Để cải thiện sự lão hóa và tình trạng ốm yếu ở người cao tuổi
Những nghiên cứu về lão hóa tiếp tục cho thấy những dấu hiệu sinh học quan trọng của tuổi già đều có thể cải thiện được. Người ta ước tính có 1/3-1/2 các tình trạng lão hóa hoặc ốm yếu ở người cao tuổi là do những sai lệch trong thói quen, lối sống hàng ngày mà thường rất dễ bị bỏ qua. Đó là những nhân tố hoàn toàn có thể phòng tránh để làm chậm bớt sự lão hóa và tình trạng ốm yếu ở người cao tuổi.
Tình trạng ít vận động thể lực
Luyện tập thể dục có thể làm giảm nguy cơ bị ốm yếu ở người cao tuổi bình thường cũng như ở người cao tuổi có suy giảm chức năng hoặc mất chức năng nặng. Người cao tuổi thường xuyên luyện tập các bài thể dục nhịp điệu như đi bộ, đi bộ nhanh, bơi, chạy... Sẽ giảm tới 50% tỷ lệ tử vong và tỷ lệ giảm hoạt động chức năng so với những người không vận động.
Vận động thể lực thường xuyên, điều độ có thể trì hoãn được sự suy giảm nhiều chức năng, làm giảm khởi phát các bệnh mãn tính. Ví dụ: Hoạt động vừa phải có thể làm giảm 20-25% nguy cơ tử vong ở người bị bệnh tim. Lợi ích chính của vận động là làm tăng cơ lực, giảm nguy cơ bị loãng xương, sự linh động và các chức năng tim mạch. Do đó, cải thiện sức khỏe tinh thần, tăng cường các mối quan hệ xã hội, giúp người cao tuổi duy trì tính độc lập lâu dài và làm giảm nguy cơ bị té ngã.
Mặc dù có nhiều lợi ích như vậy, nhưng phần lớn người cao tuổi thường ít vận động. Lời khuyên dành cho người cao tuổi là: “Chuyển từ không làm gì sang làm cái gì đó” và việc tham gia chương trình phục hồi thể lực giúp người cao tuổi khắc phục những khó khăn trong vận động đều có hiệu quả và ít tốn kém.
Thừa hoặc thiếu dinh dưỡng
Do mức sống tăng lên, người cao tuổi ở các nước đang phát triển có xu hướng ăn nhiều chất đường, giàu chất béo, ăn ít rau quả, chất xơ và vitamin. Chế độ ăn này có liên quan nhiều đến bệnh ung thư vú, ruột, tiền liệt tuyến cũng như béo phì, bệnh tim mạch và đái tháo đường. Ăn quá nhiều muối làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp. Chế độ ăn không đủ lượng calcium và vitamin D có thể dẫn tới loãng xương, mất xương với các hậu quả gãy xương, đau đớn, tốn kém và tàn tật, nhất là ở nhóm phụ nữ.
Người cao tuổi nên tuân thủ chế độ ăn nhiều trái cây, rau xanh, các thực phẩm ít chất béo, giảm ăn loại mỡ bão hòa và mỡ toàn phần. Nên ăn ba bữa một ngày, trong đó, khoảng một nửa thực phẩm là chất bột, còn lại là rau xanh, trái cây.
Không dùng chất mỡ và chất ngọt để làm thức ăn. Luôn cố gắng ăn các thức ăn xơ hòa tan như đậu xanh, đậu hạt các loại, măng... Hàng ngày nên ăn khoảng 55-85g các chế phẩm pho-mát, sữa chua, sữa.
