Ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyền tiền liệt xảy ra khi những tế bào trong tuyến phát triển ngoài tầm kiểm soát. Và chúng có thể di căn sang các bộ phận khác. Do tuyến tiền liệt chỉ có ở nam giới có tác dụng sản sinh ra chất lỏng là một phần của tinh dịch nên chứng bệnh này chỉ xảy ra ở nam giới và thường rơi vào tuổi trung niên trở đi.

Ung thư tuyến tiền liệt thường là một bệnh phát triển chậm và đa số đàn ông mắc bệnh nhẹ sống nhiều năm không có triệu chứng và bệnh không lan ra, không đe dọa mạng sống. Tuy nhiên nếu bệnh chuyễn sang mức nặng và di căn sang các cơ quang khác có thể gây tử vong. Cho nên cần phát hiện sớm để tiến hành điều trị.

TUYẾN TIỀN LIỆT LÀ GÌ?

Chỉ có nam giới có tuyến tiền liệt. Đó là một hạch nhỏ nằm dưới bọng đái gần ruột già, hạch tuyến tiền liệt là một phần của hệ thống sinh sản nam giới. Nó bao quanh niệu đạo, tức ống dẫn nằm bên trong dương vật qua đó nước tiểu và tinh dịch thoát ra.

Tuyến tiền liệt thường được miêu tả lớn cỡ hạt dẻ và thường lớn ra khi về già. Đôi khi điều này có thể gây ra vấn đề chẳng hạn như đi tiểu khó khăn.

Chức năng của tuyến tiền liệt

  • Chức năng sinh dục:

    Đây là chức năng chính của tiền liệt tuyến, tuyến này tiết ra chất dịch, góp phần tạo ra tinh dịch làm môi trường vận chuyển tinh trùng.
  • Chức năng vận chuyển: Hai đường dẫn tinh và đường dẫn nước tiểu đều qua tiền liệt tuyến. Nó tham gia cả quá trình xuất tinh và tiểu tiện.

TRIỆU CHỨNG BỆNH

Trong giai đoạn đầu có thể không có triệu chứng.

Trong các giai đoan sau vài triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt có thể bao gồm:

Tiểu tiện khó khăn

Tình trạng bạn buồn tiểu nhưng không thể đi được hoặc đang đi bị dừng lại đột ngột, hoặc cũng có thể đi tiểu thường xuyên hơn bình thường.

Tiền liệt tuyến có vị trí bao quanh niệu đạo, vì vậy khi xuất hiện một khối u nào dù là rất nhỏ cũng có thể gây ra các trở ngại mỗi khi đi tiểu hoặc xuất tinh. Phì đại tiền liệt tuyến cũng gây ra các triệu chứng như trên.

Đau mỗi khi đi tiểu

Do có khối u ở tiền liệt tuyến chèn ép lên niệu đạo nên mỗi lần đi tiểu có cảm giác đau. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng có thể gặp khi nhiễm trùng tuyến tiền liệt, hoặc phì đại tuyến tiền liệt.

Xuất hiện máu trong nước tiểu

Tuy dấu hiệu này ít phổ biến hơn, nhưng khi xuất hiện triệu chứng này cần đi khám nam khoa ngay.

Máu trong nước tiểu đôi khi chỉ là một vệt màu hồng nhạt. Một số bệnh lý khác như viêm nhiễm đường tiết niệu cũng có thể gây ra hiện tượng này, do đó bạn phải thực hiện các xét nghiệm để chuẩn đoán phân biệt với bệnh ung thư tiền liệt tuyến.

Khó duy trì sự cương cứng

Khi có khối u tiền liệt tuyến có thể ngăn chặn lưu lượng máu đến dương vật để giúp cương cứng. Tiền liệt tuyến phì đại cũng gây ra triệu chứng này. Vì vậy, nên đến các trung tâm y tế kiểm tra để yên tâm hơn về sức khỏe của mình.

Máu trong tinh dịch

Dấu hiệu này thường không được chú ý. Lượng máu chỉ đủ để làm cho tinh dịch hơi hồng hoặc có vệt máu.

Đau ở lưng, hông, đùi trên thường xuyên

Đau ở lưng, xương chậu và hông là triệu chứng phổ biến của chứng bệnh này. Một cách để phân biệt loại đau với đau thần kinh tọa và đau lưng thấp là nó có thể cảm thấy như một cơn đau âm ỉ.

