Thể thao phòng bệnh trĩ

Thể thao phòng bệnh trĩ

1. Khí công và phòng chống bệnh trĩ

Y học truyền cho rằng đa phần trĩ là do khí hư nhược dẫn tối trệ uất ở hạ tiêu, không thăng lên được, hạ hãm mà thành. Khí hư làm giảm động lực vận hành của huyết, huyết không được lưu thông ứ lại gây tình trạng xung huyết. 

Dựa vào mức độ của búi trĩ phân ra trĩ độ 1-4. Trĩ ở giai đoạn đầu (độ 1, 2 búi trĩ chưa sa ra ngoài hoặc chỉ sa ra ngoài khi đại tiện) có thể điều trị bằng thuốc uống, tập luyện. Khi trĩ đã to (độ 3, 4 búi trĩ sa ra ngoài tự nhiên) nên dùng các biện pháp điều trị triệt để như cắt trĩ, thắt trĩ, tiêm hoại tử...

Trong các phương pháp tập luyện của Y học cổ truyền các bài tập thường được áp dụng cho những trường hợp trĩ ở giai đoạn đầu, có tác dụng tăng cường trương lực cơ vùng hạ vị, tăng sự lưu thông máu, co nhỏ búi trĩ. Những trường hợp trĩ đã quá to sau khi cắt, thắt trĩ cũng có thể tiến hành tập để phòng ngừa tái phát.

 

Tập khí công, có thể áp dụng các phương pháp như:

- (1) Đứng thẳng, khớp gối duỗi thẳng, đặt hai bàn tay ôm lấy khớp gối, đồng thời nhíu hậu môn co lên, giữ càng lâu càng tốt, mỗi ngày tập 2 lần;

- (2)  Có thể nằm, ngồi hoặc đứng, dùng ý niệm để co thót hậu môn hoặc thả lỏng hậu môn. Khi hít vào thì co thót hậu môn khi thở ra thì thả lỏng hậu môn, mỗi ngày tập 2 lần, mỗi lần khoảng 20 lần; 

- (3) Toàn thân thả lỏng, tưởng tượng có một khối khí nhỏ ở giữa bụng, đẩy khối khí này quay quanh rốn 36 vòng theo chiều kim đồng hồ, rồi nhập vào đan điền. Làm liên tục 3 lần như vậy, chú ý giữ ý niệm ở đan điền khoảng 3 phút, thời gian mỗi lần tập khoảng 15 phút, mỗi ngày tập hai lần.

2. Tập thể dục phòng bệnh trĩ

 

Bài tập 1:

Có thể tập mọi lúc mọi nơi, khi nằm, ngồi hoặc đứng. Thả lỏng cơ bắp toàn thân, tập trung tinh thần về vùng bụng dưới. Hít vào từ từ, khép và ép chặt hai bên mông, đùi lại với nhau, lưỡi cong đưa lên áp vào hàm trên. Cùng lúc co thắt và thắt vùng hậu môn lại như khi nhịn đại tiện. Nín thở và giữ nguyên tư thế này trong vài giây rồi từ từ thở ra, thả lỏng cơ vùng hậu môn về bình thường, lưỡi đưa xuống. Làm khoảng 20 đến 30 lần, mỗi ngày tập 2-3 lần.

Bài tập 2:

Tập khi đi bộ. Thẳng người, hàm khép hờ, hai tay buông thõng tự nhiên, bàn tay nắm hờ, tập trung ý nghĩ vào vùng đan điền (vùng bụng dưới gần xương mu, là vùng tập trung khí của cơ thể). Các ngón chân cong gập bám chặt mặt đất. Vừa thót hậu môn vừa đi bộ từng bước nhẹ nhàng, thở đều. Đi bộ trong tư thế như vậy 3-5 phút. Sau đó giãn hậu môn về như cũ, thả lỏng các ngón chân, đi bộ đều khoảng 1-2 phút lại tiếp tục vừa đi bộ vừa thót hậu môn như trên. Mỗi lần tập khoảng 30 phút, ngày 1-2 lần. Bài tập này còn tốt cho những người bị các chứng tiểu tiện không tự chủ, rò hậu môn, sa trực tràng.

