Hen phế quản (hen suyễn)

Hen phế quản có di truyền hoặc lây lan không, và có chữa khỏi hẳn được không?

Hen phế quản có di truyền hoặc lây lan không, và có chữa khỏi hẳn được không?

"Cháu được bác sĩ chẩn đoán là bị hen suyễn. Bệnh này có di truyền hoặc lây lan không, và có chữa khỏi hẳn được không? Cháu nên dùng thuốc gì?".

Bệnh hen suyễn, nói chính xác là hen phế quản (để phân biệt với hen tim) không phải do vi khuẩn hay virus gây ra nên không lây.

Nó là một bệnh dị ứng, mà tính hay bị dị ứng (đối với thời tiết, một vài thứ thức ăn, phấn hoa...) có thể di truyền, nhất là khi cả hai bố mẹ đều bị.

Sở dĩ người hen bị khó thở khi lên cơn là vì lúc đó, ở phổi xảy ra hai hiện tượng trái ngược. Các phế quản nhỏ co thắt, trong khi các phế nang (túi khí) giãn ra (tựa như các cuống quả bóng thì thu nhỏ còn bản thân các quả bóng lại phình ra); khiến bệnh nhân hít vào đã khó nhưng thở ra còn khó hơn nhiều. Vì vậy, người lên cơn hen phải ngồi khuỳnh hai tay, cố hết sức đẩy không khí ra mà vẫn thấy ngột ngạt. Các phế nang bị giãn lâu ngày không hồi phục được nữa, sẽ làm cho lồng ngực biến dạng.

Nguyên nhân của hai hiện tượng trên là do mất cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm (cơn hen thường xảy ra ban đêm, vì vào ban đêm, hệ phó giao cảm hoạt động mạnh hơn).

Y học hiện chưa chữa được tận gốc bệnh hen phế quản; các loại thuốc được sử dụng chỉ chữa triệu chứng cũng như biến chứng. Cháu nên đi khám một bác sĩ có tay nghề vững để được hướng dẫn cách chữa và phòng ngừa biến chứng.

Cháu có thể dùng thuốc xịt họng Ventolin: Nếu cơn vừa phải, xịt 2 cái liền, chờ 1 phút rồi xịt thêm 2 cái nữa. Nếu cơn nặng, xịt lần đầu 2 cái liền, rồi sau đó cứ 5 phút lại xịt 2 cái, cho tới khi hết cơn thì thôi. Việc dùng thuốc nhất thiết phải theo chỉ định của bác sĩ.

Một số bệnh nhân hen lâu năm được bác sĩ cho tiêm bắp thịt mông thuốc Kenacort (K-cort) thải trừ chậm (loại 80 mg), với khoảng cách 1-2 tuần 1 lần, khi đã đỡ thì thưa hơn, có thể tới 1-2 tháng/lần, kết quả ngừa cơn khá rõ rệt. Bệnh hen phế quản nếu để lâu ngày sẽ gây hại cho tim (bệnh tim do phổi, y học gọi là tâm phế mãn). Và người hen có thể dễ bị dị ứng với một số thức ăn.

Một số người bị hen phế quản do dị ứng thời tiết, sau khi chuyển vào miền Nam một thời gian thì đỡ nhiều hoặc khỏi. Cháu xem có điều kiện chuyển vùng không?

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...