Các phương pháp điều trị ung thư tiền liệt tuyến
Việc chọn lựa điều trị ung thư tiền liệt tuyến như thế nào?
Quyết định điều trị đã khác trước đây rất nhiều, cần phải có đủ dữ kiện mới chọn phương pháp điều trị có hiệu quả, nên cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của các phương pháp điều trị mang lại.
Để quyết định điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ xếp loại ung thư tiền liệt tuyến như còn tại chỗ, u lớn nhưng chưa lan ra, hay di căn. Chọn lựa điều trị tuỳ theo mức độ lan của ung thư, nếu ung thư khu trú tại chỗ điều trị bao gồm; phẫu thuật, xạ trị, hormone liệu pháp, đông lạnh và các biện pháp này có thể kết hợp với nhau. Còn đối với các trường hợp ung thư tiền liệt tuyến đã di căn thường không điều trị được. Điều trị ung thư tiền liệt tuyến di căn bao gồm: hormone liệu pháp, hoá trị, tuy nhiên vẫn chỉ là tạm thời. Mục tiêu của điều trị tạm thời là cho khối u chậm phát triển, giảm triệu chứng cho người bệnh.
Các yếu tố khác được xem xét để chọn lựa phương pháp điều trị bao gồm tuổi tác, tổng trạng, thang điểm Gleason, và giai đoạn ung thư. Kết quả xét nghiệm PSA đôi khi cũng giúp quyết định chọn lựa phương pháp điều trị. Chẳng hạn, mức PSA tăng giới hạn (4-10 nanogram/ml), chứng tỏ có khả năng bị ung thư tiền liệt tuyến. Nếu các xét nghiệm khác cũng cho thấy có khả năng là bị ung thư thì phẫu thuật hoặc xạ trị cần được thực hiện. Ngược lại, lượng PSA tăng cao (chẳng hạn trên 30 - 40 nanogram/ ml) có khả năng là ung thư di căn. Nếu ung thư di căn, thì việc điều trị lúc này chỉ còn hạn chế trong biện pháp hormone hay hoá trị.
Xét nghiệm PSA cũng có thể được thực hiện theo từng giai đoạn sau khi điều trị giúp đánh giá kết quả điều trị. Chẳng hạn, khi lượng PSA tăng, có nhiều khả năng khối ung thư tiền liệt tuyến đang phát triển hoặc di căn mặc dù đang được điều trị. Ngược lại, lượng PSA giảm chứng tỏ bệnh có cải thiện. Khi lượng PSA về mức 0 cho thấy ung thư tiền liệt tuyến đã được kiểm soát hoàn toàn hoặc đã được chữa khỏi.
Điều trị phẫu thuật ung thư tiền liệt tuyến như thế nào?
Điều trị phẫu thuật ung thư tiền liệt tuyến thường là phẫu thuật cắt bỏ tận gốc, tức lấy đi toàn bộ tiền liệt tuyến. Phẫu thuật này được làm ở khoảng 36% bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến còn khu trú tại chỗ. Tai biến xãy ra khi mỗ ung thư là tai biến lúc gây mê, chảy máu chỗ mổ, liệt dương chiếm tỷ lệ 30%-70% , tiểu không tự chủ chiếm 3%-10% bệnh nhân.
Những tiến bộ gần đây giúp làm giảm biến chứng của phẫu thuật cắt bỏ tận gốc. Các tiến bộ của phẫu thuật xuất phát từ việc hiểu rõ hơn về chìa khoá giải phẫu, sinh lý năng lực tình dục và tiểu tiện.Đặc biệt, các kỹ thuật phẫu thuật cắt tiền liệt tuyến mới đây giúp làm giảm tỷ lệ liệt dương và tiểu không kiểm soát.
Nếu sau khi mỗ, mà bệnh nhân bị liệt dương thì có thể điều trị bằng sildenafil (Viagra) viên uống (hiện ở Việt Nam chưa có thuốc này), hoặc chích thuốc alprostadil (Caverject) vào dương vật, bằng phương pháp bơm hoặc dùng dụng cụ tác động lên dương vật (dương vật giả ). Tiểu không kiểm soát thường hồi phục theo thời gian, đặc biệt là tập luyện và dùng thuốc để kiểm soát són tiểu. Tuy nhiên, đôi lúc tiểu không kiểm soát đòi hỏi phải cấy ghép loại cơ vòng nhân tạo quanh niệu đạo. Cơ vòng này được tạo từ loại cơ trong cơ thể hoặc từ vật liệu khác dùng để kiểm soát dòng nước tiểu qua niệu đạo.