Lời khuyên của bác sĩ, khi có các triệu chứng đau lưng và đau hông mà không rõ nguyên nhân cần nên đến các trung tâm y tế để khám.

Chứng tiểu đêm

Triệu chứng này không được quý ông để ý, nhưng cũng là một dấu hiệu cảnh báo mắc ung thư tuyến tiền liệt. Nếu bạn đi tiểu đêm nhiều hơn hai lần thì hãy đi khám ngay, có thể bạn mắc ung thư tiền liệt tuyến.

Tiểu rắt

Một vài quý ông bị rò rỉ nước tiểu không thể tự chủ. Triệu chứng này không mấy phổ biến nhưng cũng đáng lưu ý.

Khi nhận thấy cơ thể xuất hiện một trong những dấu hiệu trên đây, nam giới cần nhanh chóng thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để phát hiện bệnh ung thư tiền liệt tuyến nhằm điều trị hiệu quả hơn.

CÓ NHỮNG YẾU TỐ NGUY CƠ NÀO? 

Những yếu tố có liên hệ chặt chẽ với gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt:

Tuổi tác:

Ung thư tuyến tiền liệt là một bệnh tùy thuộc vào tuổi, nghĩa là khả năng mắc bệnh gia tăng theo tuổi. Nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt: Ở tuổi 75 là 1 trong 7 người đàn ông. Đến tuổi 85 mức này tăng lên 1 trong 5 người.

Tiền sử gia đình:

Nếu quý vị có thân nhân nam giới ruột thịt đời thứ nhất mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt thì nguy cơ quý vị mắc bệnh sẽ cao hơn những người đàn ông không có tiền sử như vậy. Nguy cơ này sẽ tăng cao hơn nữa nếu có hơn một thân nhân nam mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Nguy cơ cũng cao hơn với đàn ông có nhiều thân nhân nam giới được chẩn đoán bệnh khi còn trẻ.

NHỮNG YẾU TỐ KHÁC CÓ THỂ GIA TĂNG NGUY CƠ MẮC BỆNH 

Di truyền:

Gen được tìm thấy trong mọi tế bào cơ thể. Chúng kiểm soát cách thức các tế bào cơ thể tăng trưởng và hoạt động. Mỗi người có một tập hợp gồm nhiều ngàn gen thừa hưởng từ cả cha lẫn mẹ. Những thay đổi về gen có thể gia tăng nguy cơ truyền bệnh ung thư tuyến tiền liệt từ cha mẹ sang con cái. Mặc dầu bệnh ung thư tuyến tiền liệt không di truyền, một người đàn ông có thể thừa hưởng các gen có thể gây gia tăng nguy cơ.

Chế độ ăn uống:

Có vài bằng chứng cho thấy ăn nhiều thịt hay thực phẩm đã chế biến có nhiều chất béo có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Lối sống:

Có bằng chứng cho thấy là môi trường và lối sống có thể tác động lên nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Thí dụ: Á Châu có tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt thấp nhất, nhưng khi một người đàn ông từ một nước Á Châu di dân sang một nước Tây Phương thì nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt của người này gia tăng. Điều này cho thấy là những yếu tố bên ngoài như môi trường và lối sống có thể thay đổi mức nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

KHÁM VÀ CHẨN ĐOÁN?

Bác sĩ thường thử máu và khám cơ thể để kiểm soát tình hình sức khỏe của tuyến tiền liệt.

Thử máu:

Phương pháp thử Kháng nguyên Đặc hiệu Tuyến tiền liệt (Prostate Specific Antigen - PSA): Kết quả cho thấy có sự gia tăng nào trong chất đạm đặc hiệu này hay không.Tùy vào kết quả quý vị có thể cần các xét nghiệm khác bởi một bác sĩ chuyên khoa. Một kết quả thử PSA cao không nhất thiết là bị ung thư. Các bệnh khác của tuyến tiền liệt ngoài ung thư cũng có thể gây ra mức PSA cao hơn bình thường.

Ở đàn ông trên 50 tuổi, ung thư tuyến tiền liệt thường được phát hiện sớm nhờ xét nghiệm PSA( PSA>4ng/ml).

