Yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp
Huyết áp tức áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch (được gọi là huyết áp động mạch). Khi tim co bóp, máu sẽ được đẩy đi và ép vào thành của động mạch làm cho thành động mạch căng ra.
Số đo của sức căng thành động mạch khi máu được đẩy vào là huyết áp tâm thu hay huyết áp cao nhất. Sau khi co bóp, tim sẽ giãn ra và lúc đó thành động mạch sẽ co lại về trạng thái ban đầu, số đo ở thời điểm này là huyết áp tâm trương hay (huyết áp thấp nhất).
Khi trị số huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg được xem là tăng huyết áp. Huyết áp ở một người bình thường là một trị số không phải lúc nào cũng hằng định mà có sự thay đổi một cách nhất định theo nhịp sinh học của con người.
Về nguyên nhân làm tăng huyết áp, có khoảng từ 93 - 95% số người tăng huyết áp không rõ nguyên nhân (được gọi là THA nguyên phát) và số người tăng huyết áp biết được nguyên nhân chỉ chiếm khoảng từ 5 - 7% (THA thứ phát).
Các yếu tố liên quan đến tăng huyết áp thường gặp ở những bệnh nhân có bệnh về thận (suy thận, viêm thận mãn…), hoặc ở người bị hẹp eo động mạch chủ, bệnh cường giáp trạng, hoặc mắc bệnh đái tháo đường.
Ngoài các nguyên nhân nêu trên, còn có nhiều yếu tố nguy cơ cao có thể dẫn đến tăng huyết áp như do dùng một số thuốc có tác dụng phụ làm tăng huyết áp, bị bệnh đái tháo đường, béo phì, ít vận động hoặc người có tăng mỡ máu (Cholesterol, Triglyceride), hoặc do xơ vữa động mạch. Mỡ máu tăng cao, kéo dài rất dễ dẫn đến làm xơ vữa thành động mạch, đặc biệt là loại cholesterol xấu.
Xơ vữa động mạch càng nhiều vị trí và càng nặng thì huyết áp càng bị tăng cao. Bên cạnh đó, người nghiện thuốc lá, nghiện rượu, thói quen ăn mặn, có nhiều tác động xấu về tâm lý kéo dài (stress) cũng có nguy cơ cao bị tăng huyết áp. Ngoài các yếu tố có nguy cơ cao làm tăng huyết áp, các thống kê cũng đã đề cập đến tăng huyết áp cũng có một tỷ lệ nhất định do di truyền.