Ngăn ngừa bệnh loãng xương
Loãng xương là một căn bệnh thường gặp ở người già và phụ nữ sau sinh. Điều quan trọng là bệnh này có thể phòng ngừa được nếu ai cũng có ý thức về sức khỏe của mình.
Dưới đây là một số lưu ý:
- Cà phê không có lợi cho xương:
Nên hạn chế các đồ uống chứa caffeine và hành củ vì những thực phẩm này làm tăng quá trình bài tiết calcium của cơ thể. Ngoài ra, nên tránh lạm dụng các đồ uống có cồn như bia, rượu vì chất cồn sẽ ảnh hưởng không tốt tới khả năng hấp thu calcium của ruột.
- Cần chú ý bổ sung calcium qua thực phẩm bằng cách ăn nhiều loại thức ăn như:
Sữa và các chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô-mai...), cá (nhất là cá mòi, cá thu và nên dùng cả xương), các loại rau củ, hạt (như súp lơ xanh, cải xoăn, củ cải đường, rau màu xanh đậm, hạt đậu nành...).
- Cần chú ý tập thể dục đều đặn:
Việc luyện tập đều đặn 30 phút mỗi ngày giúp tăng cường sự cân bằng và duy trì độ dẻo dai của hệ xương, giảm nguy cơ loãng xương và gãy xương ở người lớn tuổi.
- Nên đến bệnh viện kiểm tra mật độ xương định kỳ:
Đây là cách duy nhất giúp bạn phát hiện sớm bệnh loãng xương. Cũng nên để ý tới chiều cao của mình. Sự giảm chiều cao vài phân là dấu hiệu đầu tiên của chứng mòn đốt sống và loãng xương.
- Hút thuốc cũng là một thói quen rất có hại cho xương.
Theo thống kê của các tổ chức y tế, trong số những phụ nữ mắc bệnh loãng xương trên toàn thế giới, 1/8 có tiền sử hút thuốc một thời gian dài. Ở nam giới, việc hút thuốc thường xuyên cũng làm tăng 10 lần nguy cơ loãng xương và tăng 2 lần nguy cơ gãy xương cột sống và xương hông. Hút thuốc còn khiến vết gãy ở xương khó phục hồi.
Ngoài ra, một điều cần lưu ý là ở những phụ nữ mắc chứng trầm cảm, nguy cơ giảm mật độ xương vùng cột sống và hông cao hơn hẳn so với những người có cuộc sống tươi vui, hạnh phúc. Nguyên nhân là do khi bị trầm cảm, cơ thể sẽ sản xuất nhiều cortisol - một hormone liên quan đến stress. Chất này làm giảm lượng chất khoáng trong cơ thể.