Không hút thuốc lá
Ước tính, trong một năm, thuốc lá là nguyên nhân của khoảng 4 triệu trường hợp tử vong trên toàn thế giới. Hút thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân của 45% các trường hợp tử vong do ung thư. Hút thuốc không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi mà còn góp phần gây bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, thúc đẩy tốc độ giảm mật độ xương, sức cơ và chức năng hô hấp. Hút thuốc cũng là nguyên nhân chính gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, làm các bệnh đường hô hấp nặng lên. Tác hại của hút thuốc là tích lũy và kéo dài, nguy cơ mắc tối thiểu một bệnh lý liên quan tới hút thuốc tăng tỷ lệ thuận với thời gian và mức độ hút thuốc.
Lợi ích của việc bỏ thuốc lá là rất nhiều. Đồng thời, đây cũng là một nguyên nhân có thể thay đổi và phòng tránh được. Không bao giờ là quá muộn để bỏ thuốc. Thông điệp gửi đến cho sức khỏe là: “Nếu bạn muốn trưởng thành thì đừng hút thuốc. Hơn nữa, nếu bạn muốn tiếp tục trưởng thành và tăng cơ hội có tuổi già khỏe mạnh thì lại càng không nên hút thuốc”.
Không lạm dụng rượu
Người cao tuổi có xu hướng dùng rượu ít hơn người trẻ tuổi. Nhưng những biến đổi chuyển hóa của tuổi già làm cho họ hay mắc các bệnh gan, dạ dày, tim, tụy, rối loạn hệ thần kinh trung ương và suy dinh dưỡng. Với rượu, người cao tuổi dễ bị ngã và chấn thương, dễ bị tổn hại bởi tương tác giữa rượu và thuốc chữa bệnh. Hậu quả chung của rượu là tỷ lệ tử vong cao, xấp xỉ 774.000 trường hợp tử vong/năm.
Tuy rằng ở độ tuổi 45 trở lên, sử dụng một lượng rượu nhỏ một lần/ngày, có thể tránh mắc các bệnh mạch vành và tai biến mạch máu não. Nhưng nhìn từ góc độ tử vong chung, lời khuyên cho sức khỏe là: “Uống rượu là lợi bất cập hại vì thường lượng rượu sử dụng là quá nhiều”.
Những phản ứng phụ của thuốc
Người cao tuổi thường có các bệnh mãn tính nên thường và thực tế là hay sử dụng thuốc chữa bệnh (thuốc đông y, thuốc tự mua hoặc thuốc theo đơn) hơn là người trẻ. Người cao tuổi không nên dùng quá nhiều thuốc vì hay bị các tác dụng phụ của thuốc, nhất là khi dùng thuốc ngủ, thuốc chống dị ứng.
Đối với người cao tuổi, dù có bệnh hay không, nên thường xuyên bổ sung các thuốc chống gốc tự do như vitamin E, vitamin C, tiền vitamin A (tức beta - carotene) và selenium. Đó là các thuốc chống lão hóa đã được công nhận.
Không để bị trầm cảm
Trầm cảm là vấn đề khá phổ biến ở người cao tuổi. Đó là những rối loạn về xúc cảm, tác động đến khí sắc và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống người cao tuổi, thường biểu hiện bằng khí sắc trầm, mất sự quan tâm và các niềm thích thú, làm cho người cao tuổi luôn mệt mỏi, giảm khả năng hoạt động.
Lối sống ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ lão hóa, tốc độ giảm khả năng thích nghi của cơ thể và khả năng mắc bệnh. Lối sống và tình trạng sức khỏe của người cao tuổi có mối liên hệ chặt chẽ. Cũng như sức khỏe, lối sống là một tiền để quan trọng cho sự trường thọ.
Có một lối sống lành mạnh và tích cực chăm sóc sức khỏe bản thân là điều cần thiết trong mọi giai đoạn của cuộc đời. Thật sai lầm khi cho rằng ở người cao tuổi, việc thực hiện các lối sống lành mạnh là quá muộn. Trái lại, việc tập luyện thích hợp, ăn uống điều độ, không hút thuốc, không uống rượu và sử dụng thuốc đúng cách, có thể giúp ngăn ngừa bệnh tật, kéo dài tuổi thọ và tăng chất lượng sống.