Hormon điều trị ung thư tiền liệt tuyến là gì?
Hormon nam còn gọi là testosterone, hormon này kích thích tế bào tiền liệt tuyến bị ung thư, làm u to ra thêm. Lý tưởng nhất trong tất cả các hormon điều trị là giảm được sự kích thích tế bào ung thư do testosterone. Bình thường, testosterone được tinh hoàn sản xuất trong đáp ứng với honnone khác là LH-RH. LH-RH là viết tắt cuả luteinizing hormone-releasing hormone và còn gọi là hormone hướng sinh dục. Hormon này được sản xuất trong não vào máu đến tinh hoàn và nó kích thích tinh hoàn sản xuất và phóng thích testosterone.
Điều trị bằng hormone cũng được kể đến như là biện pháp làm giảm lượng testosterone trong máu, cũng có thể bằng mỗ hoặc bằng thuốc. Điều trị phẫu thuật tinh hoàn (hay còn gọi là thiến) là phương pháp làm giảm hormon. Phẫu thuật này là cắt bỏ tận gốc nơi sản xuất ra testosterone của cơ thể. Điều trị bằng hormon bao gồm dùng một hoặc hai loại thuốc. Một loại thuốc được chọn lựa là thuốc kháng LHRH. Thuốc này có tác dụng cạnh tranh với LH-RH của cơ thể. Do đó thuốc này ức chế sự phóng thích LH-RH từ não. Một loại thuốc khác cũng được chọn lựa, là loại thuốc có tác dụng kháng androgenic, là thuốc kháng nội tiết tố nam.Thuốc này ức chế tác dụng của testosterone tại tiền liệt tuyến.
Ngày nay, đàn ông thường chọn lựa phương pháp điều trị bằng nội tiết tố hơn là phẫu thuật, có lẽ vì thấy rằng thiến tinh hoàn gây mất thẩm mỹ và làm người bệnh bất an hơn. Tuy nhiên, hiệu quả và tác dụng phụ của điều trị bằng hormon cũng ngang như thiến. Cả hai phương pháp điều trị bằng hormon này đều có tác dụng loại bỏ sự kích thích tế bào ung thư của testosterone. Tuy nhiên, một số u tiền liệt tuyến không đáp ứng với các hình thức điều trị này. Đó là những dạng ung thư tiền liệt tuyến không phụ thuộc với androgen (nội tiết tố nam). Tác dụng phụ chủ yếu của các phương pháp điều trị hormon (do mất đi nội tiết tố nam) này là làm vú người đàn ông to ra và bất lực (liệt dương).
Các thuốc kháng LH-RH bao gồm leuprolide (Lupron) hoặc goserelin (Zoladex), được chích mỗi tháng tại phòng mạch bác sĩ. Thuốc kháng androgen bao gồm: flutamide (Eulexin), bicalutamide (Casodex), là những viên thuốc uống thường được dùng phối hợp với thuốc kháng LH-RH. Thuốc kháng LH-RH thường có tác dụng một mình. Tuy nhiên, thuốc kháng androgen được chỉ định dùng phối hợp thêm nếu như ung thư vẫn còn tiến triển mặc dù đang trị bằng thuốc kháng LH-RH. Điều trị bằng hormon có thể có kết quả tốt nếu như phối hợp thêm xạ trị.
Hiện nay, các nghiên cứu đang được thực hiện nhằm xác định xem liệu pháp hormon có làm tăng thêm hiệu quả điều trị của xạ trị hay không.
Thường, phương pháp điều trị bằng hormon dành cho những bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến đã tiến triển xa hoặc ung thư đã di căn. Đôi khi, người bệnh chỉ bị ung thư tiền liệt tuyến còn khu trú nhưng vẫn điều trị bằng phương pháp hormon vì người bệnh có thêm những bệnh nặng khác phối hợp, hay đơn giản là người bệnh từ chối mỗ hay xạ trị. Điều trị bằng hormon thường áp dụng cho ít hơn 10% bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến còn khu trú. Nên nhớ rằng, điều trị bằng hormon chỉ là tạm thời. Mục đích là kiểm soát bệnh ung thư hơn là chữa bệnh ung thư vì bệnh ung thư không thể chữa được.