Bệnh khớp và chế độ ăn

Bệnh khớp và chế độ ăn

Bệnh khớp với các biểu hiện đau, hạn chế cử động, sưng khớp là triệu chứng của nhiều bệnh thấp - bệnh lý tổn thương mô liên kết hoặc bệnh tự miễn. Thực ra có trên 100 loại bệnh khác nhau. Trong đó 3 loại bệnh phổ biến nhất là:

- Viêm xương khớp (osteoarthritis) đây là bệnh thường gặp nhất do thoái hóa xương khớp ở người cao tuổi.

- Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis).

- Bệnh thống phong (Gout).

Nhiều bệnh lý khác nhau nhưng thông thường được gọi chung là bệnh khớp.

Bệnh khớp hiện nay là một bệnh mãn tính khá phổ biến trong quần chúng và có xu thế ngày càng gia tăng song song với việc gia tăng tuổi thọ. Thí dụ tại Mỹ hiện có 40 triệu người mắc và ước tính đến 2020 sẽ có 59 triệu người mắc bệnh.

Để điều trị bệnh hiệu quả, bạn cần chú ý đến 3 yếu tố chính:

- Vận động và nghỉ ngơi phù hợp với tình trạng các khớp của mình.

- Có một chế độ ăn hợp lý để giữ gìn sức khỏe chung, tăng cường sức cơ, độ chắc của xương, để hỗ trợ các khớp của mình.

- Kết hợp với chế độ điều trị bằng thuốc hoặc các phương tiện khác do bác sĩ đề nghị khi cần thiết.

Vì sao chế độ ăn trong bệnh khớp là quan trọng?

Từ xưa đến nay, chuyên đề dinh dưỡng chữa bệnh khớp vẫn là câu chuyện thời sự và được nhiều người ngưỡng mộ từ phương Đông cho tới phương Tây, vì đây là cách điều trị không dùng thuốc, dễ được truyền tụng và áp dụng, được coi là an toàn, ai cũng có thể thử. Trong khi viêm khớp là bệnh mãn tính, gây đau đớn kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng làm việc, giảm chất lượng cuộc sống, điều trị lại hết sức tốn kém.

Thuốc men không chữa khỏi bệnh, trong đa số trường hợp chỉ giúp làm lui đợt bệnh, do vậy người bệnh có tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”. Và hàng loạt các biện pháp ăn uống trị bệnh khớp truyền miệng hoặc được in ấn đây rẫy tại nhiều nước và cả trên Internet; ví dụ như những thức ăn “thần diệu”, nhịn đói trị bệnh, loại bỏ hàng loạt thức ăn gây đau nhức hay ngược lại ăn một số thức ăn nào đó để chữa bệnh... Cho đến nay, khoa học vẫn chưa chứng minh được bệnh khớp có thể được chữa khỏi nhờ loại bỏ một loại thực phẩm nào hay do ăn một loại thực phẩm nào đó. Việc áp dụng các chế độ ăn kiêng khem dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, giảm sút sức khỏe, do vậy “lợi bất cập hại”.

Dinh dưỡng tốt là nền tảng sức khỏe cho tất cả mọi người nói chung và đặc biệt đối với bệnh nhân khớp. Nhờ ăn uống hợp lý ta mới có đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động thể lực và trí lực, đủ sức chống đỡ với bệnh tật và thay đổi của thời tiết, cảm thấy sảng khoái, vui sống. Ăn uống tốt còn giúp tăng cường sức khỏe của cơ bắp, độ rắn chắc của xương để hỗ trợ cho các khớp. Ăn uống hợp lý còn giúp phòng ngừa các nguy cơ thường gặp như tiểu đường, tăng cholesterol và bệnh tim mạch, cao huyết áp v.v...

Như vậy người bị khớp cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý dành cho mọi người. Riêng người bệnh Gout cần lưu ý một số loại thức ăn có thể gây tăng acid uric sẽ nêu riêng ở phần sau.

Vậy thế nào là một chế độ ăn hợp lý?

Chế độ ăn phải cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu của cơ thể.

Tuy nhiên, nhu cầu của chúng ta lại rất khác nhau do có sự khác biệt về tuổi tác, giới tính, loại hình công việc, mức độ hoạt động thể lực... Do vậy để biết ta có đủ năng lượng hay không thông thường dựa vào chỉ số BMI (Body Mass Index):

BMI = Cân nặng (kg): (Chiều cao (m)]2 

Bình thường BMI = 18,5 đến 25 .

Thiếu dinh dưỡng nếu BMI < 18,5.

Dư thừa cân nặng nếu BMI > 25.

Ví dụ: Một người cao 165cm, nặng 48kg, sẽ có: BMI = 48kg/(1,65)2 = 17,6.

