"Xoắn tinh hoàn" sau 24 giờ sẽ không cứu được tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn là bệnh lý do tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn, gây đau và sưng. Nếu cứ bị xoắn chặt, tinh hoàn sẽ bị tổn thương và có thể hoại tử tinh hoàn và các mô xung quanh. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra đột ngột không có lý do hoặc do chấn thương.
Tinh hoàn là bộ phận của tuyến sinh dục nam nằm ở bìu dái. Nó có vai trò sản xuất và dự trữ tinh trùng, đồng thời cũng tham gia vào hệ nội tiết với vai trò sản xuất ra hormone testosterone.
Tinh hoàn được giữ cố định bằng các dây thừng tinh. Ngoài chức năng này, dây thừng tinh còn bao gồm các mạch máu, dây thần kinh đến tinh hoàn cũng như các ống dẫn nội tiết khác như ống dẫn tinh dịch.
Biểu hiện của bệnh xoắn tinh hoàn
- Đau đột ngột dữ dội vùng bẹn, bìu. Đau khu trú hay lan dọc theo ống bẹn lên hố chậu cùng bên. Đau làm trẻ có xu hướng gấp đùi lại và ít cử động. Trẻ lớn thường tự xác định được vị trí đau. Với trẻ sơ sinh và bú mẹ thì có biểu hiện quấy khóc nhiều.
- Bìu và ống bẹn sưng to, nề, đau. Nếu thời gian bị bệnh lâu thì da có thể có màu đỏ.
- Tinh hoàn bị kéo lên cao phía lỗ bẹn nông, nắn vào tinh hoàn bệnh nhân đau và đau khi nắn dọc theo ống bẹn. Đây là một triệu chứng quan trọng để chẩn đoán.
- Sốt có thể xảy ra sau khi tinh hoàn bị xoắn vài giờ.
- Nôn.
- Tiền sử và bệnh khác phối hợp: Cần phải khám và khai thác kỹ như tình trạng mơ hồ giới tính, có thoát vị bẹn cùng bên, có tinh hoàn chưa xuống bìu ở cùng bên, đã có những đợt đau ở vùng ống bẹn và vùng bìu nhưng tự khỏi.
Bác sĩ khuyến cáo, để tránh cho trẻ bị xoắn tinh hoàn, cha mẹ phải chú ý nhiều đến yếu tố nguy cơ. Với những trẻ có tinh hoàn di động (lúc sờ thấy có, lúc lại không thấy tinh hoàn trong bìu) thì cần đưa trẻ đến bệnh viện khám xem có nguy cơ xoắn hay không. Nếu có, các bác sĩ sẽ cố định tinh hoàn bằng một phẫu thuật nhỏ, nhẹ nhàng để tránh nguy cơ xoắn tinh hoàn về sau.
Ngoài ra, khi phát hiện trẻ đau vùng bìu đột ngột cần đưa đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân
Khi còn là bào thai, tinh hoàn đã bắt đầu phát triển bên trong bụng bào thai. Khi bào thai lớn lên, tinh hoàn di chuyển xuống cho tới khi nằm trong bìu. Tinh hoàn vẫn dính liền với bụng bằng dây thừng tinh và được cố định với các mô xung quanh chúng. Đôi khi sự liên kết của các mô này quá lỏng và tinh hoàn treo tự do trên thừng tinh. Xoắn tinh hoàn thường gặp nhiều hơn ở những người mắc phải vấn đề với các mô ở vùng này. Trong một số trường hợp, các khối u trong bùi dái có thể khiến tinh hoàn lệch khỏi vị trí bình thường làm cho dây thừng tinh bị xoắn.
Bệnh xoắn tinh hoàn khá hiếm, chỉ xảy ra ở 1 trong 5000 người. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng thường xuyên nhất ở nam giới trẻ từ 12 đến 20 tuổi và cũng phổ biến ở trẻ sơ sinh
Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh
- Tiền sử bị xoắn tinh hoàn: Nếu bệnh nhân đã từng bị xoắn tinh hoàn (nhưng các triệu chứng đã thuyên giảm mà không cần điều trị) vẫn có khả năng mắc bệnh trở lại.
- Gia đình có người bị xoắn tinh hoàn.
- Thời tiết: Xoắn tinh hoàn thường xuất hiện khi thời tiết lạnh, chẳng hạn bạn đi nghỉ mát ở vùng núi cao có nhiệt độ lạnh.
