Viêm phổi do virus cúm A H5N1
Bệnh cúm A H5N1 còn gọi là cúm chim (avian influenza, bird influenza) xuất hiện lần đầu vào năm 1997 tại Hồng Kông. Từ năm 2003 cho đến nay, bệnh đã lan rộng ra nhiều quốc gia Vùng Đông Nam Á (Việt Nam , Indonesia...), các nước châu Á, Trung Cận Đông, châu Âu. Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo đây là “khủng hoảng y tế cộng đồng”. Tháng 12 năm 2009, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo có 447 người mắc cúm A H5N1, tử vong 263 người.
Nguyên nhân
Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em và người lớn trẻ tuổi. Ở các lứa tuổi này tỷ lệ tử vong cao và tỷ lệ viêm phổi cao (khoảng 53% và 61%).
Đường lây truyền chủ yếu là từ động vật sang người (gia cầm - người). Nguy cơ lây nhiễm cao ở những người tiếp xúc trực tiếp gần gũi, thường xuyên với gia cầm (gà, vịt); làm thịt gia cầm; ăn thịt, ăn tiết canh gia cầm nhiễm cúm A H5N1.
Các đường lây khác (từ người sang người, từ môi trường sang người) tuy có những bằng chứng khoa học gợi ý nhưng chưa được khẳng định.
Triệu chứng
Các triệu chứng lâm sàng thường gặp là sốt (100%), hội chứng viêm long đường hô hấp trên (67%), viêm phổi (58%), triệu chứng dạ dày ruột (50%).
Viêm phổi thường rất nặng nề với suy hô hấp xuất hiện sớm và nặng lên nhanh chóng. Bệnh nhân thường phải ở tại khoa điều trị tích cực ngay từ khi nhập viện.
X quang phổi: tổn thương là những đám mờ hoặc nốt mờ, thường lan tỏa 2 phổi; cũng có thể gặp tổn thương khu trú như viêm phổi thuỳ, phân thuỳ, ít gặp tràn dịch màng phổi.
Những trường hợp suy hô hấp thường thấy tổn thương dạng kính mờ lan tỏa hai phổi.
Biến chứng
- Suy đa tạng (thường có suy thận, suy tim).
- Chảy máu phổi.
- Tràn khí màng phổi.
- Thiếu máu nặng.
Chẩn đoán
Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán sau:
Nhóm có nguy cơ cao mắc cúm A H5N1:
- Bệnh nhân đã sống ở những vùng (khu vực) có dịch cúm A H5N1 từ 10 ngày trở lên.
- Có các triệu chứng lâm sàng gợi ý cúm.
- Có viêm phổi (X quang lồng ngực).
Nhóm có nguy cơ thấp mắc cúm A H5N1:
- Bệnh nhân sống ở những vùng (khu vực) có dịch cúm A H5N1 từ 10 ngày trở lên.
- Sốt 38°C.
- Có ít nhất một trong các triệu chứng sau: ho, đau họng, khó thở
Chẩn đoán xác định dựa vào:
- Nuôi cấy virus.
- PCR với RNA của cúm A H5N1.
- Test miễn dịch huỳnh quang sử dụng kháng thể đơn clon với H5.
- Hiệu giá kháng thể đặc hiệu với H5 tăng 4 lần ở mẫu huyết thanh.
Chẩn đoán phân biệt với:
- Viêm phổi không điển hình.
- Nhiễm virus hô hấp khác.
- Cúm người.
- Virus hợp bào hô hấp.
- SARS.
- Nhiễm Adeno virus.
Lưu ý:
Bệnh thường nặng, tỷ lệ tử vong cao ở người già, người nhập viện chậm, người bệnh có viêm phổi, người bệnh có giám bạch cầu (nhất là giảm bạch cầu lympho).Điều trị
Thuốc điều trị có 2 nhóm:
Sử dụng thuốc kháng virus:
có hai nhóm thuốc kháng virus được sử dụng là- Nhóm chẹn kênh ion M2 như amantadin, rimantadin.
- Nhóm ức chế neuramidase như oseltamivir, zanamivir.
Ở Việt Nam đã có hiện tượng virus kháng nhóm chẹn kênh ion M2. Do vậy, với những bệnh nhân có nguy cơ cao, điều trị ngay oseltamivir (75mg x 2 lần/ngày x 5 ngày).
Sử dụng kháng sinh chống bội nhiễm.
Lưu ý:
khi bệnh nhân có viêm phổi thì phải điều trị hồi sức tích cực sớm.Dự phòng
Tiêm phòng vaccin chống cúm A H5N1 cho gia cầm ở vùng đã có dịch lưu hành.
Khi gia cầm, chim... ở khu vực dân cư có biểu hiện ốm, chết thì cần khoanh vùng (quarantin) sớm; đồng thời nhốt toàn bộ gia cầm đang chăn thả, ngừng tiếp xúc với gia cầm, thông báo cho cơ quan chức năng sớm làm rõ có phải là dịch cúm A H5N1 ở gia cầm hay không.
Mọi người không nên ăn tiết canh, không chế biến và ăn thịt gia cầm ốm hoặc chết; tiêm vaccin phòng cúm A H5N1 khi có chỉ định.