng dưới kính hiển vi). Hiện nay, sinh thiết có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau. 

Sinh thiết qua da: Đối với xét nghiệm này, bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim mỏng, rỗng đưa qua da trên bụng và vào tuyến tụy để lấy một mảnh nhỏ của khối u. Đây được gọi là sinh thiết kim (FNA). Bác sĩ hướng dẫn kim vào vị trí khối u bằng cách sử dụng hình ảnh từ siêu âm hoặc chụp CT.

Sinh thiết qua nội soi: Các bác sĩ cũng có thể sinh thiết một khối u trong quá trình nội soi. Bác sĩ đưa một ống nội soi (một ống mỏng, uốn cong dễ dàng, có một máy quay nhỏ ở đầu) xuống cổ họng và vào ruột non gần tuyến tụy. Sau đó bác sĩ có thể sử dụng siêu âm qua nội soi (EUS) để đưa kim vào khối u hoặc nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) để lấy các tế bào từ đường mật hoặc ống tụy (dùng bàn chải y khoa chuyên dụng để lấy mẫu bệnh phẩm).

Sinh thiết qua phẫu thuật: Loại hình kiểm tra này hiện nay ít khi được thực hiện. Chúng có thể hữu ích nếu bác sĩ phẫu thuật lo ngại ung thư đã lan ra ngoài tuyến tụy và muốn kiểm tra (và có thể sinh thiết) các cơ quan khác trong ổ bụng. Cách phổ biến nhất để làm sinh thiết qua phẫu thuật là sử dụng nội soi ổ bụng (đôi khi được gọi là "phẫu thuật lỗ khóa"). Bác sĩ phẫu thuật có thể kiểm tra tuyến tụy và các cơ quan khác để tìm khối u và lấy mẫu sinh thiết của các khu vực bất thường.

Một số trường hợp có thể không cần sinh thiết

Hiếm khi, bác sĩ không làm sinh thiết cho những trường hợp có khối u trong tuyến tụy (nếu các xét nghiệm hình ảnh cho thấy khối u rất có khả năng là ung thư và nếu phẫu thuật có thể loại bỏ tất cả). Thay vào đó, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật, lúc đó các tế bào khối u có thể được kiểm tra trong phòng thí nghiệm để xác định chẩn đoán. Trong quá trình phẫu thuật, nếu bác sĩ nhận thấy rằng ung thư đã di căn xa và không thể phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn, thì họ chỉ có thể lấy một bệnh phẩm để xác định chẩn đoán và khi đó bệnh nhân có thể tạm ngưng kế hoạch điều trị.

Nếu điều trị (chẳng hạn như hóa trị hoặc xạ trị) được lên kế hoạch trước khi phẫu thuật, trước tiên cần làm sinh thiết để chắc chắn về chẩn đoán.

Xét nghiệm trong phòng thí nghiệm (các mẫu sinh thiết)

Các bệnh mẫu được lấy trong quá trình sinh thiết (hoặc trong quá trình phẫu thuật) sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm, nơi chúng được kiểm tra dưới kính hiển vi để xem có chứa tế bào ung thư hay không.

Nếu ung thư được phát hiện, các xét nghiệm khác cũng có thể được thực hiện. Ví dụ: Các xét nghiệm có thể được thực hiện để xem liệu các tế bào ung thư có đột biến trong một số gen nhất định, chẳng hạn như gen BRCA (BRCA1 hoặc BRCA2) hoặc gen NTRK hay không. Điều này có thể ảnh hưởng đến một số loại thuốc nhắm trúng đích trong quá trình điều trị.

Tư vấn và xét nghiệm di truyền

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy, bác sĩ có thể đề nghị bạn trao đổi với một chuyên gia tư vấn di truyền để xác định xem xét nghiệm di truyền có lợi cho bạn hay không. 

Một số người bị ung thư tuyến tụy có đột biến gen (chẳng hạn như đột biến BRCA) trong tất cả các tế bào của cơ thể họ, khiến họ có nguy cơ cao bị ung thư tuyến tụy (và có thể là các bệnh ung thư khác). Đôi khi việc kiểm tra các đột biến gen này có thể ảnh hưởng đến phương pháp điều trị (có thể hữu ích). Ngoài ra, xét nghiệm di truyền có thể được xem xét thực hiện cho các thành viên khác trong gia đình.

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...