Khi nào cần bổ sung sắt và acid tolic?

Khi nào cần bổ sung sắt và acid tolic?

Acid folic có khi được gọi folale chính là vitamin B9. Còn sắt là chất khoáng (hay còn gọi nguyên tố vi lượng) rất cần thiết trong quá trình tạo hồng cầu cho cơ thể.

Vitamin và chất khoáng là hai loại chất dinh dưỡng hằng ngày cơ thể ta cần được cung cấp (chủ yếu từ thực phẩm) tuy với lượng rất nhỏ nhưng phải đủ để cơ thể hoạt động một cách bình thường.

Acid folic:

Nằm trong 13 vitamin cần được cung cấp hằng ngày (gồm 4 vitamin tan trong dầu A, D, E, K, vitamin C và 8 vitamin nhóm B tan trong nước, acid folic thuộc nhóm B tan trong nước).

Acid folic là chất cần thiết góp phần tạo hồng cầu bình thường và có ảnh hưởng đến sự tổng hợp ADN và ARN, tức liên quan mật thiết đến quá trình phân chia nhân đôi tế bào. Thiếu acid folic sẽ đưa đến thiếu đại hồng cầu (megaloblastic anemia). Nếu phụ nữ mang thai không được cung cấp đủ acid folic sẽ đưa đến khiếm khuyết trong sự hình thành ống tủy sống của bào thai, thai nhỉ có nguy cơ bị tật nứt đốt sống (spina bifida).

Gần đây, nhiều công trình nghiên cứu chứng minh sự tăng nồng độ homocysteine trong máu có thể gây nhiều bệnh lý tim mạch như: xơ vữa động mạch, huyết khối trong động mạch, thiếu máu cơ tim... và bổ sung acid folic kết hợp với một số vitamin nhóm B khác có thể làm giảm homocysteine trong máu xuống, giúp ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch vừa kể.

Sắt:

Trong các chất khoáng được cung cấp hằng ngày, sắt đóng vai trò hết sức quan trọng vì đây là yếu tố cần thiết tạo nên hemoglobin là chất tạo nên màu đỏ của hồng cầu, có nhiệm vụ chuyên chở oxy (dưỡng khí) và CO, (thán khí) trong quá trình hô hấp. Nếu sắt không được cung cấp đủ sẽ đưa đến thiếu máu thiếu sắt. Lưu ý, có nhiều dạng thiếu máu và thiếu máu thiếu sắt là dạng phổ biến nhất của bệnh thiếu máu (còn có dạng thiếu máu thiếu acid folic, thiếu máu thiếu vitamin B12).

Để tránh tình trạng thiếu vitamin và chất khoáng nói chung, nên ăn uống đầy đủ chất. Để không thiếu acid folic và sắt, nên ăn các loại thịt có màu đỏ (heo, bò), gan, rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc. Tuy nhiên, cần lưu ý, phụ nữ là đối tượng dễ thiếu hụt sắt và acid folic, và trong một số trường hợp, sự bổ sung hai chất dinh dưỡng tối cần thiết này thông qua ăn uống là không đủ.

Phụ nữ dễ bị thiếu máu thiếu sắt hơn nam giới vì dự trữ sắt của họ thấp do mất máu trong các kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ không mang thai cần lưu ý đến các yếu tố thúc đẩy nguy cơ thiếu máu thiếu sắt và thiếu acid folic như: ra huyết kéo dài, ra huyết nhiều khi có kinh, ăn uống quá kiêng khem (có khi vì ám ảnh sợ béo phì). Nếu bị thiếu máu loại này, phụ nữ sẽ bị mỏi mệt thường xuyên, giảm hẳn hoạt động thể lực, sút giảm trí nhớ...

Còn ở phụ nữ mang thai, nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt và thiếu acid folic cao hơn nhiều. Khi có thai, dự trữ sắt có sẵn trong cơ thể phụ nữ có thai rất dễ không đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu do sự tăng thể tích máu ngày càng nhiều để nuôi thai. Còn nhu cầu acid folic tăng gấp 4 lần so với trước khi mang thai. Ở thai phụ, thiếu máu thiếu sắt làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và tăng nguy cơ mất máu nhiều trong lúc sinh và sau sinh, dễ sẩy thai, chậm phát triển bào thai, dễ sinh non tháng. Nếu thiếu acid folic, thai nhi rất dễ bị dị tật ống thần kinh (là sự khiếm khuyết đưa đến ống thần kinh không đóng kín; phần lớn dị tật ống thần kinh thường thấy là nứt ống đốt sống hay còn gọi là gai cột sống chẻ đôi).

Do acid folic dễ mất đi trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm nên ở Mỹ và nhiều nước châu Âu đã có luật định tăng cường acid folic trong bột mì để phòng thiếu hụt acid folic trong cộng đồng. Nếu thai phụ được điều trị bệnh sốt rét, động kinh hay đang dùng thuốc methotrexate bắt buộc phải dùng thuốc bổ sung acid folic.

Dự phòng thiếu máu thiếu sắt và thiếu acid folic không khó ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và phụ nữ có thai. Chỉ cần uống một viên thuốc chứa acid folic và sắt mỗi ngày là đủ nhu cầu cung cấp acid folic và sắt cho cơ thể.

Lưu ý khi dùng thuốc chứa acid folic và sắt

  • Không uống với nước trà (chè) mà nên uống với nước lã đun sôi để nguội (vì trà cản trở sự hấp thu sắt).
  • Không uống chung với thuốc kháng acid trị viêm loét dạ dày - tá tràng (sắt không được hấp thu), không uống chung với tetracycline (tetracycline bị giảm hấp thu).
  • Sau khi uống thuốc, phân đi tiêu có màu đen (do màu của sắt, đây là dấu hiệu không đáng ngại).

Do những hậu quả xấu của thiếu máu thiếu sắt và thiếu acid folic được kể ở trên, cần xem trọng việc phòng ngừa và điều trị sớm rối loạn này trong chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản ở phụ nữ.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...