Y tế miền Trung tích cực cùng dân chống lũ
Mưa lũ cũng đã khiến nhiều tỉnh miền Trung gặp thiệt hại về tài sản, nhiều nhà dân và hoa màu bị ngập sâu trong nước, giao thông nhiều địa phương ở các tỉnh miền Trung đã bị gián đoạn. Trong khi theo cảnh báo trong những ngày tới, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên có khả năng lên lại. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp và đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên… Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Bộ Y tế đã có công điện gửi Sở Y tế các địa phương triển khai công tác ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ.
Bệnh nhân điều trị tại BVĐK Quảng Nam được hỗ trợ mỳ tôm.
9 người tử vong và mất tích do mưa lũ
Trong số 9 người tử vong và mất tích, có 5 người tử vong do bị lũ cuốn (Quảng Trị có 2 người, Thừa Thiên Huế là 1 người, Quảng Nam và Bình Định mỗi địa phương là 1 người). Hiện còn 4 người đang mất tích do bị lũ cuốn (Quảng Nam và Quảng Ngãi mỗi tỉnh 1 người, Bình Định là 2 người). Đến hết ngày 10/12, mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ cũng làm 23.126 nhà bị ngập nước (Đà Nẵng 2.551 nhà; Quảng Nam 17.320 nhà; Quảng Ngãi 1.061 nhà; Bình Định 2.194 nhà); 1.830 hộ ở Quảng Nam phải di dời khẩn cấp; 9 điểm trường ở Quảng Ngãi và Quảng Trị bị ảnh hưởng.
Về nông nghiệp, đã có hơn 7.800ha lúa, rau màu bị hư hại, ngập (riêng tại Bình Định khoảng 6.900ha); 61.777 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi (Quảng Trị: 7.047 con; Quảng Nam: 8.600 con; Bình Định: 46.130); 14 đập thủy lợi bị ảnh hưởng; hơn 10.000m bờ biển, bờ sông bị sạt lở.
Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ này, trong chiều 10/12, ông Lê Minh Trung - Phó Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng đã thông báo quyết định hoãn Kỳ họp thứ 9 HĐND TP. Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016-2021 để các cơ quan chức năng tập trung cho công tác phòng chống ngập úng, giải quyết hậu quả mưa lũ trên địa bàn.
Tỉnh Bình Định đã phải sơ tán khẩn nhiều hộ dân ở vùng trũng thấp do lo vỡ đê vì ảnh hưởng của mưa lũ.
Mưa lũ nhưng hoạt động chuyên môn của BVĐK Quảng Nam vẫn diễn ra bình thường.
Miền Trung tiếp tục có mưa rất to, cảnh báo lũ các sông có thể lên
Mặc dù các tỉnh miền Trung đang bị ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ và đang từng bước khắc phục nhưng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều và đêm 11/12, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-70mm, riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi phổ biến 70-120mm, có nơi trên 150mm.
Từ ngày 12/12, không khí lạnh lại tràn xuống ảnh hưởng tới khu vực ven biển Trung và Nam Trung Bộ và nhiều khả năng mưa to đến rất to trên diện rộng lại lặp lại trong các ngày giữa tháng 12/2018.
Do đó, các địa phương này cần đề phòng trong những ngày tới, trên các sông thuộc các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-6m, hạ lưu từ 1-3m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi và ngập úng cục bộ vùng trũng thấp tại các tỉnh trên.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục được tăng cường mạnh, từ ngày 14/12, kết hợp với nhiều động của đới gió Đông trên cao nên mưa lớn diện rộng ở các tỉnh Trung Trung Bộ còn có khả năng kéo dài và mở rộng đến tỉnh Khánh Hòa.
Ngập lụt khắp nơi khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng.
Đảm bảo mọi điều kiện cấp cứu, điều trị cho người dân trong mưa lũ
Về phía Bộ Y tế, để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra, Bộ Y tế đã có Công điện số 1364 /CĐ-BYT đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố: Từ Quảng Bình đến Phú Yên, các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực miền Trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, phát huy phương châm 4 tại chỗ, đối phó kịp thời những diễn biến bất thường của mưa lũ. Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền phối hợp với các cơ quan, ban ngành địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án khắc phục hậu quả mưa, lũ.
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung cấp cứu, điều trị cho nạn nhân ảnh hưởng của mưa, lũ gây ra. Sẵn sàng triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời các cơ sở y tế; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ, khẩn trương phục hồi các cơ sở y tế bị ảnh hưởng để sớm đưa vào hoạt động.
Công điện của Bộ Y tế cũng yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế theo chức năng nhiệm vụ, chỉ đạo các đơn vị. Các bệnh viện: BVĐK Đồng Hới - Quảng Bình, BVĐK Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, BVĐK Trung ương Quảng Nam chủ động công tác khám chữa bệnh cho nhân dân khu vực bị ảnh hưởng của mưa lũ, sẵn sàng cử tổ cấp cứu cơ động hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu; Viện Pasteur Nha Trang chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, hóa chất phòng chống dịch, thiết bị phương tiện và phân công các tổ vệ sinh phòng dịch cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, cùng với nhiều nơi trên địa bàn tỉnh bị ngập lụt, một số khoa phòng của BVĐK tỉnh Quảng Nam cũng bị ngập trong mưa lũ. Ghi nhận tại BVĐK Quảng Nam vào lúc 8 giờ 30 tối ngày 10/12, hành lang nội bộ trong bệnh viện đều bị nước tràn qua. Riêng Khoa Ngoại tiết niệu - lồng ngực, nước ngập hơn 20cm. 15 bệnh nhân sau phẫu thuật của khoa này được chuyển lên Khoa Ngoại tiêu hóa ở tầng trên đề phòng nhiễm khuẩn; các bệnh nhân còn lại vẫn nằm tại khoa. BSCKII Trần Lâm - Trưởng khoa Nội tim mạch BVĐK Quảng Nam trực lãnh đạo BV tối 10/12 cho biết, vấn đề lo ngại nhất hiện nay của bệnh viện là môi trường bị ô nhiễm và đơn vị đã dốc toàn lực để dọn dẹp nhằm đảm bảo vệ sinh cho bệnh nhân. Khoa Cấp cứu vẫn duy trì lưu lượng bệnh nhân ở mức cao, đặc biệt số lượng bệnh nhân bị tim mạch, đột quỵ gia tăng. Lượng bệnh nhân ở Khoa Nội tim mạch tăng gấp đôi ngày thường. Do quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm hành lang. Một số bệnh nhân đến kỳ ra viện cũng không có đường về nên tiếp tục ở lại. Nếu tình trạng ngập lụt kéo dài, BVĐK Quảng Nam sẽ rơi vào tình trạng quá tải.
BS. Trần Lâm cho biết, về cơ bản, hoạt động chuyên môn của bệnh viện trong những ngày ngập lụt diễn ra bình thường; các trang thiết bị, máy móc hoạt động ổn định và điện, nước được cung cấp đầy đủ. Mặc dù bệnh viện gần như bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, tuy nhiên, đã có những tấm lòng hảo tâm kịp thời giúp đỡ bệnh nhân.