Xơ Phổi
Xơ phổi là bệnh gì?
Xơ phổi là tình trạng xuất hiện mô phổi bị tổn thương và sẹo hoá. Khi đó mô phổi dày và bị cứng gây khó khăn cho các hoạt động của phổi. Khi căn bệnh này tiến triển, thì khi hít thở bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn và yếu dần.
Ngoài ra, sẹo hoá liên quan đến xơ phổi có thể được gây ra bởi rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên đa số các trường hợp hiện nay, bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Và việc không xác định được nguyên nhân gây bệnh, nên tình trạng này được gọi là xơ phổi tự phát.
Bên cạnh đó các tổn thương phổi do bệnh gây ra thường không thể chữa trị dứt điểm, khi đó việc sử dụng thuốc và các phương pháp điều trị khác chỉ có thể giúp giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đối với một số trường hợp có thể phải sử dụng phương pháp ghép phổi khi những phương pháp điều trị không đem lại hiệu quả.
Nguyên nhân gây ra xơ phổi là gì?
Trong hầu hết các trường hợp, thì nguyên nhân gây ra căn bệnh này vẫn chưa xác định được.
Mặc dù nguyên nhân gây ra căn bệnh trên vẫn chưa xác định được nhưng những yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Hút thuốc lá.
- Một số bệnh nhiễm trùng do virus.
- Tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm môi trường như silica và bụi kim loại cứng, vi khuẩn và protein động vật, các loại khí và khói.
- Sử dụng các loại thuốc nhất định.
- Di truyền: Một số gia đình nếu có ít nhất hai thành viên cùng bị xơ phổi thì nguy cơ mắc bệnh ở những thành viên còn lại sẽ tăng lên.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): GERD là một tình trạng axit dạ dày trào vào cổ họng. Đối với một số trường hợp bị xơ phổi có thể do hít vào phổi vài giọt a-xít từ dạ dày của họ gây ra tổn thương ở phổi.
- Tuổi: Mặc dù xơ phổi đã được chẩn đoán ở trẻ em và trẻ sơ sinh, bệnh này xuất hiện chủ yếu ở tuổi trung niên trở lên.
- Giới tính: Xơ phổi vô căn ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới.
- Các phương pháp điều trị ung thư: Xạ trị ở ngực hoặc sử dụng các loại thuốc hóa trị liệu nhất định có thể làm tăng nguy cơ xơ hóa phổi.
Triệu chứng của xơ phổi là gì?
Hiện nay các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết của căn bệnh này, tuy nhiên sau đây là những triệu chứng phổ biến nhất của xơ phổi bao gồm:
- Khó thở.
- Ho khan.
- Mệt mỏi.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Đau nhức cơ bắp và khớp.
- Đầu ngón tay hoặc ngón chân to bè.
Ngoài ra, tùy thuộc vào quá trình xơ hoá phổi và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng có thể khác nhau rất nhiều trong từng trường hợp. Đối với một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nặng chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng cũng có những trường hợp khác vẫn có triệu chứng vừa phải, sau đó nặng dần sau vài tháng hoặc vài năm.
Bên cạnh đó, đối với một số trường hợp có các triệu chứng chuyển biến xấu đi nhanh chóng (đợt cấp tính) như khó thở nặng, có thể kéo dài trong vài ngày đến vài tuần và khi đó họ có thể phải dùng đến máy thở. Không những thế bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm corticosteroid hoặc các thuốc khác để điều trị một đợt cấp tính.
Cách điều trị bệnh xơ phổi như thế nào?
Hiện nay, quá trình sẹo hoá xảy ra trong xơ phổi không thể đảo ngược và vẫn chưa có bất cứ phương pháp điều trị nào chứng minh được hiệu quả trong việc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Tuy nhiên vẫn có một số phương pháp điều trị có thể cải thiện các triệu chứng tạm thời hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh, giúp cho bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống. Và tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp nhất cho từng trường hợp. Sau đây là những phương pháp thường thấy trong việc điều trị căn bệnh trên như:
Thuốc
Bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân dùng các loại thuốc mới như pirfenidone (Esbriet®) và nintedanib (Ofev®). Công dụng của các loại thuốc này có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh tự phát.
Tuy nhiên Nintedanib có thể gây tác dụng phụ như tiêu chảy và buồn nôn. Bên cạnh đó pirfenidone cũng gây ra tác dụng phụ bao gồm phát ban, buồn nôn và tiêu chảy.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thêm các loại thuốc để điều trị căn bệnh này.
Ngoài ra, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân nên kết hợp dùng thuốc chống axit để điều trị trào ngược dạ dày thực quản (GERD), một tình trạng tiêu hóa hay xảy ra ở những người bị xơ phổi tự phát.
Trị liệu oxy
Việc sử dụng oxy không thể dừng tổn thương phổi, nhưng nó vẫn có thể đem lại nhiều lợi ích giúp người bệnh như:
- Thở và tập thể dục dễ dàng hơn.
- Ngăn chặn hoặc giảm bớt các biến chứng gây ra do nồng độ oxy trong máu thấp.
- Giảm huyết áp phần tim phải.
- Cải thiện giấc ngủ và giúp tăng cảm giác thoải mái.
- Bệnh nhân có thể nhận oxy khi ngủ hoặc tập thể dục.
Phục hồi chức năng phổi
Phục hồi chức năng phổi có thể giúp bệnh nhân quản lý các triệu chứng và cải thiện các hoạt động hàng ngày. Sau đây là những chương trình phục hồi chức năng phổi thường thấy bao gồm:
- Tập thể dục để cải thiện sức chịu đựng.
- Các kỹ thuật thở giúp nâng cao chức năng phổi.
- Tư vấn dinh dưỡng.
- Tư vấn và hỗ trợ.
- Giáo dục về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Ghép phổi
Ghép phổi được xem là lựa chọn cuối cùng ở những trường hợp bị xơ phổi. Và sau khi ghép phổi bệnh nhân có thể cải thiện chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, ghép phổi có thể dẫn đến các biến chứng như thải ghép và nhiễm trùng. Vì thế bác sĩ sẽ thảo luận với bệnh nếu phương pháp ghép phổi thích hợp cho tình trạng của họ.