Khám trực tràng bằng ngón tay (Digital Rectal Examination - DRE):

Do vị trí của tuyến tiền liệt, bác sĩ khám trực tràng bằng ngón tay có mang găng và bôi trơn để kiểm tra kích thước của tuyến tiền liệt và đánh giá xem có bất thường nào không. Một kết quả DRE bình thường không loại trừ khả năng có ung thư tuyến tiền liệt. (1 khám nghiệm đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao)

Chẩn đoán

Nếu các xét nghiệm cho thấy quý vị có khả năng mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, giai đoạn kế tiếp là xét nghiệm sinh thiết. Sinh thiết là cách duy nhất để chẩn đoán xác định ung thư tuyến tiền liệt. Bác sĩ chuyên khoa đường tiết niệu lấy những mẫu mô nhỏ ở tuyến tiền liệt bằng những mũi kim thật nhỏ và rỗng, theo sự hướng dẫn của siêu âm. Bác sĩ tiếp cận tuyến tiền liệt qua đường trực tràng (transrectal) hoặc đáy chậu (transperineal) tức là vùng nằm giữa hậu môn và bìu dái.

Xét nghiệm sinh thiết thường là thủ thuật ngoại trú và bác sĩ sẽ có thể khuyên uống trụ sinh sau đó để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Mô được gửi cho bác sĩ chuyên khoa bệnh học để tìm xem các tế bào là ác tính (ung thư) hay lành tính (không phải ung thư).

CÁC GIAI ĐOẠN CỦA BỆNH

Giai đoạn I

Là giai đoạn mà khối u còn chưa có dấu hiệu lan ra xung quanh tuyến tiền liệt, không cư trú ở trong trực tràng và mô ung thư trông giống như mô tuyến tiền liệt bình thường. Những bệnh nhân phải thực hiện phẫu thuật tuyến tiền liệt phì đại có khả năng cao phát hiện ra khối u sớm. Ở giai đoạn này, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân lên tới 90%.

Phương pháp điều trị được tiến hành khi phát hiện bệnh ở giai đoạn I là phẫu thuật loại bỏ kết hợp xạ trị, đồng thời theo dõi khối u.

Giai đoạn II

Là giai đoạn khối u đã có sự phát triển đáng kể và có thể phát hiện thông qua khám trực tràng. Tuy nhiên, khối u vẫn chưa có dấu hiệu lan ra ngoài tuyến tiền liệt. Giống như ở giai đoạn I, nếu phát hiện sớm và tích cực điều trị thì cơ hội sống sót của bệnh nhân sau 5 năm vẫn đạt khoảng 90%.

Phương pháp điều trị chủ yếu khi phát hiện bệnh ở giai đoạn II đó là kết hợp 3 quá trình bao gồm bức xạ bên ngoài - xạ trị áp sát và phẫu thuật cắt bỏ hạch bạch huyết vùng chậu. Đôi khi bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng liệu pháp can thiệp hormone.

Giai đoạn III

Là giai đoạn mà khối u tuyến tiền liệt đã có dấu hiệu xâm lấn hoặc lan tràn đến các mô xung quanh. Ở giai đoạn này, cơ hội sống sót của bệnh nhân vẫn đạt mức 80% nếu tích cực điều trị.

Phương pháp điều trị chủ yếu ở giai đoạn này là kết hợp phương pháp bức xạ ngoài cùng liệu pháp can thiệp hormone. Ngoài ra, các bác sĩ có thể sẽ theo dõi khối u để tìm phương pháp chữa trị triệt để nhất mà không điều trị ngay. Phương pháp cắt bỏ hạch bạch huyết vùng chậu có thể được cân nhắc.

Giai đoạn IV

Đây được coi là giai đoạn cuối của bệnh. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh tụt giảm nghiêm trọng từ 80% xuống chỉ còn không đến 30%. Lúc này thì khối u đã xâm lấn đến các bộ phận như bàng quang, trực tràng và các cơ quan xa hơn như xương. Phương pháp điều trị lúc này chỉ còn áp dụng trong việc giảm nhẹ sự đau đớn của bệnh gây ra cho bệnh nhân và cố gắng giúp kéo dài tuổi thọ.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...