Xơ cứng động mạch
Xơ cứng động mạch tức là thành mạch máu trở nên dày, cứng do có mỡ kết tủa, khoang bên trong mạch máu trở nên hẹp lại, làm cho máu khó lưu thông.
Sau 40 tuổi, động mạch sẽ bắt đầu xơ cứng, tuy nhiên, nếu mắc bệnh cao huyết áp thì tốc độ xơ cứng động mạch sẽ nhanh hơn, mạch máu sẽ trở nên hẹp và mất đi tính đàn hồi, huyết áp vì thế mà sẽ càng tăng cao.
Cùng với sự thay đổi của tuổi tác, chứng xơ cứng động mạch cũng tăng theo, mức độ nặng nhẹ có khác nhau. Tuy nhiên, các yếu tố như cao huyết áp, mỡ máu cao, hút thuốc, đái đường, béo phì, vận động không đủ, thể chất yếu… đều là những nhân tố nguy hiểm làm đẩy nhanh tốc độ xơ hóa, có thể nói, những người có càng nhiều yếu tố trên thì càng dễ mắc bệnh xơ cứng động mạch.
Xơ cứng động mạch là nguyên nhân gây ra các bệnh về tim, não và mạch máu.
Động mạch vận chuyển máu đến khắp nơi trên cơ thể, giữ vai trò cung cấp oxy và chất dinh dưỡng. Bởi vậy, khi động mạch xơ cứng, trong quá trình lưu thông máu sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề như não trung phong, đau tim… gây nguy hiểm đến tính mạng.
KIỂM TRA VÀ CHẨN ĐOÁN
Xơ cứng động mạch không có biểu hiện gì rõ rệt, thông thường, các triệu chứng bệnh thường có liên quan đến các căn bệnh khác.
Ngoài ra, còn phải tiến hành kiểm tra nước tiểu, huyết áp, chụp X quang, làm điện tâm đồ, CT hoặc MRI.
Đối với các kết quả kiểm tra này, ngoài phát hiện ra bệnh xơ cứng động mạch thì còn có thể phát hiện ra các bệnh khác như u động mạch, tắc mạch máu não…
ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG TRÁNH
Mục đích của việc điều trị là làm chậm lại tiến trình phát triển, không có loại thuốc nào có thể chữa được triệt để, bởi vậy, khi uống thuốc phải cùng áp dụng các phương pháp vận động và ăn uống, cải thiện thói quen sống như hút thuốc đây là một nhân tố nguy hiểm gây ra xơ cứng động mạch, những người mắc bệnh béo phì nên áp dụng các biện pháp để giảm béo.
CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG
Đầu tiên, phải chú ý đến nhiệt lượng đưa vào cơ thể trong 1 ngày, chú ý, không ăn uống quá nhiều. Béo phì không chỉ là nhân tố nguy hiểm gây ra xơ cứng động mạch mà cũng là nhân tố nguy hiểm gây ra cao huyết áp, đái đường, mỡ trong máu cao, những người béo phì nên áp dụng các biện pháp giảm cân.
Tiêu chuẩn nhiệt lượng trong 1 ngày, ở nam giới là 30 kcal/1kg thể trọng, ở phụ nữ là 25 kcal. Thể trọng tiêu chuẩn có nhiều cách tính, lấy chiều cao trừ đi 100 rồi nhân với 0.9, sẽ cho một tiêu chuẩn tương đối. Đối với nam cao 170cm, thể trọng tiêu chuẩn là 63kg, năng lượng cần mỗi ngày là 1890 kcal.
Thịt mỡ, mỡ bò, bơ tươi có chứa rất nhiều acid béo no, thúc đẩy quá trình xơ cứng động mạch, ngược lại, dầu thực vật hoặc mỡ cá có chứa nhiều acid béo không no có tác dụng phòng ngừa bệnh xơ cứng động mạch.
Acid béo không no có vài loại, loại có trong cá là loại acid béo không no đa. Trong dầu hoa hồng, dầu hướng dương, dầu đậu nành, dầu tràm có chứa nhiều loại acid béo không no đơn.
Lượng muối cũng cần phải được chú ý. Nếu ăn quá nhiều muối, ngoài việc sẽ làm cho huyết áp tăng cao, xơ cứng động mạch nhỏ, còn có thể gây ra xuất huyết não, ung thư dạ dày, bệnh thận. Tốt nhất, nên ăn uống thanh đạm, cố gắng hạn chế ăn các loại thức ăn ngâm mặn. Thức ăn chế biến sẵn.
Ăn quá nhiều đường sẽ làm giảm lượng HDL trong máu, gây mắc bệnh tiểu đường. Ngoài bánh ngọt, trong các loại nước uống giải khát cũng có chứa rất nhiều thành phần đường.
Uống một lượng rượu thích hợp có thể làm tăng HDL, 1 chai bia to, 1 cốc rượu gạo nhỏ được coi là lượng phù hợp, tuy nhiên, những người mắc bệnh đái đường về nguyên tắc không nên uống rượu.
PHƯƠNG PHÁP VẬN ĐỘNG
Vận động ở mức độ thích hợp có tác dụng phòng ngừa xơ cứng động mạch, đối với các bệnh dễ gây xơ cứng động mạch như cao huyết áp, đái đường, mỡ trong máu cao… cũng có tác dụng phòng tránh cao.
Khi vận động, mạch đập ở mức 110 - 120/phút là tốt nhất, đi bộ thì ai cũng làm được, có thể tự điều chỉnh tốc độ nhanh chậm, phương pháp vận động thích hợp nhất. Mỗi ngày đi bộ khoảng 30 phút là được. Tốt nhất nên vận động vào thời điểm sau khi ăn 20 phút - 1 tiếng. Tuy nhiên, đối với những người bị bệnh về tim thì phải vận động theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
DÙNG THUỐC
Không có loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh xơ cứng động mạch, bởi vậy, khi sử dụng thuốc phải tiến hành cùng với điều chỉnh chế độ ăn uống và chế độ vận động. Thuốc làm giãn mạch máu có thể được sử dụng thường xuyên, nếu tùy tiện dừng uống thuốc sẽ làm cho bệnh tái phát.
HỎI ĐÁP
Hỏi:
Bị chẩn đoán đau tim, có thể tiến hành liệu pháp vận động được không?
Đáp:
Đối với những người mắc bệnh về tim mạch, vận động có tính nguy hiểm nhất định, bởi vậy, khi tiến hành liệu pháp vận động cần chú ý áp dụng phương pháp vận động phù hợp, lượng và mức độ vận động như thế nào đều phải tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, phải tiến hành thử nghiệm về khả năng chịu mức vận động như: kiểm tra điện tâm đồ, huyết áp, nhịp tim…
Hỏi:
Xơ cứng động mạch có liên quan đến di truyền không?
Đáp:
Có tính tương quan nhất định. Khi trong nhà có người mắc bệnh xơ cứng động mạch mà chết thì cũng nên liệt bản thân vào nhóm những người dễ mắc bệnh xơ cứng động mạch, nên chú ý giảm bớt các nhân tố nguy hiểm khác. Ngoài ra, nam giới dễ mắc bệnh xơ cứng động mạch hơn phụ nữ, đây là do sự khác nhau trong bài tiết hóc môn. Tuy nhiên, phụ nữ sau khi mãn kinh, lượng hóc môn nữ tiết ra giảm rõ rệt nên nguy cơ mắc bệnh xơ cứng động mạch cũng giống với nam giới.