Bài tập 3:

Đứng thẳng, hai chân dạng rộng bằng vai, các ngón chân bám chặt mặt đất, hai tay buông xuôi, bàn tay nắm hờ. Từ từ uốn cong gối như xuống tấn, lưng thẳng. Miệng khép, đưa lưỡi xát vòng quanh vòm miệng trên - dưới. Khi nước bọt tiết đây miệng, hít sâu nhẹ nhàng, lưỡi đặt lên hàm trên, nuốt từ từ, đồng thời thót hậu môn lại, nín thở giữ tư thế đó vài giây. Thở ra, thư giãn để chuẩn bị lần tiếp theo. Làm như vậy khoảng 20 lần, kết thúc bài tập nên đi bách bộ trong 30 phút. Mỗi ngày tập hai lần. Bài tập này còn có tác dụng tăng cường, kích thích tiêu hóa, làm cho ăn uống ngon miệng hơn.

Bài tập 4:

Nằm ngửa trên giường, hai chân duỗi thẳng, khép vào nhau, hai tay xuôi dọc theo thân mình. Mắt nhắm hờ tập trung ý nghĩ về vùng đan điền. Hít vào từ từ đồng thời thót hậu môn, siết chặt hai bàn tay, cắn chặt hai hàm răng, cong gập hết cỡ các ngón chân lên phía đầu. Giữ tư thể này khoảng 3-5 giây, thở ra từ từ thả lỏng toàn bộ cơ bắp. Làm khoảng 5 đến 10 phút. Mỗi ngày tập 2-3 lần.

Về nguyên lý các bài tập trên gần giống nhau, có thể tùy theo điều kiện thời gian và môi trường sinh hoạt của mình mà chọn bài tập thích hợp. Cũng có thể xen kẽ những tư thế tập khác nhau để nâng cao hiệu quả. Cần tiến hành bài tập thường xuyên kiên trì mới có hiệu quả.

Bài tập 5.

Bài thể dục này giúp tăng cường sức khỏe, hỗ trợ cho điều trị bệnh trĩ và có thể thực hành vào bất cứ lúc nào trong ngày.

Tư thế:

Đứng thẳng, ngực ưỡn, 2 bàn chân rộng bằng 2 vai, các đầu ngón chân co lại, bấm vào mặt đất, lưỡi co lại, chạm vào chân răng cửa hàm trên, miệng ngậm, răng cửa hàm trên và hàm dưới chạm vào nhau, mắt nhắm hoặc mở, hướng vào 1 điểm nào đó trước mặt, tư tưởng tập trung trên đỉnh đầu, đầu lơ lửng, miệng không hoạt động, bụng mềm, lưng thẳng.

Các thao tác:

1. Hai cánh tay duỗi thẳng theo vai, ngón tay xòe thẳng, lòng bàn tay quay về phía sau.

2. Bụng dưới hóp lại, lưng thẳng, bụng trên co lên, cổ lỏng, đầu miệng trong trạng thái bình thường.

3. Các đầu ngón chân bám trên mặt đất, gót chân sát đất, bắp chân và đùi thẳng và căng cơ.

4. Hai mắt chọn 1 điểm đằng xa để nhìn, không nghĩ ngợi lung tung, chỉ chú ý vào ngón chân bám đất chắc, đùi lên gân chắc, lỗ đít thóp lại và nhầm đếm.

5. Dùng sức vẩy 2 tay về phía sau cùng lúc rồi để tay trở lại phía trước theo quán tính (tuyệt đối không dùng sức). Chân vẫn lên gân, hậu môn co lên, không lòi.

6. Vẩy tay tăng dần từ 300 - 400 - 500 - 600 cái 1 lần. Ngày tập 3 lần khoảng 30 phút.

7. Phải có quyết tâm tập đều đặn, lần vẩy tay dần dần tăng lên, không miễn cưỡng (vì dục tốc bất đạt) nhưng cũng không tùy tiện tập bữa nhiều, bữa ít, hoặc nghỉ tập. Tập đến khi khỏi bệnh mới thôi. Nếu duy trì thường xuyên được càng tốt cho sức khỏe.

Lưu ý:

Không nên tập các bài thể dục khi trĩ đang bị chảy máu, nhiễm trùng búi trĩ, nhiễm trùng vùng hậu môn trực tràng hoặc đang trong giai đoạn đầu sau cắt, thắt trĩ.

3. Tập thể dục có thể làm bệnh trĩ nặng hơn

Thể dục rất có lợi cho sức khỏe nhưng điều này không luôn luôn đúng trong mọi trường hợp, mọi đối tượng. Với bệnh nhân trĩ, có những bài tập càng luyện, bệnh càng nặng thêm.