Vậy người này thiếu dinh dưỡng, cần ăn thêm, nhất là thức ăn giàu năng lượng. Thiếu dinh dưỡng dẫn đến mỏi mệt, dễ bị cảm nhiễm với thay đổi thời tiết bên ngoài và mắc các bệnh nhiễm trùng, loãng xương gây đau nhức v.v... Các bệnh khớp kèm theo viêm nhiễm: Sốt, khớp nóng, đỏ và đau... Làm tăng tiêu hao năng lượng, nhất là tiêu hao chất đạm như trong viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis)... Dễ dẫn đến thiếu dinh dưỡng.

Ngược lại người bị viêm xương khớp (bệnh thoái hóa khớp - osteoarthritis) thường có liên quan đến dư thừa cân nặng. Thừa cân, mập phì dẫn đến tăng gánh nặng cho các khớp nâng đỡ cơ thể như cột sống, khớp háng, gối, cổ chân... Dẫn đến tăng thoái biến các khớp này, bên cạnh lý do tuổi tác. Tránh dư thừa cân nặng vừa là biện pháp phòng ngừa vừa giúp giảm mức độ tiến triển bệnh cho người bệnh.

Ở người bị bệnh Gout (thống phong), dư thừa cân nặng làm tăng acid uric trong máu.

Mập phì còn gia tăng mắc các bệnh thường kèm theo ở người bệnh xương khớp như các bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, sỏi các loại, táo bón... Và đi lại thêm nặng nề.

Chế độ ăn phải cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết: Theo quan điểm hiện nay không có thức ăn tốt hay xấu, cơ thể bạn cần nhiều chất dinh dưỡng khác nhau mà không một loại thức ăn nào có đầy đủ các chất đó. Do vậy nếu ta ăn càng đa dạng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Mỗi ngày nên ăn trên 20 loại thực phẩm với số lượng như sau:

Nên ăn nhiều rau và trái cây:

Trên 300g rau và trên 200g trái cây được khuyến khích sử dụng hàng ngày vì chúng cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Các chất chống oxy hóa trong rau quả như vitamin C, vitamin E, beta- carotene, magnesium v.v... Còn có tác dụng giảm các bệnh lý thoái hóa tim mạch, xương khớp, một số bệnh ung thư... Chất xơ trong rau trái giúp giảm cholesterol trong máu, tránh táo bón... Là các tình trạng thường gặp ở những người bệnh khớp.

Cần ăn đủ thức ăn giàu đạm:

Các chất đạm động vật như thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, nghêu, sò... Hoặc đạm thực vật như tàu hũ (đậu phụ), bột đậu nành, đậu đỗ các loại... Nên sử dụng đa dạng các loại thực phẩm này. Hàng ngày nên ăn trung bình 50g thịt, 100g tàu hũ (đậu phụ), 50-100g cá, 30g đậu đỗ, 3-4 quả trứng mỗi tuần, người có choleslerol máu cao (trên 220mg/dl) cần giảm còn 1-2 quả trứng mỗi tuần và ăn thịt nạc bỏ da, không ăn phủ tạng, bớt thức ăn động vật thay bằng đạm thực vật.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy các acid béo omega-3 trong cá giúp giảm hiện tượng viêm, có thể giúp đẩy lùi được viêm khớp.

Sữa:

Được khuyến khích sử dụng vì cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quý và đặc biệt giàu calcium rất cần thiết cho người bệnh khớp, đặc biệt trong viêm xương khớp cho người bệnh hay loãng xương vì tuổi tác, và do đau nên ít vận động. Nên uống 2-3 ly sữa mỗi ngày. Người dư thừa cân nặng hoặc có cholesterol máu cao nên uống loại sữa không có chất béo (sữa tách bơ hay còn gọi là sữa gầy).

Ăn chất béo vừa phải:

Khoảng 20g tức 4 muỗng cà phê mỗi ngày. Nên dùng chất béo chế từ đậu phộng, mè. Người thiếu dinh dưỡng cần tăng chất béo với các món ăn chiên xào. Ngược lại người thừa dinh dưỡng cần ăn thịt nạc bó da và ăn các món luộc, nướng, hấp, kho thay cho chiên xào.

Ăn đủ thức ăn giàu chất bột:

Như cơm, mì, nui, bắp, khoai củ... Để không bị thiếu dinh dưỡng hay béo phì. Nên ăn gạo lứt, thêm khoai củ, bắp để tăng lượng chất xơ và các chất dinh dưỡng khác.

Hạn chế ăn quá mặn hoặc quá ngọt:

Lượng muối nên dưới 10g và đường dưới 20g mỗi ngày, nhất là có kèm theo cao huyết áp, tiểu đường, béo phì.

