Giáo viên, dân văn phòng dễ mắc chứng suy tĩnh mạch ở chân
Dù được đánh giá môi trường ‘nhẹ nhàng’, nhưng áp lực công việc khiến đa phần dân văn phòng gần như phải ‘đóng đinh’ một chỗ suốt 8 tiếng làm việc. Điều này thực sự là mảnh đất màu mỡ cho bệnh suy giãn tĩnh mạch phát triển.
Suy giãn tĩnh mạch là gì?
Suy giãn tĩnh mạch được hiểu đơn giản là suy giảm khả năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch dẫn tới hiện tượng máu ứ đọng gây ra những biến đổi không tốt về việc lưu thông máu và biến dạng tổ chức mô xung quanh. Đặc biệt bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là tĩnh mạch chân.
Tại sao dân công sở lại dễ mắc suy giãn tĩnh mạch?
Suy giãn tĩnh mạch là bệnh mãn tính thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 35-50 làm công việc đứng lâu ngồi nhiều và đang có triệu chứng sớm như đau, sưng nặng chân về chiều.
Ngoài yếu tố tuổi tác, nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh suy giãn tĩnh mạch xuất phát từ thói quen sinh hoạt hàng ngày ít vận động, phải ngồi lâu một chỗ hoặc phải mang vác vật nặng khiến máu bị dồn xuống hai chân, tăng áp lực tĩnh mạch. Lâu ngày gây ra những tổn thương ở van tĩnh mạch khiến van không đủ khả năng chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới dẫn tới máu bị ứ ở hai chân.
Bệnh có nguy hiểm không?
Suy giãn tĩnh mạch không gây chết người nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng tới mỹ quan người bệnh và cản trở sinh hoạt. Nếu không kịp thời chữa trị, bệnh có thể dẫn tới biến chứng tắc mạch máu có thể dẫn tới tử vong.
Tuy nhiên, suy giãn tĩnh mạch thực sự nguy hiểm khi đa phần người mắc bệnh đều không có hoặc chưa hiểu biết đầy đủ về bệnh tình.Theo điều tra, có đến 77,6% các bệnh nhân không biết mình mắc bệnh. Ngoài ra, họ còn ngại đi khám, không điều trị hoặc điều trị không đúng. Điều này dẫn đến những hậu quả rất khó lường, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Có ba biến chứng mà người mắc bệnh suy và giãn tĩnh mạch chân có thể gặp phải nếu không được điều trị đúng cách, là huyết khối (máu đông), xuất huyết (chảy máu) và loét chân.
Những triệu chứng ban đầu của suy giãn tĩnh mạch
Mặc dù thường hay bị nhầm lẫn với các bệnh khác nhưng suy giãn tĩnh mạch cũng có những dấu hiệu rất đặc trưng như đau, ngứa thậm chí là nóng tới mức bỏng rát ở chỗ tĩnh mạch.
Ban đầu, người bệnh có thể bị phù hai chi dưới đi kèm với cảm giác nặng, chuột rút về ban đêm (thường bị nhầm lẫn là thiếu canxi), triệu chứng này sẽ bớt khi bệnh nhân kê chân cao buổi tối khi đi ngủ.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các triệu chứng nặng dần và xuất hiện những hình mạng nhện màu đỏ hoặc màu xanh ở bắp chân. Sau đó các tĩnh mạch giãn dần, nổi ngoằn ngoèo, da thay đổi màu sắc, loạn dưỡng và chàm hóa da. Đôi khi còn xuất hiện hội chứng chân không nghỉ (phải rung hoặc gác chân mới có cảm giác dễ chịu).
Cách phòng ngừa hữu hiệu
Bệnh nhân nên nhanh chóng tới các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa uy tín để được chẩn đoán và điều trị chính xác nhất nếu cơ thể đã xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của suy giãn tĩnh mạch.
Tuy nhiên phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nhân viên văn phòng nên cố gắng vận động nhẹ như đi lại, thay đổi tư thế làm việc mỗi 30 phút một lần. Duy trì cân nặng vừa phải và chế độ dinh dưỡng cân bằng thịt cá và rau củ. Nữ giới nên hạn chế đi giày cao gót. Nam giới tránh mang vác vật nặng.