Bệnh Rối Loạn Giấc Ngủ
Bệnh Rối loạn giấc ngủ là gì?
- Rối loạn giấc ngủ là tình trạng cơ thể thường xuyên bị thiếu ngủ về thời gian lẫn suy giảm chất lượng giấc ngủ. Đó là khi cơ thể bạn gặp khó khăn để ngủ vào ban đêm, khi thức dậy cảm thấy mệt mỏi và thường có cảm giác buồn ngủ vào ban ngày.
- Thường xuyên gặp tình trạng khó ngủ khiến cơ thể cảm thấy bực bội và tinh thần suy nhược. Tình trạng mệt mỏi này nếu kéo dài sẽ trở nên trầm trọng khiến cơ thể bị suy yếu, ảnh hưởng đến tâm trạng, trí nhớ, học tập, công việc và hệ miễn dịch của cơ thể.
Tình trạng cơ thể thường xuyên bị thiếu ngủ về thời gian lẫn suy giảm chất lượng giấc ngủ
Nguyên nhân gây ra bệnh Rối loạn giấc ngủ là gì?
Rối loạn giấc ngủ do nhiều nguyên nhân gây ra:
- Yếu tố bên ngoài:
Căng thẳng trong công việc hoặc tài chính, xung đột với người xung quanh, gặp sự cố lớn trong cuộc sống, mệt mỏi do công việc hoặc làm việc quá nhiều.
- Mắc những bệnh lý nội khoa:
Như bệnh tim mạch (mạch vành, loạn nhịp tim, suy tim), hô hấp (hen phế quản, ngưng thở khi ngủ), đau mạn tính, bệnh nội tiết (đái tháo đường, cường giáp), tiêu hóa (viêm - loét dạ dày, viêm dạ dày - thực quản trào ngược), thần kinh (Parkinson, động kinh) và phụ nữ đang mang thai.
- Tâm thần kinh:
Rối loạn tính cách (như trầm cảm, loạn thần), rối loạn lo âu, hội chứng cai thuốc, rượu.
- Mất ngủ:
Do sử dụng một số thuốc như thuốc chống động kinh, hạ huyết áp nhóm ức chế giao cảm, lợi tiểu hoặc nhóm steroid, thuốc hưng phấn thần kinh.
- Một số rối loạn khác:
Một số tình trạng sức khỏe, rối loạn sức khỏe tâm lý cũng như các rối loạn giấc ngủ khác có thể kéo theo ác mộng.
Căng thẳng trong công việc hoặc tài chính, xung đột với người xung quanh có thể là nguyên nhân khiến bạn suy nghĩ nhiều.
Ngoài ra còn có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn giấc ngủ, bao gồm:
- Các dạng rối loạn giấc ngủ khác.
- Một số tình trạng sức khỏe.
- Sử dụng thuốc.
- Rối loạn sức khỏe tâm lý như trầm cảm, lo âu hay rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
- Lạm dụng chất gây nghiện.
Triệu chứng dễ nhận thấy bệnh Rối loạn giấc ngủ là gì?
- Mất ngủ:
Là tình trạng gặp vấn đề với số lượng hoặc chất lượng của giấc ngủ. Nguyên nhân có thể do bạn bị stress, sức khoẻ kém, tác dụng phụ của thuốc, uống cà phê hay uống đồ uống có gas trước khi ngủ. Mất ngủ có thể do các kiểu rối loạn giấc ngủ khác gây nên, do lo lắng và phiền muộn. Người bệnh khó đi vào giấc ngủ dẫn đến tình trạng thiếu ngủ khiến cho cơ thể mệt mỏi.
- Ngủ nhiều:
Trái ngược với biểu hiện mất ngủ, người bệnh thường xuyên có cảm giác buồn ngủ và ngủ nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên người bệnh vẫn cảm thấy mệt mỏi sau khi ngủ dậy.
- Cận giấc ngủ:
Triệu chứng này ít gặp hơn các triệu chứng khác. Thường xuất hiện đột ngột trong khi ngủ hoặc cận thời điểm giữa thức và ngủ. Biểu hiện của cận giấc ngủ như gặp ác mộng, miên hành, rối loạn hoảng sợ và một số rối loạn cận giấc ngủ không biệt định khác.
