Bệnh Nghiện Ăn
Nghiện ăn là bệnh gì?
Hiện nay thống kê cho thấy số trường hợp mắc phải bệnh nghiện ăn đang ngày càng gia tăng. Các thống kê này xuất phát từ hình ảnh của bộ não và các nghiên cứu khác về tác động của việc ăn quá nhiều đến các trung tâm khoái cảm ở trong não. Trong một số xét nghiệm ở động vật và con người cho thấy, các trung tâm khoái cảm ở trong não được kích hoạt bởi các loại thuốc gây nghiện như cocaine, heroin và thức ăn, đặc biệt là đồ ăn ngon (loại thực phẩm nhiều đường, chất béo, muối).
Cũng như các loại thuốc gây nghiện, đồ ăn ngon làm kích hoạt các hóa chất trong não gọi là dopamine. Một khi con người cảm thấy thỏa mãn thì dopamine trong não sẽ tăng lên làm cho họ muốn ăn nữa.
Nguyên nhân gây bệnh nghiện ăn là gì?
Hiện tại, đây là một căn bệnh khá phức tạp. Bởi vì thức ăn, cũng giống như các loại thuốc gây nghiện khác, có thể sản xuất ra dopamine trong não, hóa chất này liên quan đến cảm giác khoái cảm và có thể kết nối thức ăn mang lại cảm giác hạnh phúc. Khi não bị nghiện sẽ xem thức ăn như một loại thuốc. Ở một người nghiện ăn, thức ăn tạo ra cảm giác vui vẻ, thỏa mãn, ngay cả khi cơ thể không cần nhiều calo. Một nghiên cứu được công bố trong năm 2010 cho thấy, khi con chuột (thí nghiệm) được ăn không giới hạn các loại thức ăn chứa chất béo, các loại thực phẩm có lượng đường cao, bộ não của chúng đã thay đổi. Những thay đổi trong hành vi và sinh lý của chúng khá giống với những thay đổi gây ra do lạm dụng ma túy. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy việc ăn nhiều loại thực phẩm không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ bị nghiện ăn.
Sau đây là một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng này bao gồm:
- Bệnh trầm cảm và căng thẳng.
- Nghiện rượu.
- Thiếu các hoạt động thể chất.
Những triệu chứng phổ biến của bệnh nghiện ăn là gì?
Cho đến nay, căn bệnh này khó bị phát hiện ra (vì tất cả mọi người đều phải ăn). Thông thường người nghiện ăn có một số triệu chứng tương tự như các bệnh khác, bao gồm trầm cảm, ăn uống say sưa hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Vì thế họ sẽ giấu tình trạng này bằng cách ăn một mình hoặc ăn lén lút. Một số triệu chứng thường thấy của nghiện ăn có thể bao gồm:
- Nỗi ám ảnh liên tục về việc ăn cái gì, khi nào ăn, ăn bao nhiêu và làm thế nào để được ăn nhiều hơn.
- Ăn quá nhiều trong bữa ăn.
- Ăn vặt liên tục.
- Ăn vào những thời điểm kỳ lạ như giữa đêm.
- Che giấu thói quen ăn uống đối với bạn bè và gia đình hoặc ăn bí mật.
- Ăn quá nhiều và sau đó tẩy ruột, tập thể dục hoặc uống thuốc nhuận tràng để “ăn” trở lại.
- Ăn ngay cả khi đã no.
- Ăn trong lúc xem tivi hay nói chuyện trên điện thoại.
- Gắn thực phẩm với những hình phạt hoặc phần thưởng.
- Cảm giác xấu hổ và tội lỗi sau khi ăn quá nhiều hoặc sau khi tiêu thụ các loại thực phẩm đặc biệt.
- Không kiểm soát được việc ăn uống.
Những phương pháp điều trị bệnh nghiện ăn?
Hiện tại, các nhà khoa học cho rằng cơ hội điều trị bệnh nghiện ăn có thể phức tạp hơn các loại bệnh khác. Bởi vì đối với những người nghiện rượu, họ có thể hạn chế uống rượu nhưng với người nghiện ăn thì không thể. Vì thế người bệnh nên tham khảo các phương án điều trị từ các chuyên gia dinh dưỡng, tâm lý học hoặc bác sĩ có thể giúp họ cải thiện tình trạng này.