Xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện sớm tái phát ung thư vú
Hiện tại, một xét nghiệm máu đơn giản có thể giúp phát hiện ung thư vú tái phát sớm hơn 2 năm so với chẩn đoán bằng hình ảnh ở bệnh nhân ung thư vú (giai đoạn đầu).
Đây là một nghiên cứu nhỏ, được thực hiện bởi Đại học Leicester - Đại học Hoàng gia Luân Đôn và nhận nguồn tài trợ từ Cancer Research UK. Trong nghiên cứu này cho thấy xét nghiệm máu có thể phát hiện đến 89% tất cả các trường hợp bị tái phát ung thư, với thời gian trung bình nhanh hơn 8,9 tháng so với chẩn đoán bằng hình ảnh.
Cho đến nay, ung thư vú là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong tất cả các loại ung thư ở phụ nữ. Khoảng 55.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú xâm lấn hàng năm tại Vương quốc Anh, và ước tính đến với 2 triệu trường hợp mắc bệnh trên toàn thế giới.
Trong khi tỷ lệ sống sót của ung thư vú đã được cải thiện, thì tình trạng tái phát bệnh vẫn là một vấn đề nan giải, và có đến 30% bệnh nhân bị tái phát ung thư trong vòng 5 năm.
Vì thế trong nghiên cứu mới nhất, đã có 49 bệnh nhân ung thư vú (giai đoạn đầu) từ ba trung tâm y tế lớn của NHS tại Anh tham gia (Imperial College Health, Christie Foundation và Đại học Bệnh viện Leicester), đây là những trường hợp đã hoàn thành điều trị bằng phẫu thuật và hóa trị liệu bổ trợ.
Tất cả các trường hợp trong nghiên cứu này đều có HER2 dương tính, ER dương tính và ba âm tính. Khi đó các mẫu máu sẽ được thu thập mỗi 6 tháng (trong tối đa 4 năm) của từng bệnh nhân và được so sánh với kết quả X quang - lâm sàng.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu Signatera (được phát triển bởi công ty xét nghiệm di truyền Natera), được sử dụng để đánh giá mức độ bệnh còn tối thiểu (tên viết tắt là MRD - tên tiếng anh Minimal Residual Disease) nhằm phát hiện số lượng DNA đột biến được giải phóng từ các khối u đang chết, từ đó cho phép phát hiện ra sớm tái phát ung thư.
Giáo sư Jacqui Shaw, tại Đại học Leicester, cho biết: Hiện tại, chưa có một xét nghiệm lâm sàng cụ thể nào có độ chính xác cao giúp theo dõi bệnh nhân ung thư vú sau khi điều trị chính.
Vì thế kết quả của nghiên cứu này rất thú vị, bởi vì các bác sĩ có thể theo dõi bệnh nhân chỉ bằng xét nghiệm máu đơn giản và điều này có thể cung cấp một bước ngoặt quan trọng ở những bệnh nhân ung thư bị tái phát được điều trị sớm hơn so với các xét nghiệm khác.
Charles Coombes, Giáo sư Ung thư tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn, cho biết: Hiện tại các công nghệ tiêu chuẩn để phát hiện tái phát ung thư luôn không chính xác. Vì thế với phương pháp cải tiến này bệnh nhân có thể phát hiện sớm ung thư bị tái phát, giờ đây chúng tôi đang tiến hành thử nghiệm các phương pháp điều trị nhằm ngăn ngừa những bệnh nhân bị tái phát ung thư vú di căn (có triệu chứng).
Tiến sĩ David Crosby, người đứng đầu tại Cancer Research UK, cho biết: Kết quả ban đầu của nghiên cứu này rất tiềm năng. Việc có thể theo dõi bệnh nhân bị tái phát ung thư vú là một bước quan trọng trong việc cải thiện khả năng sống sót. Ngoài ra, việc sử dụng DNA khối u từ xét nghiệm máu là một phương pháp mới và đầy triển vọng, mặc dù nó cần được nghiên cứu thêm. Nhưng chúng tôi mong muốn các bước tiếp theo của nghiên cứu này sẽ được thực hiện ở một nhóm bệnh nhân lớn hơn.