Trẻ nuôi bằng sữa mẹ có cần cho ăn dặm hay không?
Do trẻ nhỏ phát triển nhanh, lượng nhu cầu chất dinh dưỡng lớn, nếu chỉ bú sữa mẹ đơn thuần thì không thể đáp ứng đủ cả lượng lẫn chất. Cùng với sự phát triển của trẻ, sự chín muồi của cơ quan tiêu hóa và nhu cầu dinh dưỡng, cần từng bước cho ăn dặm, nếu không sẽ phát sinh các bệnh tật do thiếu dinh dưỡng như: suy dinh dưỡng, thiếu máu do thiếu sắt, và bệnh còi xương. Cho ăn dặm còn rèn luyện khả năng nhai của trẻ, làm cho đường ruột từng bước thích ứng với các loại thức ăn, tạo điều kiện để cai sữa.
Trẻ ra đời đủ một tháng có thể cho uống dầu gan cá cô đặc và bột canxi (không phải thực phẩm ăn dặm, nhưng cần bổ sung thêm). Dầu gan cá cô đặc mỗi ngày 5 - 6 giọt, bột canxi mỗi ngày 6 gam đều có thể phòng ngừa bệnh còi xương. Trẻ 1 - 2 tháng tuổi có thể cho uống nước trái cây tươi như nước cam, nước cà chua, nước dưa hấu, mỗi lần 1 - 2 thìa nhỏ, ngày 1 - 2 lần, về sau tăng dần.
Trẻ 4 tháng tuổi có thể cho ăn bánh bông lan, bột, cháo nấu nhừ, mỗi ngày cho ăn 2 - 3 lần, mỗi lần 1 - 2 thìa nhỏ, một tuần sau, tiêu hóa tốt có thể thêm tí lòng đỏ trứng gà luộc chín, cà nhuyễn, lúc đầu mỗi ngày cho ăn 1/4, ngày một lần, về sau tăng dần lên cả lòng đỏ. Trẻ 5 - 6 tháng tuổi có thể ăn cả cái trứng gà đồng thời thêm rau xanh băm, thịt xay, cá xay, gan heo xay. Trẻ 7 - 8 tháng tuổi có thể cho ăn cháo nhừ, mì nát, ruốc cá, còn có thể cho trẻ ăn một ít thức ăn cứng hơn như bánh bích quy, bánh mì, giúp trẻ luyện khả năng nhai để răng phát triển. Trẻ đủ tuổi thì có thể ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa.
Nguyên tắc cho trẻ ăn dặm là; bắt đầu ít, dần dần nhiều lên, từ loãng đến đặc, từ tinh đến thô, từ một loại dần dần đến nhiều loại, đồng thời cho ăn khi chức năng tiêu hóa của trẻ khoẻ mạnh. Mỗi lần thêm loại món ăn mới phải để bé thích ứng rồi mới tăng món thứ hai, thứ ba. Khi tăng món ăn mới, nếu trẻ không thích ăn thì dừng ép, vài ngày sau thử lại, cần cho trẻ nếm món ăn mới ngay trước bữa ăn thường ngày để trẻ dễ tiếp nhận.