Những điều cần biết về hội chứng chuyển hóa
Hội chứng chuyển hóa là gì?
Hội chứng chuyển hóa, còn được gọi là hội chứng X hoặc hội chứng rối loạn chuyển hóa, đều đề cập đến một nhóm các tình trạng chuyển hóa có thể dẫn đến bệnh tim.
Các đặc điểm chính của hội chứng chuyển hóa bao gồm kháng insulin, tăng huyết áp (huyết áp cao), cholesterol bất thường và tăng nguy cơ đông máu. Những người được chẩn đoán mắc hội chứng này thường bị thừa cân hoặc béo phì.
Kháng insulin là tình trạng cơ thể sản xuất insulin nhưng không sử dụng đúng cách. Insulin, một loại hormone được tạo ra bởi tuyến tụy, giúp cơ thể sử dụng glucose (một dạng đường), để tạo năng lượng. Nếu một người bị kháng insulin, cơ thể của người đó không chuyển đổi glucose để sử dụng cho cơ và các mô khác.
Hội chứng chuyển hóa được chẩn đoán như thế nào?
Theo hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, bất kỳ ba đặc điểm nào sau đây xảy ra trong cùng một người, đều đáp ứng các tiêu chí cho hội chứng chuyển hóa, bao gồm:
- Béo phì bụng: chu vi vòng eo trên 102cm (40 inch) ở nam và trên 88cm (35 inch) ở nữ.
- Triglyceride huyết thanh: 150 mg / dl trở lên, hoặc dùng thuốc để tăng triglyceride.
- Cholesterol HDL (''tốt''): Ở nam 40mg / dl hoặc thấp hơn và 50mg / dl hoặc thấp hơn ở nữ.
- Huyết áp từ 130/85 trở lên (hoặc dùng thuốc điều trị huyết áp cao).
- Đường huyết lúc đói từ 100 mg / dl trở lên.
Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO - World Health Organization) còn có những tiêu chí hơi khác nhau để xác định hội chứng chuyển hóa, bao gồm:
Nồng độ insulin cao, đường huyết lúc đói tăng hoặc đường huyết sau khi ăn tăng cao với ít nhất hai trong số các tiêu chí sau:
- Béo phì được xác định bởi tỷ lệ vòng eo / hông lớn hơn 0,9, chỉ số khối cơ thể ít nhất 30 kg / m2 hoặc số đo vòng eo trên 37 inch (94cm).
- Bảng cholesterol cho thấy mức chất béo trung tính ít nhất 150 mg / dl hoặc cholesterol HDL thấp hơn 35 mg / dl.
- Huyết áp từ 130/80 trở lên (hoặc đang điều trị huyết áp cao).
Hội chứng chuyển hóa thường gặp như thế nào?
Khoảng 20% -30% dân số ở các nước công nghiệp mắc hội chứng chuyển hóa.
Nguyên nhân gây ra hội chứng chuyển hóa?
Hiện nay nhiều điều kiện y tế, di truyền và môi trường đều đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hội chứng chuyển hóa.
Yếu tố di truyền ảnh hưởng đến từng thành phần của hội chứng và chính hội chứng. Tiền sử gia đình bao gồm tiểu đường tuýp 2, tăng huyết áp và bệnh tim sớm sẽ làm tăng đáng kể khả năng mắc hội chứng chuyển hóa của một cá nhân.
Các vấn đề môi trường như mức độ hoạt động thấp, lối sống ít vận động và tăng cân cũng góp phần đáng kể vào nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hóa.
Hội chứng chuyển hóa đang xảy ra ở khoảng 5% những người có trọng lượng cơ thể bình thường, 22% những người thừa cân và 60% những người béo phì. Đối với những người trưởng thành đang tiếp tục gia tăng cân nặng (2,3kg trở lên mỗi năm), họ sẽ có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa lên tới 45%.
Mặc dù béo phì có thể là yếu tố rủi ro lớn nhất, nhưng những vấn đề khác cũng có thể dẫn đến mắc hội chứng này bao gồm:
- Đang trong thời kỳ mãn kinh.
- Hút thuốc.
- Thực hiện một chế độ ăn quá nhiều carbohydrate.
- Không hoạt động thể chất.
Những nguy hiểm trong hội chứng chuyển hóa là gì?
Hội chứng chuyển hóa là một tình trạng có thể dẫn đến cả bệnh tiểu đường và bệnh tim, đây là hai trong số những bệnh mãn tính phổ biến nhất hiện nay.
Hội chứng chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 (loại tiểu đường phổ biến) từ 9 đến 30 lần so với dân số bình thường. Đối với nguy cơ mắc bệnh tim, hiện có rất nhiều nghiên cứu khác nhau đang được thực hiện, nhưng hội chứng chuyển hóa dường như làm tăng nguy cơ gấp 2 đến 4 lần so với người bình thường.
