Vũ khí mới chống bệnh Alzheimer

Vũ khí mới chống bệnh Alzheimer

Các nhà khoa học Nhật Bản và Mỹ cho biết enzyme Neprilysin là một "bài thuốc” hiệu quả tham gia phá hủy lớp cặn bám trên não - thủ phạm gây bệnh Alzheimer.

Nhóm nghiên cứu ở Viện Khoa học não Riken của Nhật Bản đã tiến hành thử nghiệm trên chuột, phát hiện ra enzyme Neprilysin đóng vai trò phân hủy chất cặn bột A-beta (Amyloid beta) mà não tạo ra hàng ngày trong quá trình trao đổi chất. Chất cặn bột này có thể tích tụ thành lớp cao protein tiêu diệt tế bào não, gây bệnh Alzheimer.

Kết quả kiểm tra trên chuột cho thấy, ở những con chuột bị biến đổi gen để không thể tạo ra enzyme Neprilysin, khả năng phân hủy chất A-beta chỉ bằng một nửa những con chuột bình thường. Các nhà khoa học cho rằng lượng enzyme Neprilysin giảm theo tuổi tác, sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer. Do vậy, duy trì được hoạt động của enzyme này sẽ là một biện pháp phòng chống bệnh rất tốt.

Bệnh Alzheimer là bệnh suy giảm chức năng não do tế bào não bị chết, làm não nhỏ đi, thường dẫn tới chứng mất trí nhớ. Từ kết quả nghiên cứu này, một ngày nào đó các nhà khoa học có thể phát hiện ra những người có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer dựa trên việc phân tích lượng enzyme Neprilysin, đồng thời tìm hiểu được quá trình lão hóa của não, ngoài nguyên nhân bị phá hủy bởi bệnh Alzheimer.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...