- Rối loạn thời gian giấc ngủ:
Người bệnh không thể ngủ vào lúc họ muốn, trong khi vẫn có thể ngủ ở thời điểm khác. Mặt khác, họ lại cảm thấy buồn ngủ vào những lúc cần tỉnh táo.
Quá trình dẫn đến rối loạn giấc ngủ.
Ngoài ra còn 1 số triệu chứng gây nên bệnh Rối loạn giấc ngủ khác như sau:
- Cảm thấy giấc mơ rất thật và đáng sợ.
- Thường xuyên mơ thấy những mối nguy hiểm khiến bạn bị đe dọa.
- Giấc mơ khiến bạn tỉnh giấc và ngăn không cho bạn ngủ tiếp.
- Khi thức giấc bạn cảm thấy lo âu, sợ hãi, cảm thấy bị khủng bố, giận dữ, xấu hổ hoặc căm thù.
- Cơ thể vã mồ hôi hoặc tim đập nhanh, nhưng không thể ra khỏi giường.
- Rối loạn giấc ngủ có thể dẫn tới những khó khăn trong học tập, công việc hoặc những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày như lái xe và khả năng tập trung.
Điều trị bệnh Rối loạn giấc ngủ
1. Thư giãn tâm lý:
Dùng các biện pháp tâm lý để điều trị.
Dành thời gian chăm sóc bản thân luôn là điều tốt nhất.
2. Cải thiện giấc ngủ:
- Thức dậy đúng giờ mỗi ngày.
- Không sử dụng các chất kích thích (cà phê, trà, thuốc lá, rượu...).
- Tránh ngủ nhiều ban ngày.
- Tập thể dục buổi sáng đều đặn (có thể tập những bài nặng).
- Tránh những việc làm khó ngủ như nghe radio quá to, đọc sách quá hay, xem những phim đòi hỏi phải chú ý theo dõi sát sao...
- Nên tắm nước ấm trước khi đi ngủ khoảng 20 phút.
- Tránh ăn quá nhiều hay ăn những đồ có nhiều dầu mỡ gây khó tiêu gần giờ đi ngủ.
- Tập những bài thể dục nhẹ có tính chất thư giãn trước khi ngủ.
- Phòng ngủ thoáng khí, ít ánh sáng, không quá nóng hay quá lạnh.
3. Dùng thuốc
- Có thể sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu có hội chứng lo âu hay trầm cảm đi kèm, nên phối hợp các loại thuốc chống trầm cảm, lo âu.
Dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Phòng chống bệnh Rối loạn giấc ngủ
Thay đổi một số thói quen hàng ngày, tạo thói quen tốt cho giấc ngủ.
- Chủ động điều chỉnh kế hoạch hàng ngày cho phù hợp với nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục là hoạt động rất cần thiết không những giúp bạn ngủ ngon hơn mà còn tốt cho sức khoẻ và hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể bạn. Nên tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày nhưng không nên tập ngay trước khi ngủ.
- Không ngủ trưa quá lâu: Việc ngủ trưa nhiều hơn 30 phút mỗi ngày có thể khiến bạn tỉnh táo vào ban đêm, dẫn đến rối loạn giấc ngủ về đêm.
- Không uống rượu, bia, hút thuốc đặc biệt trước khi ngủ. Các chất kích thích luôn có ảnh hưởng không tốt đến giấc ngủ không những thế, lạm dụng bia rượu và thuốc lá còn gây ra nhiều vấn đề tai hại khác cho sức khoẻ như bệnh về gan, phổi và dạ dày.
- Không ăn nhiều thịt đặc biệt vào bữa tối. Trong thịt chứa một lượng lớn chất béo, nhiều chất béo dẫn đến béo phì, là một trong các nguyên nhân dẫn đến hội chứng ngưng thở khi ngủ.
- Tránh các hoạt động gây cảm giác vui thái quá hoặc stress trước khi ngủ.
- Không nhìn vào màn hình điện tử 1 đến 2 giờ trước khi ngủ.