Nam thanh niên hiếm muộn 7 năm may mắn có con nhờ kỹ thuật này
Ngày 12/12/2017, Khoa Hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh lần đầu tiên thực hiện phẫu thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn (TESE) cho bệnh nhân vô sinh nam Nguyễn Hoàng P. (28 tuổi).
Đến nay, sau 1 năm gia đình anh Nguyễn Hoàng P. đã có thêm một thành viên mới cực kỳ đáng yêu.
Trước đó, bệnh nhân Nguyễn Hoàng P. (28 tuổi), thường trú tại Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh hiếm muộn hơn 7 năm. Bệnh nhân đã khám tại nhiều cơ sở y tế và đều được kết luận nguyên nhân hiếm muộn là “không có tinh trùng trong tinh dịch”, và cũng đã được chỉ định chọc hút mào tinh tìm tinh trùng (PESA) hai lần nhưng đều không thu nhận được tinh trùng.
Bệnh nhân được thực hiện “Phẫu thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn” tại Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, sau 45 phút thực hiện ê kíp đã thu nhận được sáu mẫu tinh trùng từ mô tinh hoàn và tiến hành trữ đông lạnh ở -196 độ C để làm thụ tinh trong ống nghiệm cho vợ anh vào tháng sau.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn cho bệnh nhân.
Tham gia kíp phẫu thuật có bác sĩ Đỗ Duy Long (Trưởng khoa Hỗ trọ Sinh sản), bác sĩ Đặng Hữu Lam (Bác sĩ nam khoa), bác sĩ Ngô Đức Danh (Bác sĩ gây mê).
Bác sĩ Đặng Hữu Lam cho biết: “Tần suất nam giới hiếm muộn đến khám tại Khoa hỗ trợ sinh sản được chẩn đoán không có tinh trùng trong tinh dịch do tắc nghẽn hoặc suy giảm chức năng sinh tinh tuy không nhiều nhưng nếu không can thiệp bằng các kỹ thuật cao như phẫu thuật trích tinh trùng từ mào tinh (MESA) hoặc tinh hoàn (TESE) để lấy tinh trùng thì đều không thể có thể có con với chính tinh trùng của mình được".
Việc triển khai kỹ thuật TESE cùng với sự phát triển của thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh đã đem lại nhiều cơ hội hơn cho những cặp vợ chồng vô tinh giống như vợ chồng anh Nguyễn Hoàng P.
Đứa con kháu khỉnh là "quả ngọt" hạnh phúc sau hành trình dài chữa vô sinh hiếm muộn của vợ chồng anh P.
TESE được tiến hành thế nào?
Theo bác sĩ Lam, kỹ thuật TESE được thực hiện cho bệnh nhân không có tinh trùng trong tinh dịch và thực hiện chọc hút mào tinh cũng không có tinh trùng.
Quá trình thực hiện, bệnh nhân sẽ được gây mê và giảm đau trước khi thực hiện phẫu thuật. Tiếp đó, bác sĩ sẽ trích rạch da bìu, bộc lộ tinh hoàn và lấy một vài mẫu mô tinh hoàn.
Quy trình thực hiện kỹ thuật TESE.
Mẫu mô đó được chuyển cho các chuyên viên phôi học, xay nhỏ để tìm tinh trùng dưới kính hiển vi độ phóng đại lớn.
Nếu có tinh trùng, sẽ thực hiện đông lạnh bằng Nitơ lỏng và dùng cho thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người vợ sau này.
Một phần mẫu mô tinh hoàn sẽ được chuyển cho chuyên gia mô bệnh học để đánh giá chi tiết.
"Với kỹ thuật này, thời gian thực hiện kỹ thuật khoảng 30-45 phút, bệnh nhân hồi phục nhanh. Cơ hội tìm thấy tinh trùng cao hơn so với kỹ thuật Chọc hút tinh hoàn tìm tinh trùng (TESA) trước đây"- bác sĩ Lam cho hay.