Nâng và tập tạ

 

Nâng tạ và các bài tập tạ có thể khiến cho khối trĩ lọt ra ngoài: mà bạn không thể kiểm soát. Bởi, khi tập tạ, chúng ta thường phải gồng bụng và nín thở, khiến áp lực ổ bụng tăng đột biến, nhất là khi bạn muốn thử sức với những khối tạ nặng 80-100kg. Sự gia tăng áp lực ổ bụng làm tăng lực đẩy xuống hậu môn, vị trí búi trĩ. Vì vậy, không có gì khó hiểu nếu búi trĩ thò ra ngoài khi bạn bị trĩ ngoại độ 3. Sự tăng áp lực ổ bụng đã được xác nhận là yếu tố góp phần gây ra trĩ.

Nếu bạn đang bị trĩ tốt nhất nên loại bộ môn này khỏi danh sách các môn thể thao của bạn. Nếu vẫn muốn tập tạ, bạn chỉ nên chọn tạ có khối lượng không quá 1/3 khối lượng của cơ thể. Không tập trong tư thế ngồi hoặc đứng, mà nên tập trong tư thế nằm ngửa để giảm tải các tác động xấu đến tình trạng bệnh.

Chạy nhanh

Những môn thể thao phải vận động nhiều và chạy nhanh như marathon, đá bóng có tác dụng rèn cho cơ chân co nhanh hơn, mạnh hơn, cơ thể dẻo dai hơn. Về mặt lý thuyết thì nó có lợi cho bệnh trĩ và đánh tan sự ứ trệ máu ở búi tĩnh mạch làm giãn tĩnh mạch không bị giãn thêm. Nhưng trên thực tế, lợi ích không bù lại cái hại mà nó gây ra. Bởi, để chạy được nhanh chúng ta cần căng cứng cơ bụng, lấy hơi và giữ một áp lực cố định trong bụng. Áp lực này có thể tăng lên gấp 2 -3 lần so với thông thường. Áp lực này thực sự là một thử thách đối với bệnh nhân trí. Hơn thế nữa, tốc độ trong chạy nhanh làm cọ xát hậu môn gây đau rát.

Vì vậy, thay vì tập chạy nhanh, đi bộ sẽ phù hợp hơn với bạn.

Tập cơ bụng 

Nếu như với các bạn nữ, đường cong là một tiêu chí đẹp thì đối với nam giới 6 múi cơ bụng là một tiêu chuẩn “vàng”. Để tăng hiệu quả tập, một số người không chỉ thực hiện động tác gập bụng đơn thuần mà còn “đeo” một quả tạ nặng 5kg vào vai, ngực, cổ để cơ bụng nổi mạnh hơn.

Tuy nhiên, khi gập xuống, cơ thể ở tư thế nhịn hơi, áp lực sẽ dồn toàn bộ khung chậu, trực tràng. Điều này không chỉ làm tăng áp lực ổ bụng mà còn làm cho máu kém lưu thông, khiến bệnh nặng hơn. 

Thiền và yoga

Về cơ bản, ngồi thiền và yoga giúp trấn an thần kinh; đặc biệt tốt cho những người có dạng biểu hiện của kích thích thần kinh như stress, tăng huyết áp, hoảng sợ, hưng cảm, lo lắng. Nó cũng giúp hoạt hóa hệ thần kinh phó giao cảm nên tốt cho các bệnh như đái tháo đường, rối loạn tiêu hóa, trấn an tinh thần.

Tuy nhiên, để hai hình thức luyện tập này phát huy tác dụng phải tập đủ bài và thời gian khá dài, thường thì phải tập hàng giờ. Cũng chính vì điều này mà thiền và yoga trở thành bài tập không phù hợp cho người bệnh trĩ hoặc có dấu hiệu bị trĩ.

Ngồi lâu khiến cho máu phần hậu môn lưu thông chậm, máu gần như bị ứ lại, tuần hoàn rất chậm, khiến tĩnh mạch bị giãn thêm, khiến bệnh càng nặng hơn. Vì vậy, thay vì thay vì tập ngồi thiền, bệnh nhân trĩ chỉ nên đứng dậy, cử động chân nhẹ nhàng, bạn sẽ thấy hậu môn đỡ bị tức nặng.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...