Bí mật nụ cười

Bí mật nụ cười

Người lạc quan nhìn nhận những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày không những chỉ vui vẻ hơn những người bi quan yếm thế, mà theo nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy, họ còn có khả năng xây dựng chiến lược tốt hơn để giải tỏa những khó khăn trong cuộc sống.

Kỹ thuật rèn luyện tính vui vẻ

Robert Thayer trong quyển sách mới xuất bản “The Origin of Everyday Moods” đã khẳng định: “Khi đã thấu hiểu rằng tính khí và những trạng thái tâm lý là một phong vũ biểu sống động của toàn thể tình trạng vật lý cũng như tâm lý bản thân, chúng ta có thể thay đổi chúng”.

Để có thể đưa não bộ vào một trạng thái tích cực hơn, nhà tâm lý học xứ California đã giới thiệu những chiến lược được ông lập ra sau 308 cuộc phỏng vấn đàn ông và phụ nữ, từ 16 đến 89 tuổi. Những yếu tố có hiệu ứng mạnh nhất là thể thao, âm nhạc, cười nói, tránh gặp những người có khuôn mặt ủ dột, phải thư giãn, làm công việc mình ưa thích, gọi điện thoại, gặp gỡ bạn bè.

Một chương trình thể dục thể hình, những bài tập thư giãn, một lần tắm thoải mái, một nhạc phẩm thú vị hoặc một bài tập cho những cơ cười đều là những yếu tố ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng, theo Thayer, chúng giúp con người vui vẻ hơn lên.

Còn đối với nhà nghiên cứu Joel Goodman, nụ cười lại là việc hoàn toàn nghiêm chỉnh và quan trọng. Là giám đốc của The HUMOR Project, ông chịu trách nhiệm cho nụ cười của giới thượng lưu. Trên 750.000 nhà quản trị và luật sư đã đến để học cách tiến thân trên đường đời và đường danh vọng với một tâm trạng vui vẻ.

Để giữ mình sung sức, bạn có thể đặt mua một chương trình rèn luyện tính vui vẻ gồm 8 bước của giáo sư tâm lý Paul McGhee. Chuyện buồn cười ư? Goodman khẳng định: “Thế giới cần nhiều hơn những người như tôi”.

Chẳng mấy chốc, “con virus” gây cười đã nhảy qua bờ đại dương, hạ cánh xuống châu  u, tại vùng Schwaben (Đức), những nhân vật có quyền lực có thể tham gia hội nghị chuyên đề “Gây ảnh hưởng bằng tính hài hước” với học phí 1.400 mark.

Các chính trị gia ở thành phố Bonn và những người dẫn chương trình của thành phố Munich thì tìm cách rèn luyện những cơ cười của mình dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên, những người kín đáo và ưa giấu kín tên tuổi.

Những sinh viên của Provence đã nghe ngóng và phân tích 1.200 nụ cười trên đường phố và tại các tiệm ăn và đi tới kết luận: Những câu chuyện tiếu lâm ngu ngốc lại gây ra những tràng cười to nhất.

Willibald Ruch đã tìm cách đi tới nguồn gốc vật lý học và tâm lý học của những yếu tố gây cười. Những ai đến thăm ông, thường được ông mời tham gia một thí nghiệm: Với 6 hộp các tông đựng cát đầy đến nửa, họ phải tìm cách phân biệt xem hộp nào nặng hơn và hộp nào nhẹ hơn.

Ở năm hộp đầu tiên, sự khác biệt chỉ khác nhau vài gam, các vị khách căng trán để suy nghĩ, tìm ra lời giải. Hộp thứ 6 gần như rỗng. Sau khi nhấc hãng nó lên, ai cũng bật cười to.

Yếu tố thành công

Những người lạc quan thường thành công hơn, nhà văn Daniel Goleman có sách bán chạy nhất khẳng định như vậy trong tác phẩm “Emotionale Intelligenz” (Trí thông minh cảm xúc).

Một con người thật sự có sự thông minh cảm xúc, biết chế ngự một cách điêu luyện những cảm xúc của mình và tác động khéo léo tới tình cảm những người xung quanh, sẽ không cho phép mình dễ sa vào trạng thái buồn chán hoặc chịu sức ép của stress.

Bằng cách đó, anh ta làm chủ được cuộc đời của mình một cách tốt hơn. Những nhân viên bảo hiểm có tính lạc quan sẽ thuyết phục được nhiều thân chủ bảo hiểm hơn là những người chăm chỉ gõ cửa nhưng dễ chán nản, đó là kết quả một cuộc nghiên cứu đã được tiến hành ở Mỹ.

Chỉ riêng một khóa huấn luyện về hài hước trong vòng một học kỳ đã nâng cao hơn hẳn tính sáng tạo cho sinh viên các trường đại học. Tính tình vui vẻ sẽ thúc đẩy quá trình hấp thụ kiến thức: Trong một không khí vui vẻ thoải mái, trẻ em sẽ dễ dàng học bài nhanh hơn, tốt hơn là dưới những điều kiện nghiêm ngặt.