Các nguy cơ sức khỏe khác từ hội chứng chuyển hóa bao gồm tích tụ chất béo trong gan (gan nhiễm mỡ), dẫn đến viêm và có khả năng bị xơ gan. Thận cũng có thể bị ảnh hưởng, vì hội chứng chuyển hóa có liên quan đến microalbumin niệu, rò rỉ protein vào nước tiểu, đây là một dấu hiệu không dễ phát hiện nhưng rõ ràng gây tổn thương thận. Hội chứng cũng có thể gây ra tình trạng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, hội chứng buồng trứng đa nang, tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ do lão hóa và suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi.
Hội chứng chuyển hóa được điều trị như thế nào?
Các mục tiêu chính là điều trị cả nguyên nhân cơ bản của hội chứng chuyển hóa và giảm các yếu tố có thể dẫn đến các vấn đề về tim.
Thay đổi lối sống là điều trị ưa thích của hội chứng chuyển hóa. Giảm cân thường đòi hỏi một chương trình đa dạng, được thiết kế riêng bao gồm chế độ ăn kiêng và tập thể dục. Thuốc cũng có thể hữu ích.
Thay đổi thói quen ăn uống
Chế độ ăn kiêng thường được diễn ra nhanh chóng và khó duy trì, nhưng gần đây, các chuyên gia đã khuyến nghị mọi người nên thực hiện chế độ ăn Địa Trung Hải - một loại giàu chất béo "tốt" (dầu ô liu) và chứa một lượng carbohydrate và protein hợp lý (như từ cá và thịt gà).
Các chế độ ăn uống Địa Trung Hải rất ngon miệng và dễ duy trì. Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng khi so sánh với chế độ ăn ít chất béo, thì những người thực hiện chế độ ăn Địa Trung Hải có trọng lượng cơ thể giảm nhiều hơn và cải thiện nhiều hơn về huyết áp, nồng độ cholesterol và các dấu hiệu khác của bệnh tim, tất cả đều quan trọng trong việc đánh giá và điều trị hội chứng chuyển hóa.
Thông qua một kế hoạch tập thể dục
Việc duy trì một chương trình tập thể dục đều đặn (ví dụ, 30 phút mỗi ngày / 5 ngày một tuần) là hợp lý, đây được xem là một điểm khởi đầu lý tưởng, miễn là không có lý do y tế nào khiến bạn không thể tập luyện. Nhưng nếu bạn có bất kỳ mối quan tâm đặc biệt nào về vấn đề này, trước tiên hãy kiểm tra với bác sĩ. Tập thể dục có tác dụng tốt đối với huyết áp, nồng độ cholesterol và độ nhạy insulin, bất kể bạn có giảm cân hay không. Thì tập thể dục vẫn đem lại nhiều hữu ích trong điều trị hội chứng chuyển hóa.
Phẫu thuật thẩm mỹ để loại bỏ mỡ
Nếu vòng eo lớn là vấn đề, tại sao không thực hiện hút mỡ để loại bỏ chúng? Nó không đơn giản như vậy. Các nghiên cứu cho thấy việc hút mỡ đối với độ nhạy insulin, huyết áp hoặc cholesterol là không có lợi. Vì vậy chế độ ăn uống và tập thể dục vẫn là phương pháp điều trị ưu tiên hàng đầu của hội chứng chuyển hóa.
Điều gì xảy ra nếu thay đổi lối sống không đủ để điều trị Hội chứng chuyển hóa?
Điều gì xảy ra nếu những thay đổi trong chế độ ăn uống và hoạt động không thực hiện được? Thuốc có thể được xem xét trong việc giúp kiểm soát cholesterol và huyết áp cao.
Mục tiêu của huyết áp thường được đặt thấp hơn 140/90 và các khuyến nghị có thể thay đổi tùy theo tuổi của bạn. Một số loại thuốc huyết áp - thuốc ức chế men chuyển (cũng đã được tìm thấy) có thể giảm mức độ kháng insulin và trì hoãn các biến chứng của bệnh tiểu đường loại 2. Đây là một cân nhắc quan trọng khi thảo luận về việc lựa chọn thuốc huyết áp trong hội chứng chuyển hóa.
Metformin (Glucophage), thường được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường loại 2, cũng có thể giúp ngăn ngừa sự xuất hiện của bệnh tiểu đường ở những người mắc hội chứng chuyển hóa. Tuy nhiên, hiện tại không có hướng dẫn cụ thể về điều trị cho bệnh nhân hội chứng chuyển hóa bằng metformin nếu họ không được chẩn đoán bệnh tiểu đường.