Điều trị mắc tiền chẳng bằng phòng bệnh

Điều trị mắc tiền chẳng bằng phòng bệnh

Dù thuốc đặc trị tốt đến cỡ nào, cũng không thể sánh bằng dự phòng!

Tác dụng của việc giáo dục về giữ gìn sức khỏe là hướng dẫn mọi người dự phòng nhiều thứ bệnh bằng những biện pháp đơn giản. Nền khoa học kỹ thuật hiện nay ngày một phát triển, tuy giúp điều trị được nhiều thứ bệnh, song chi phí rất tốn kém, chỉ một số ít người giàu có và địa vị cao mới được hưởng thụ.

Thí dụ như trường hợp ghép tim, ca đầu tiên mà bệnh viện An Trinh Bắc Kinh phẫu thuật ghép tim là trường hợp cô bé 14 tuổi ở Đông Bắc, tốn hơn 20 vạn tệ, loại thuốc mà cô bé đó uống giá mỗi lọ 100ml là 5000 tệ, tiêm mỗi mũi thuốc tốn 1500 tệ, quá đắt!

Còn bệnh động mạch vành, tuy có thể điều trị bằng kỹ thuật đặt ống thông tim, ống này chỉ dài 3cm, rộng 3mm, cân nặng không đến 0,5g mà giá đến 25000 tệ. Nhưng kỹ thuật cao cũng không thể giúp bệnh nhân hồi phục như thời chưa bị bệnh, cho nên không bị mắc bệnh mới là điều tốt nhất.

Chúng ta muốn khống chế bệnh cao huyết áp, đơn giản chỉ cần uống thuốc hàng ngày là có thể giảm tối đa nguy cơ xuất huyết não. Một khi bị tai biến mạch máu não, bắt buộc phải phẫu thuật mở hộp sọ hút máu bầm, dù sống lại cũng tàn tật. Đừng phát bệnh vẫn hơn!

Có một ông mắc chứng bệnh cao huyết áp đã hơn 12 năm, có điều kỳ lạ là uống thuốc giảm áp thì thấy khó chịu, ngược lại không uống thuốc thì dù huyết áp lên cao đến tới 200mmHg cũng chẳng sao. 12 năm sau, ông mắc chứng bệnh xơ cứng động mạch, chứng uremia (Chứng tăng u-rê trong máu), thay máu hàng tuần 3 lần, một năm tốn 9 vạn tệ, suốt ngày ngồi lì trên ghế, bà vợ phải chăm sóc ông suốt 12 năm, cuối cùng ông cũng qua đời.

Thật ra nếu chịu khó uống thuốc hạ huyết áp, ngày tốn chưa đầy 4 hào. Chỉ vì không chịu chữa trị bệnh tật theo đúng phương pháp khoa học, vừa tốn tiền, phí sức, chịu khổ và không cứu được mạng sống, vì vậy kỹ thuật y khoa dù cao tới đâu cũng không thể sánh bằng phòng bệnh từ thuở ban đầu.

Kinh nghiệm từ nước Mỹ: Người khỏe càng cần sự quan tâm nhiều hơn của xã hội

Các công ty ở Mỹ rất biết quý trọng đội ngũ công nhân có sức khỏe tốt. Song nhìn lại nhiều nước trên thế giới, chưa hẳn đã tận tâm chăm sóc người khỏe mạnh. Xã hội thường chỉ chú tâm chăm lo cho những kẻ đau yếu, càng bệnh nặng, càng nhiều người thăm viếng hỏi han. Chúng ta gọi quan niệm này là trọng điều trị, khinh phòng bệnh.

Xin bàn kỹ về vấn đề quan niệm. Muốn đẩy mạnh công tác phòng bệnh ban đầu, trước hết cần phải thay đổi quan niệm cũ một cách triệt để, nếu không sẽ rất khó thành công. 

Thế nào gọi là thay đổi quan niệm?

Trước tiên, chúng ta phải nghiệm ra một điều rằng: Nhiều căn bệnh xã hội thời nay chủ yếu được bắt nguồn từ lối sống thiếu văn minh. Nói cách khác, chỉ cần chúng ta chịu khó duy trì lối sống văn minh, thì không lo thiếu sức khỏe.

Thế nào là lối sống văn minh? 

Gói gọn chỉ 16 chữ: Ăn uống hợp lý, thể dục đều đặn, cai thuốc bớt rượu, tâm trí ổn định.