Làm thế nào để giảm cân?

Nhiều người bệnh xương khớp hay bị dư thừa cân nặng (BMI> 25). Để giảm cân cần phải tiêu hao năng lượng nhiều hơn năng lượng được cung cấp qua đồ ăn thức uống. Muốn vậy cần áp dụng các cách sau:

Giảm bớt năng lượng ăn vào:

Giảm dầu mỡ, ăn nạc, bỏ da, uống sữa không béo, hạn chế thức ăn ngọt, ăn ít vào chiều tối.

Tăng tiêu hao năng lượng:

Đi lại nhiều (bước trên 5.000 - 10.000 bước mỗi ngày) hoặc tập luyện loại hình thể dục thể thao phù hợp trên 30 phút/ngày hầu hết các ngày trong tuần hoặc vận động 10 - 15 phút, 3-4 lần/hàng ngày.

Thông thường cách tốt nhất là kết hợp cả hai phương pháp nêu trên.

Làm thế nào để tăng cân?

Nhiều người bệnh khớp do các đợt viêm, sốt, gây mất nhiều chất dinh dưỡng, kèm với tình trạng chán ăn do bệnh, do bất động dẫn đến suy dinh dưỡng (BMI < 18,5) làm cơ thể mệt mỏi, mất sức thêm và dễ mắc bệnh nhiễm trùng do giảm sức đề kháng của cơ thể. Để tăng cân, ta cần phải ăn uống vào nhiều hơn lượng tiêu hao để cơ thể tích lũy các chất dinh dưỡng. Một số cách dưới đây sẽ giúp bạn đạt hiệu quả:

  • Ăn thêm 2-3 bữa phụ ngoài 3 bữa ăn chính bằng các thức ăn có sẵn mà bạn ưa thích: Sữa, bột dinh dưỡng, bánh các loại, khoai, bắp, đậu phộng, chuối, mít, trái cây xay...
  • Ăn các thức ăn giàu năng lượng: Thức ăn chiên xào, nước sốt, mỡ hành thêm vào cơm, uống sữa béo (nguyên kem) có đường... Thêm thức ăn vào các bữa ăn chính: Bánh, trái sau bữa ăn.
  • Ngay cả khi mệt mỏi nhất bạn cũng đừng bỏ bữa ăn mà hãy ăn các thức ăn lỏng, dễ ăn nhất để tránh mất sức.

Còn ăn kiêng thì sao?

Đa số các chế độ ăn kiêng cữ quá đáng, nhịn đói chữa bệnh, chế độ ăn “thần diệu”, chế độ ăn tinh khiết (không có phụ gia, hóa chất...) được phổ biến đầy rẫy và tuyên bố chữa được bệnh khớp là chưa có cơ sở khoa học, thậm chí có thể gây hại.

Ăn chay cũng là một cách ăn uống hợp lý nếu biết cách phối hợp các loại thực phẩm, tuy nhiên không thể chữa được bệnh khớp. Trong một số trường hợp có thể giảm nhẹ triệu chứng viêm khớp.

Một số ít trường hợp viêm khớp dạng thấp... Có thể do dị ứng thức ăn. Việc loại bỏ thức ăn gây dị ứng có thể làm lui bệnh. Nếu bạn nghi ngờ một loại thức ăn nào đó gây cơn đau và loại bỏ thức ăn đó giúp lui bệnh thì có thể thử. Tuy nhiên rất khó xác định vì bệnh có từng đợt đau rồi tự giảm có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên với việc ăn hoặc ngừng ăn một loại thức ăn nào đó mà thôi.

Nếu gặp khó khăn, bạn cần đến tư vấn với bác sĩ dinh dưỡng để giúp xác định thức ăn gây dị ứng và khi loại bỏ thức ăn đó thì bác sĩ sẽ hướng dẫn thay thế bằng thức ăn nào khác để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. Tránh kiêng hàng loạt các thức ăn gây “phong” làm suy dinh dưỡng, và về nguyên tắc thức ăn nào cũng có “phong” tức là có thể gây dị ứng. Song chỉ có một số người bị dị ứng và cũng chỉ bị dị ứng với một vài loại thực phẩm nào đó mà thôi.

Bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày

Điều này là đúng với tất cả mọi người và bữa sáng cách bữa tối dài nhất 10-12 giờ, bữa sáng cung cấp năng lượng cho cả một buổi làm việc học tập dài nhất, năng động nhất. Người bệnh khớp lại thường thấy mỏi mệt, cứng các khớp xương vào buổi sáng, do vậy một bữa ăn sáng đầy đủ giúp ta thêm sức lực, sảng khoái hơn, cảm thấy dễ chịu hơn.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...