Những vitamin thiết yếu cho cơ thể - Vitamin K
Nhu cầu hàng ngày
Nam giới: chưa có số liệu.
Nữ giới: chưa có số liệu.
Loại vitamin tan trong chất béo này là một nhân tố thiết yếu trong quá trình làm đông máu. Hầu hết lượng vitamin K mà cơ thể cần đều do các vi khuẩn đường ruột sản sinh, và một phần được lấy từ thức ăn. Vitamin K được dự trữ chủ yếu trong gan.
Nếu bạn được kê toa thuốc làm loãng máu thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung vitamin K bởi vì vitamin K có thể cản trở tác động của thuốc.
Bệnh do thiếu vitamin K
Tình trạng thiếu vitamin K do chế độ ăn uống là khá hiếm bởi vì cơ thể nhận được hầu hết lượng vitamin K từ các lợi khuẩn trong đường ruột. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt có thể xảy ra ở những người mắc phải các bệnh làm ảnh hưởng đến việc hấp thu chất béo trong đường ruột như bệnh xơ hóa nang. Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh kéo dài có thể dẫn đến thiếu vitamin K do tác động của kháng sinh lên các lợi khuẩn trong đường ruột.
Do tình trạng thiếu vitamin K làm giảm khả năng đông máu nên triệu chứng thiếu vitamin này bao gồm: xuất huyết ở miệng, đường sinh dục, đường tiểu, dạ dày, ruột và da, da dễ bị thâm tím.
Ở trẻ sơ sinh, phải mất khoảng một tuần thì các lợi khuẩn trong đường ruột mới có thể sản xuất vitamin K. Vì vậy mà trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc phải chứng xuất huyết. Ngày nay, trẻ sơ sinh thường được tiêm vitamin K ngay sau sinh để giúp làm đông máu nếu có xuất huyết xảy ra.
Thực phẩm cung cấp vitamin K
Mỗi 50 – 200g các loại thực phẩm sau chứa ít nhất 0,01mg vitamin K.
- Măng tây.
- Bông cải trắng/xanh.
- Bắp cải.
- Cà rốt.
- Cần tây.
- Đậu Hà Lan.
- Cải bó xôi.
- Nho.
Thuốc kháng sinh và Vitamin K
Nếu bạn sử dụng kháng sinh kéo dài thì bên cạnh việc tiêu diệt các vi khuẩn gây hại, có khả năng thuốc sẽ tiêu diệt hết các lợi khuẩn, gồm cả những vi khuẩn tạo ra vitamin K; do đó lượng vitamin K mà cơ thể hấp thu sẽ giảm sút. Để bù đắp số lượng lợi khuẩn bị mất đi, bạn có thể ăn sữa chua có bổ sung lợi khuẩn, hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc bổ sung vitamin K.