Những khoáng chất thiết yếu - Magie (Magnesium, Mg)
Nhu cầu hàng ngày
Nam giới: 300mg
Nữ giới: 270mg
Khoáng chất này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành xương và răng. Cùng với canxi, natri và kali, magie tham gia vào việc truyền dẫn tín hiệu thần kinh và tạo nên các cơn co cơ. Magie cũng giúp cơ thể xử lý chất béo và protein, tham gia vào quá trình tạo protein và cần thiết cho việc tiết nội tiết tố tuyến giáp – nội tiết tố kiểm soát hàm lượng canxi trong máu.
Vitamin D làm tăng khả năng hấp thu magie trong đường ruột. Khi đã được hấp thu, magie được dự trữ trong xương, cơ, các tế bào và phần dịch bao quanh các tế bào. Magie còn được sử dụng để làm giảm hiện tượng tim đập bất thường (chứng loạn nhịp tim) và làm giảm cơn co tử cung ở phụ nữ mang thai.
Bệnh do thiếu magie
Về cơ bản, tình trạng thiếu magie rất hiếm xảy ra. Tuy nhiên nó có thể xảy ra trong trường hợp sự hấp thu dưỡng chất trong đường ruột có vấn đề, sử dụng thuốc lợi tiểu lâu ngày, ói mửa nhiều, bệnh thận, nghiện rượu nặng, cường tuyến cận giáp và xơ gan. Do magie cũng cần thiết cho hoạt động bình thường của tuyến cận giáp nên hàm lượng magie thấp có thể làm giảm hàm lượng canxi trong máu.
Tình trạng thiếu magie dẫn đến hàm lượng canxi và kali trong máu bị sụt giảm, đồng thời cũng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, hệ thần kinh và cơ, tim và hệ tuần hoàn, và việc hình thành các tế bào máu.
Người bị thiếu magie có thể có những triệu chứng sau: mệt mỏi, uể oải, ăn không ngon, tiếng nói yếu, nhịp tim bất thường, thiếu máu và run rẩy. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thiếu magie có thể gây chậm lớn. Những dấu hiệu nặng đó là tim đập nhanh, co giật và sẽ rất nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời.
Thực phẩm cung cấp magie
Mỗi 100g các loại thực phẩm sau chứa ít nhất 50mg magie.
• Ngũ cốc nguyên cám.
• Bông a-ti-sô.
• Cải bó xôi.
• Bánh mì (làm từ bột nguyên cám).
• Thịt đỏ.
• Các loại đậu, hạt (như: hạt hướng dương, mè, hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng, đậu que, đậu xanh...).
• Đậu phụ.