- Bất thường bẩm sinh: Bất thường quả lắc chuông (Bell clapper deformity) dẫn đến trục dài của tinh hoàn nằm ngang thay vì theo trục thẳng của cơ thể, khiến tinh hoàn xoay trên thừng tinh.
“Thời gian vàng” điều trị
Với bệnh xoắn tinh hoàn, "thời gian vàng" điều trị bệnh là 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Nếu đến trước 6h, 100% bệnh nhân được cứu tinh hoàn. Đến trong khoảng 6-12h thì khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50% và trong khoảng 12-24h thì chỉ còn 20% được cứu. Trên 24h sẽ không cứu được tinh hoàn.
Điều đáng lưu ý là có nhiều trẻ đến bệnh viện khi tinh hoàn đã bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ. Trẻ bị cắt bỏ một tinh hoàn sẽ giảm 50% khả năng sinh con. Đặc biệt khi lớn, chuyện chỉ còn một tinh hoàn trong bìu sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ.
Điều trị
Tháo xoắn bằng tay, một số trường hợp thầy thuốc có thể sử dụng phương pháp này.
Tuy nhiên, để phòng ngừa bệnh tái phát, tốt nhất vẫn nên phẫu thuật để điều trị. Phẫu thuật tháo xoắn tinh hoàn là phẫu thuật ít phức tạp và ít xâm lấn. Phẫu thuật được thực hiện: Rạch da bìu, tháo xoắn thừng tinh, khâu một hoặc cả hai tinh hoàn vào bìu để phòng ngừa sự xoay của tinh hoàn. Việc điều trị kịp thời bằng phẫu thuật có thể phòng ngừa những biến chứng nghiêm trọng như hoại tử tinh hoàn.
Sau khi phẫu thuật, cần nằm nghỉ trên giường và có thể cần đến thiết bị hỗ trợ bìu hoặc khố đeo (để giảm sưng và khó chịu).
Sau phẫu thuật vài tuần, bệnh nhân cần tránh các hoạt động gắng sức, chưa nên quan hệ tình dục, nếu xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh, cần phẫu thuật để phòng ngừa những vấn đề về sinh sản hay sản xuất nội tiết tố nam sau này.
Nếu được chẩn đoán sớm, tỷ lệ cứu được tinh hoàn có thể đạt 100%. Phẫu thuật cố định tinh hoàn có giảm tỷ lệ tái xoắn, nhưng không loại trừ được khả năng tái xoắn tinh hoàn sau này.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
- Bị đau hoặc sưng tinh hoàn dữ dội đột ngột hoặc nếu các triệu chứng quay trở lại sau khi phẫu thuật (tinh hoàn có thể bị xoắn trở lại).
- Cảm thấy một chỗ u trên tinh hoàn.
- Bị sốt, chảy máu hoặc đau sau khi phẫu thuật.
Chẩn đoán xoắn tinh hoàn
Thầy thuốc kiểm tra phản xạ của bệnh nhân bằng cách chà xát hoặc véo mặt trong đùi phía bên tinh hoàn bị xoắn: Bình thường tinh hoàn co lại, nếu bị xoắn tinh hoàn thì phản xạ này không xảy ra.
Xét nghiệm nước tiểu, công thức máu, siêu âm Doppler màu có thể thấy tổn thương do xoắn tinh hoàn, hình ảnh cho thấy thiếu máu nuôi tinh hoàn, mào tinh và thừng tinh căng to.
Chụp Scan phóng xạ (Radionuclide scans) để phát hiện lưu lượng máu đến tinh hoàn, phân biệt xoắn với các nguyên nhân khác có độ chính xác 90 - 100%.
Xoắn tinh hoàn cần phân biệt với một số bệnh khác như viêm ruột thừa cấp, viêm mào tinh, tràn dịch màng tinh hoàn, thoát vị, vỡ, tụ máu tinh hoàn do chấn thương.
Lưu ý
Trong trường hợp bạn được chẩn đoán bị xoắn tinh hoàn, bệnh có thể được hạn chế về sau nếu bạn phẫu thuật cố định cả hai tinh hoàn. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh tham gia các môn thể thao quá mạnh vì các tác động mạnh đến tinh hoàn như va chạm trong lúc chơi thể thao có thể làm dây thừng bị xoắn lại.