Giống y như vậy, một vị sếp vui vẻ sẽ dễ dàng cuốn hút những nhân viên của anh ta hơn là một người đàn ông lầm lì, bởi vì sự vui vẻ là một yếu tố dễ lan truyền. Nụ cười có tác dụng tăng cường những mối quan hệ xã hội, nâng cao hiệu quả của công việc trong nhóm và làm cho chúng ta trở nên cởi mở hơn.

Yếu tố sức khỏe

Tính cách hài hước giúp con người có khả năng chịu đựng tốt hơn, bởi vì nụ cười giúp cơ thể chúng ta nghỉ ngơi rất nhiều. William Fry, một nhà thần kinh học danh tiếng của Mỹ đã nhắc người ta nhớ đến tác dụng của nụ cười vào vòng tuần hoàn máu, nhịp thở và quá trình trao đổi oxy. Ngoài ra, theo phỏng đoán của ông, nụ cười còn thúc đẩy quá trình tiết endorphin, một thứ thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể, đồng thời cũng tác động đến trạng thái tinh thần của chúng ta.

Nhà đề kháng học người Mỹ, Lee Berk, đã chứng minh rằng nụ cười làm giảm quá trình tiết những hormone gây stress như cortisol và làm giảm số lượng những phân tử “sát nhân” tự nhiên trong cơ thể, đồng thời làm tăng số lượng những phân tử phụ trợ dạng T.

Nhà tâm lý học và thần kinh học người New York, Arthur Stone, tìm thấy trong dung dịch ở mũi của những người đàn ông hay cười một số lượng chất giúp nâng cao sức để kháng globulin A nhiều hơn ở những người khác.

Tại sao có người luôn luôn vui vẻ trong khi những người khác thì không bao giờ? Các nhà nghiên cứu về tình cảm và thần kinh học đã phát hiện ra được những mưu mẹo của một bộ não lạc quan. Sự cộng tác của 100 tỉ neuron thần kinh trong những vùng não khác nhau chính là yếu tố chỉ huy trạng thái tinh thần và tình cảm của chúng ta.

Chất trung chuyển não bộ dopamine có tác dụng điều hòa những tình cảm như nỗi sợ hãi, cảm giác mừng vui và sự chán ngán, trầm cảm. Người càng vui vẻ thì mức dopamine của họ càng cao, đó là phỏng đoán được rút ra từ một nghiên cứu tại Đại học Cornell.

Chất trung chuyển noradrenalin trong phần gốc của não bộ làm chúng ta tỉnh táo hơn. Những hoạt động thể dục thể thao, cả cocaine và những loại thuốc chống buồn ngủ và mỏi mệt cũng làm tăng nồng độ noradrenalin.

Serotonin, một chất trung chuyển khác, đóng vai trò trung tâm trong việc điều khiển cảm xúc bằng con đường hóa học. Nó làm cho con người cảm thấy thanh thản, khỏe khoắn, tích cực, tự tin.

Yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến thái độ vui vẻ của chúng ta là hai thùy não trước, nằm trực tiếp dưới xương trán. Richard Davidson, nhà tâm lý học của trường Đại học Wisconsin, đã nhận ra rằng: Những người có các neuron thần kinh nằm ở phần não phía trái hoạt động tích cực hơn, là những người thường cảm thấy vui vẻ hơn trong cuộc sống hằng ngày.

Họ tự cho mình là những người tận tâm, nhiệt tình, đầy năng lượng và tỉnh táo. Ngược lại, những người mà não bộ bên phải hoạt động mạnh hơn, là những người dễ nổi nóng, mất bình tĩnh và bị ức chế nhiều hơn.

Gene hạnh phúc

Những trang bị cơ bản nhất về tình cảm chúng ta đã nhận được từ cha mẹ mình và định hình nó trong những năm đầu đời. Sự vui vẻ của con người như có gốc rễ sâu xa trong tính cách, nó đứng vững trước cả những điều kiện môi trường bất lợi.

Willibald Ruch, nhà tâm lý học tại trường Đại học Tổng hợp Dusseldorf (Đức), đã đưa người tham gia thử nghiệm vào trong những căn phòng được quét sơn màu đen rồi đặt thêm vào đó những cụm cây trồng vốn đã bị khô héo.

Những cá nhân có tính tình vui vẻ vẫn giữ lại khả năng dễ tươi cười của mình, không hề thay đổi. Chỉ duy nhất một trường hợp ngoại lệ là những thứ đồ uống chứa cồn: Các cuộc thử nghiệm đã cho thấy bia và rượu vang làm giảm tính cười của những con người vui vẻ.

Bằng chứng phân tử gene đầu tiên về tính sôi nổi và vui vẻ đã được các nhà nghiên cứu Israel tìm ra: Số lượng bẩm sinh những trạm tạo ra chất trung chuyển dopamine trong não sẽ quyết định mức độ sôi nổi, vui vẻ và tò mò của người đó.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...