Bệnh thiếu vitamin A

Bệnh thiếu vitamin A

1. Bệnh thiếu Vitamin A

Đó là một bệnh thường xảy ra ở trẻ em nhưng cũng có cả ở người lớn. Bệnh làm cho trẻ chậm lớn, và đặc biệt làm cho trẻ bị khô mắt, quáng gà, có thể dẫn tới mù hẳn. bệnh cũng làm giảm sức đề kháng của cơ thể, chống lại với các bệnh nhiễm trùng. Do đó, bệnh thiếu vitamin A được coi là một bệnh rất tai hại.

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 6-7 triệu trẻ em bị bệnh thiếu vitamin A, trong đó có khoảng 500.000 trẻ bị mù hắn. bệnh phát sinh do cơ thể thiếu chất vitamin A, do đó được gọi là bệnh thiếu vitamin A.

Thiếu vitamin A (kế cả thể tiền lâm sàng) cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, tử vong, và giảm tăng trưởng ở trẻ em. Biểu hiện thiếu vitamin A tiền lâm sàng Ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm tới 12,4%, trong đó tập trung nhiều nhất ở đối tượng trẻ dưới 1 tuổi. Theo số liệu thu được năm 2007 tại 40 xã ở 4 vùng sinh thái khác nhau của Việt Nam, thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 12% và thiếu máu là từ 28,4% đến 35,1%. Đặc biệt ở đối tượng trẻ dưới 6 tháng tuổi tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng rất cao chiếm tới 61,7%. Trong đó tỷ lệ thiếu vitamin A cao nhất ở Vùng miền núi phía Bắc và tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở vùng miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng. Nghiên cứu tại Bệnh viện Phụ sản trung ương năm 2008-2010 cũng cho tỷ lệ vitamin A huyết thanh thấp chiếm trên 60%.

2. Tác dụng của vitamin A

- Vitamin A là một chất bổ, có trong sữa, trứng, thịt, cá, gan, nhất là gan cá thu, mỡ...

- Vitamin A cũng có trong một số rau xanh, đậu, các loại quả và các củ có màu.

- Vitamin A có tác dụng tốt đối với cơ thể, nhất là cơ thể trẻ em.

* Tác dụng chủ yếu của Vitamin A:

+ Là làm cho trẻ phát triển nhanh, tăng cân, tăng chiều cao... Do đó khỏe lên nhanh nên còn gọi là “Vitamin tăng trưởng”.

+ Tăng sức đề kháng của cơ thể để chống lại bệnh tật, nhất là các bệnh nhiễm trùng.

+ Vitamin A rất cần cho mắt: làm cho mắt không bị khô, bị loét, làm cho mắt sáng Ta có thể nhìn rõ lúc ánh sáng bên ngoài giảm và phân biệt tốt các màu sắc.

3. Khi trẻ bị thiếu vitamin A 

- Trẻ chậm lớn, chậm phát triển về chiều cao và cân nặng.

- Trẻ dễ bị các bệnh nhiễm trùng: tiêu chảy, kiết lỵ, sưng phổi.

- Đặc biệt hơn cả là triệu chứng về mắt, mắt các trẻ bị thiếu vitamin A sẽ dần dần bị khô, bị đục nhìn không rõ, nhất là lúc sẩm chiều. Do đó đi lại hay bị té, bị vập vào đồ vật. Trường hợp nặng xuất hiện các đám mờ trắng. Nếu điều trị không kịp thời bệnh sẽ làm cho trẻ mù hẳn.

Ngoài ra, tình trạng thiếu vitamin A cũng làm cho da bị khô đi, dễ tróc vảy, bong vảy... từ đó rất dễ bị nhiễm trùng da, Do đó các trẻ thiếu vitamin A luôn luôn bị ghẻ lở, mụn nhọt ở đầu, ở thân thể.

4. Cách phòng tránh bệnh thiếu vitamin A

- Các bà mẹ cần cho trẻ ăn uống theo đúng phương pháp như đã nói trong phần “bệnh suy dinh dưỡng”. Chủ yếu là cho trẻ dùng sữa, cho trẻ ăn dặm sau 4 tháng tuổi, chú ý đến chất béo trong khẩu phần ăn của trẻ. Cũng cần bỏ tập quán tai hại là bắt trẻ kiêng cử một cách quá đáng khi bị bệnh.

- Cho trẻ uống vitamin A để đề phòng : trẻ dưới 1 tuổi uống 100.000 đơn vị; trẻ trên 1 tuổi uống 200.000 đơn vị. Cứ mỗi 6 tháng lại uống một liều như trên.

Việc uống vitamin A đề phòng bệnh rất cần thiết, nhất là các trẻ không có sữa mẹ, phải nuôi bằng sữa hộp đặc; trong các loại sữa này hầu như không có vitamin A.

5. Nếu phát hiện trẻ bị thiếu vitamin A nên xử lý

- Tốt nhất vẫn là cho trẻ đi khám bệnh, đánh giá mức độ bệnh và quyết định một phương pháp điều trị thích hợp.

- Đi với những trẻ ở vùng xa xôi chưa có điều kiện đi khám bệnh được thì có thể cho trẻ tạm thời dùng vitamin A như sau:

* Đối với trẻ dưới 1 tuổi: ngày đầu thì 100.000 đơn vị, ngày thứ hai 100.000 đơn vị, 10 ngày sau 100.000 đơn vị (tổng cộng là 300.000 đơn vị).

* Đối với trẻ trên 1 tuổi: ngày đầu 200.000 đơn vị, ngày thứ hai 200.000 đơn vị, 10 ngày sau 200.000 đơn vị (tổng cộng là 600.000 đơn vị).

Liều thuốc trên có tác dụng kéo dài trong 6 tháng. Song song với việc dùng vitamin A cần cho trẻ ăn uống thật đúng phương pháp. Nếu thấy trẻ bị tổn thương ở mắt như có một hoặc một số đám mờ bạc ở mắt thì nhất thiết phải đưa trẻ đi khám bệnh ngay không chậm trễ.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...