Đừng xem thường việc rửa tay!
Rửa tay sạch được xem là liều vaccine đơn giản, rẻ tiền nhất để phòng ngừa nhiều căn bệnh nguy hiểm, nhưng liệu có ơi cũng quan tâm đến công việc nhỏ nhặt này?
Theo các nghiên cứu y tế, việc rửa tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay đến những nơi không đảm bảo vệ sinh sẽ giảm 50% các bệnh truyền nhiễm.
Tuy nhiên, công việc tưởng chừng như quá đơn giản này lại chưa được nhiều người quan tâm đúng mức. Kết quả điều tra “Thực trạng vệ sinh môi trường nông thôn Việt Nam” tháng 6-2006 của Cục Y tế dự phòng và Môi trường Việt Nam (Bộ Y tế) cũng cho thấy tỷ lệ không rửa tay thường xuyên của người dân cả nước khá cao, dù tay là nơi tiềm ẩn của hơn bốn triệu mầm bệnh.
Chẳng hạn, tỷ lệ không rửa tay trước khi ăn chiếm 69,7%, sau khi tiểu tiện là 79,6% và sau khi đại tiện là 68,1%. Tỷ lệ rửa tay thường xuyên với xà phòng rất thấp, chỉ chiếm 12,8% trước khi ăn, 15,5% sau khi tiểu tiện và 16,9% sau khi đại tiện. Đa phần người dân quan niệm chỉ cần rửa khi tay có mùi hôi hoặc bị bẩn.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) tháng 6/2007 từ việc theo dõi cách rửa tay của các bà mẹ có con dưới năm tuổi ở tám tỉnh tại Việt Nam cũng cho thấy các bậc phụ huynh còn khá thờ ơ với công việc rất đơn giản này khi có đến 64% bà mẹ “quên” rửa tay trước khi cho trẻ ăn. Sau khi làm vệ sinh cho trẻ, chỉ có 23% bà mẹ rửa tay với xà phòng, còn lại chỉ rửa nước hoặc... không cần rửa tay (13%)!
Thật ra, việc rửa tay (đặc biệt là với xà phòng) có tầm quan trọng nhiều hơn chúng ta tưởng. Theo báo cáo của UNICEE, mỗi ngày có 5.000 trẻ em tử vong do bệnh tiêu chảy, 25.000 người chết và 50% số bệnh nhân nhập viện do liên quan đến nước và vệ sinh môi trường, trong đó 80% nguyên nhân là do thiếu nước sạch và vệ sinh cá nhân yếu kém. Cũng cần phải nhắc lại rằng cách đây bốn năm, vi khuẩn dính ở bàn tay một người nhiễm SARS chính là nguyên nhân khiến cả một chung cư ở Hong Kong bị lây lan đại dịch này khi mọi người đã tiếp xúc tay với chiếc nút bấm thang máy!
Tại Việt Nam, mỗi năm cũng có 100 ngàn người mắc tiêu chảy, 40.000 - 50.000 người mắc lỵ trực khuẩn, thương hàn - những căn bệnh thuộc top 10 bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất - và hầu như đều do thói quen kém vệ sinh, trong đó có việc ít rửa tay gây ra.
Bắt đầu từ tháng 6-2008, một chiến dịch truyền thông sức khỏe đã được World Bank (Ngân hàng Thế giới) và Bộ Y tế khởi xướng nhằm tuyên truyền đến người dân Việt Nam một việc làm tưởng chừng như rất đơn giản: hãy rửa tay với xà phòng! Chương trình thí điểm quốc gia kéo dài hơn hai tháng đã và đang diễn ra tại hơn 50 xã của tám tỉnh gồm Sơn La, Phú Thọ, Hưng Yên, Nghệ An, Bình Định, Ninh Thuận, Đồng Tháp, Vĩnh Long, chủ yếu hướng đến phụ nữ có con dưới năm tuổi.
Sau đó, từ tháng 10-2008, chương trình sẽ được nhân rộng đến tận các trường học trên mọi vùng miễn với mục tiêu cốt lõi là tạo ra một thế hệ người Việt Nam có thói quen rửa tay đúng cách. Đây được xem là hoạt động cụ thể nhất của Cục Y tế dự phòng và Môi trường trước sự kiện Việt Nam tham gia vào nhóm 20 quốc gia đầu tiên trên thế giới hưởng ứng cho Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng sẽ diễn ra lần đầu tiên vào ngày 15-10-2008.
Ngoài việc tuyên truyền ý thức, chương trình còn hướng đến việc rửa tay đúng cách. Thông thường, mọi người thường chỉ xát một ít xà phòng vào lòng bàn tay rồi rửa qua loa, mà không chú ý đến việc rửa sạch mu bàn tay, các kẽ tay và kẽ móng tay, nơi tập trung chủ yếu của mầm bệnh và vi khuẩn gây hại. Theo khuyến cáo của các chuyên gia WHO và Bộ Y tế, thời gian cần cho mỗi lần rửa tay tối thiểu là một phút với sáu bước:
Làm ướt hai bàn tay bằng nước sạch. Thoa xà phòng vào lòng bàn tay và chà xát chúng với nhau.
Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia.
Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia.
Dùng đầu ngón tay của lòng bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
Chụm năm đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.
Rửa hết xà phòng bằng nước sạch và lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch.