10 Bí quyết chăm sóc sức khỏe tinh thần
Chăm sóc sức khỏe tinh thần là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại nhưng không phải ai cũng biết cách. Nhân ngày Sức khỏe tinh thần thế giới (10/10), chúng tôi gửi tới bạn 10 nguyên tắc để luôn suy nghĩ tích cực.
1. Học tự đánh giá bản thân lành mạnh
Tự đánh giá bản thân không dừng lại ở việc chỉ thấy những điểm tốt hay xấu mà còn là chấp nhận chúng và cố gắng làm tốt nhất với những gì bạn có.
Xây dựng sự tự tin: Bạn hãy liệt kê các điểm tốt của mình. Bạn làm cái gì tốt nhất? Các kỹ năng và lĩnh vực yêu thích của bạn là gì? Bạn bè nói như thế nào về bạn? Tiếp theo, hãy tìm hiểu các điểm yếu của bạn. Bạn gặp khó khăn khi làm việc gì? Điều gì khiến bạn thất bại và yếu kém?
2. Cho và nhận
Chúng ta thường nhún vai từ chối một lời khen bằng câu: “Ừ, nhưng mà...”
Chấp nhận lời khen: Lần tới khi ai đó khen bạn, hãy nói: “Cảm ơn! Tôi vui là bạn nghĩ thế.” Và hãy nghĩ về những lời khen khác mà bạn có và xem liệu điều đó khiến bạn cảm thấy tốt như thế nào.
3. Tạo dựng mối quan hệ gia đình tích cực
Hãy nghiêm túc xây dựng các mối quan hệ gia đình tốt. Học cách đánh giá các kỹ năng và khả năng của mỗi thành viên. Học cách đưa ra và nhận các hỗ trợ.
Dành thời gian: Dành thời gian để ở bên gia đình. Lên kế hoạch cho cả các hoạt động nghiêm túc và thư giãn vui vẻ. Hãy lắng nghe một cách tôn trọng mà không ngắt lời khi người khác nói. Và cần thực hành thường xuyên những điều này.
4. Hãy kết bạn với những người có ý nghĩa
Bạn bè giúp bạn hiểu rằng bạn không cô đơn. Họ giúp bạn chia sẻ lúc vui, lúc buồn, và đến lượt bạn lại sẽ giúp họ. Xây dựng mối quan hệ: Giữ liên lạc hoặc thỉnh thoảng mời bạn bè đi ăn. Bạn nên có những người bạn mới - để nghị bạn bè giới thiệu bạn mới cũng là một cách.
5. Chỉ ra các ưu tiên của bạn
Thách thức của chúng ta là để biết giữa điều chúng ta thực sự “cần” và những điều chúng ta “muốn”. Bạn hay gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự cân bằng hợp lý giữa việc dành thời gian và nguồn lực cho cái mình muốn và cái mình cần.
Tạo lập một ngân sách có ý nghĩa: Hãy viết một kế hoạch chỉ tiêu cho chính mình. Mong muốn của bạn có thực tế không? Bạn có kế hoạch làm gì để có tiền mua được cái mình muốn?
6. Tham gia hoạt động xã hội
Tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa sẽ mang đến cảm giác sống có mục đích.
Tình nguyện: Hãy tham gia tình nguyện. Đọc truyện cho trẻ em ở các trung tâm; thăm người già ở các viện dưỡng lão; tham gia các nhóm cộng đồng hoặc các hoạt động từ thiện mà bạn yêu thích; tham gia vệ sinh đường phố, công viên hoặc bãi biển; giúp một người hàng xóm dọn dẹp nhà cửa.
7. Học quản lý stress hiệu quả
Stress là một phần của cuộc sống. Cách bạn ứng phó với stress phụ thuộc vào quan niệm sống của bạn.
Hãy tĩnh lặng 5 phút: Mỗi ngày, dành riêng 5 phút nghỉ ngơi cho sức khỏe tinh thần. Đóng cửa văn phòng của bạn hoặc vào một phòng khác và mơ ước về một nơi, một người hay một ý tưởng nào đó, hoặc không nghĩ gì cả! Bạn sẽ cảm thấy như mình vừa có một kỳ nghỉ ngắn vậy.
8. Ứng phó với những thay đổi có thể ảnh hưởng tới bạn
Thật là tuyệt nếu “hạnh phúc mãi mãi” nhưng cuộc sống không ngừng “ném những khó khăn” vào chúng ta.
Tìm sức mạnh từ đám đông: Tìm kiếm một nhóm hỗ trợ có vấn đề tương tự mà bạn đang gặp phải. Bằng việc lập thành nhóm với những người có thể chia sẻ vấn đề của bạn, bạn sẽ tìm ra được những phương án thú vị.
9. Ứng phó với cảm xúc của bạn
Làm thế nào để có một cách thức an toàn và mang tính xây dựng để diễn đạt và chia sẻ cảm xúc giận dữ, đau buồn, vui vẻ và sợ hãi?
Hoạt động nhận dạng và ứng phó với tâm trạng của bạn: Tìm ra cái gì làm cho bạn hạnh phúc, buồn khổ, vui về hoặc giận dữ. Điều gì giúp bạn bình tĩnh lại? Học cách ứng phó với tâm trạng của bạn. Chia sẻ tin vui với bạn bè và “khóc trên một bờ vai” khi bạn thấy buồn.
Tập thể dục có thể giúp bạn ứng phó với giận dữ. Hãy sưu tầm truyện cười, hoạt họa vui hoặc băng đĩa mà bạn yêu thích cho những lần bạn cảm thấy cần được cười.
10. Hướng vào bản thân
Học cách sống bình an với chính mình. Hãy học cách biết bạn là ai? Điều gì khiến bạn thực sự hạnh phúc? Điều gì bạn thực sự đam mê?... Học cách cân bằng với những gì bạn có thể thay đổi nơi chính bạn với những gì bạn không thể thay đổi.
Xây dựng cái “Tôi” của chính bạn: Hãy dành cho mình thời gian yên tĩnh mà bạn có thể hoàn toàn ở riêng một mình.
Tập thở - cố gắng đếm các nhịp thở của bạn từ 1 đến 4, và bắt đầu trở lại. Hoặc làm điều gì đó mà bạn yêu thích.