Chỉ cần làm đúng theo 16 chữ trên, sẽ giúp giảm 55% bệnh cao huyết áp, giảm 75% khả năng tai biến mạch não, 50% bệnh tiểu đường và giảm 1/3 khả năng mắc bệnh ung thư... Kéo dài tuổi thọ hơn 10 năm. Đồng thời tiết kiệm rất nhiều chi phí thuốc men, tóm lại lối sống khỏe mạnh tuy đơn giản, song mang lại hiệu quả thật sự lớn lao.

Tại sao đòi hỏi thay đổi quan niệm? 

Muốn trình bày rõ về vấn đề này, xin kể lại sự việc từ đầu.

Nhớ khi tôi có mặt ở Mỹ vào năm 1981 làm công tác nghiên cứu về y tế dự phòng. Thầy giáo Steinmer là vị giáo sư nổi tiếng thế giới, ông dẫn tôi tới thăm một khu phố, tham dự buổi họp của một công ty. Tôi nghe ông chủ công ty đó tuyên bố phát giải cho các công nhân mà suốt một năm qua chưa hề nghỉ bệnh.

Mỗi người nhận một chiếc áo thun, một cây vợt chơi tennis, và một tờ chi phiếu tiền thưởng tượng trưng. Mọi người nhiệt liệt vỗ tay hoan nghênh.

Tôi chợt nghĩ, ông chủ này thật thông minh, vì công nhân viên của ông suốt một năm qua chưa nghỉ bệnh, giúp ông tiết kiệm biết bao nhiêu là chi phí thuốc men, nay chỉ thưởng cho họ một ít quà, nếu so với giá trị lao động của họ sáng tạo ra thì thật chẳng đáng là bao! Tuy nhiên, để động viên công nhân viên yêu thích thể thao, ông cũng bỏ ra khá nhiều kinh phí để xây hồ bơi, sân chơi tennis, phòng tập thể dục trong công ty.

Sau khi về Bắc Kinh, tôi thấy nhiều chủ tịch công đoàn, lãnh đạo đơn vị đều sắp xếp thời gian thăm những công nhân viên bị bệnh nặng, càng bệnh nặng, càng nhiều người tới hỏi thăm, chỉ có người khỏe chẳng ai màng tới. Nói như vậy, không có nghĩa là không nên hỏi han người bệnh, song người khỏe càng đáng được khích lệ động viên để mọi người đều cố gắng sống thật khỏe mạnh, vui tươi.

Qua đó cho thấy Trung Quốc xưa nay chỉ chú trọng việc điều trị bệnh, bệnh viện chúng tôi mỗi lần có cán bộ nằm viện tốn ít nhất cũng vài ngàn tệ, nghĩa là có khi nhà nước phải tốn hàng trăm vạn tệ cho công tác điều trị, nhưng lại không chịu tốn một xu cho công tác dự phòng.

Theo kết luận nghiên cứu của các chuyên gia: Chỉ cần tốn 1 đô la cho công tác dự phòng bệnh tim mạch, sẽ tiết kiệm được 8,59 đô la chi phí điều trị về sau. Đồng thời tiết kiệm khoảng 100 đô la chi phí cấp cứu.

Bản thân tôi cũng làm thống kê điều tra ở một vùng nông thôn, có một hộ nông dân thu nhập hàng năm khoảng 20 vạn tệ, khá giàu có, chỉ tiền lì xì cho con cháu nhân dịp xuân về cũng tốn hơn vài ngàn tệ, song khi tới điều tra về vệ sinh môi trường, mới tá hỏa ra cả nhà 7 người chỉ dùng chung một bàn chải đánh răng, vì họ cho rằng đánh răng là chuyện thừa, có cũng được, không cũng chẳng sao, cả nhà họ có tới 4 người mắc chứng bệnh cao huyết áp.

Thật ra, giữ vệ sinh răng miệng có khả năng giúp giảm bớt rất nhiều chứng bệnh, như xơ cứng động mạch, bệnh tim. Ở phương Tây, vấn đề vệ sinh răng miệng là việc quan trọng hàng đầu, Tổ chức Y tế thế giới cũng luôn nhấn mạnh tác dụng của việc vệ sinh răng miệng.

Tóm lại, việc thay đổi quan niệm là điều cấp bách, nhằm chuyển biến nhận thức từ trị bệnh sang phòng bệnh.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...