Hiểm họa ung thư bắt nguồn từ những thói quen
Điểm mặt những thói quen làm tăng nguy cơ ung thư
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có hơn 94.000 người chết do ung thư, tương ứng có 257 người chết mỗi ngày.
Con số này đang gia tăng nhanh chóng và trở thành hiểm họa chung của toàn nhân loại. Thế nhưng ít ai biết rằng, một trong những lý do khiến ung thư xuất hiện và gia tăng nhanh là do thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học.
Thói quen ăn chung, uống chung
Đại đa số người dân Việt Nam có thói quen này, đặc biệt là trong các bữa cơm gia đình, trong các bữa nhậu hoặc cỗ bàn… Thói quen ăn uống chung là sử dụng chung các đồ dùng ăn uống như bát đũa, thìa, chung bát nước chấm, uống chung chén rượu… Ít người biết rằng đây là con đường lây truyền nhiều vi khuẩn và độc tố trong đó có vi khuẩn HP.
Loại vi khuẩn này có thể cư trú trong niêm mạc dạ dày, thực quản, miệng và cộng sinh trong cơ thể chúng ta. Chúng quen sống trong dịch axit của dạ dày. Khi dạ dày bị tổn thương, vi khuẩn HP tác động khiến vết thương lâu lành gây dị sản, loạn sản. Nguy hiểm nhất là vi khuẩn HP có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày nếu không phát hiện và điều trị triệt để.
Thích ăn thịt - lười ăn rau
Một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2017 đã chỉ ra, người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ ăn rất ít rau: họ chỉ ăn khoảng 170 - 200gr/ngày. Trong khi đó, lượng thịt được tiêu thụ lại gấp 2 - 3 lần lượng rau đưa vào cơ thể.
Thói quen ăn uống thiếu cân bằng này làm tăng nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư đại trực tràng do chế độ ăn thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, thói quen thích ăn thịt - ít ăn rau còn khiến cơ thể dễ mắc bệnh béo phì, tăng axit uric, tăng lipid máu… Từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, thận, bệnh lý chuyển hóa.
Nghiện thuốc lá và hút thuốc ở những nơi công cộng
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WTO), Việt Nam nằm trong danh sách 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc của nam giới là 45,3%. Thuốc lá làm gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác nhau như tim mạch, huyết áp, đột quỵ. Nguy hiểm nhất là các bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư vòm họng, thực quản, ung thư miệng…
Trong khói thuốc lá chứa nhiều chất độc như nicotin, amoniac, methanol formaldehyde… Những chất độc hại này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người hút thuốc, khói thuốc lá khi được nhả ra ngoài môi trường cũng gây ảnh hưởng tới người xung quanh, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ.
Thường xuyên thức khuya
Thói quen thức khuya để làm việc hoặc xem phim, chơi game… ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, gây rối loạn nhịp sinh học. Thói quen này thường gặp ở người trẻ tuổi.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ mắc ung thư ở người trẻ gia tăng một cách báo động bởi những thói quen “khó bỏ” này. Việc thường xuyên thức khuya có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt…
Thói quen mớm cơm, hôn miệng trẻ
“Sở thích” mớm cơm hoặc hôn vào miệng trẻ hiện vẫn còn xuất hiện ở nhiều gia đình Việt. Thói quen này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP và EBV mà không phải bậc làm cha mẹ nào cũng biết.
Trẻ em sức đề kháng yếu nên rất dễ mắc bệnh qua đường tiêu hóa, đường miệng, vì thế khi mớm cơm hoặc hôn trẻ trẻ, vi khẩu HP hoặc EBV trong nước bọt của người mắc bệnh sẽ truyền qua cho trẻ. Vi khuẩn HP có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày; vi khuẩn EBV có thể gây ung thư vòm họng.
Từ bỏ thói quen xấu, tầm soát ung thư sớm
Những thói quen “tưởng chừng vô hại” nhưng lại ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bản thân và những người xung quanh. Vì thế nếu bạn đang “sở hữu” một trong những thói quen trên cần từ bỏ chúng.