Viêm đại tràng mạn tính: Dễ mắc nhưng khó chữa
Viêm đại tràng mạn tính là một bệnh thường gặp ở nước ta, bệnh rất khó trị dứt điểm và hay tái phát, biểu hiện bằng những cơn đau bụng thường xuyên, rối loạn tiêu hóa gây ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
Viêm đại tràng mạn tính là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp ở nhiều nước đang phát triển, trong đó có nước ta, số người bị viêm đại tràng mạn tính ở nước ta chiếm tỷ lệ khoảng 20% dân số và đang có xu hướng gia tăng.
Viêm đại tràng mãn tính là quá trình viêm nhiễm gây tổn thương khu trú hoặc lan tỏa ở niêm mạc đại tràng với các mức độ khác nhau, nhẹ thì niêm mạc kém bền vững và dễ chảy máu, nặng xuất hiện các vết loét, sung huyết và xuất huyết, thậm chí có thể có những ổ áp-xe nhỏ.
Phân loại, nguyên nhân, biểu hiện
Viêm đại tràng mạn tính được chia thành 2 nhóm là viêm đại tràng mạn có nguyên nhân và không rõ nguyên nhân.
- Bệnh viêm đại tràng mạn tính có nguyên nhân: Là bệnh xuất hiện sau viêm đại tràng cấp tính do nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng, nhiễm nấm và nhiễm độc nhưng không được điều trị dứt điểm.
- Bệnh viêm đại tràng mạn tính không rõ nguyên nhân: Bệnh thường gặp là viêm đại tràng mạn tính không đặc hiệu.
Viêm đại tràng mạn tính thường do những nguyên nhân sau:
- Nhiễm các loại vi trùng gây bệnh đường ruột: Shigella, Salmonella…
- Nhiễm các loại ký sinh trùng: Giun đũa, giun kim, giun tóc.
- Chế độ ăn uống: Như ăn uống không điều độ hoặc các loại thức ăn gây kích thích, làm tổn thương niêm mạc ruột.
- Táo bón kéo dài.
Viêm đại tràng mạn tính thường có các dấu hiệu và biểu hiện sau:
- Đau bụng với đặc điểm là đau dọc khung đại tràng, thường ở nửa khung đại tràng trái và hai hố chậu, đau quặn từng cơn, đau đi đau lại nhiều lần, có khi đau âm ỉ, sau khi đi tiêu thì đỡ đau.
- Rối loạn đi tiêu, bệnh biểu hiện rất đa dạng, chủ yếu là đi tiêu phân lỏng nhiều lần trong ngày, hay mót rặn, phân có thể có nhầy hay có máu hoặc bị táo bón nhưng có kèm nhầy mũi, đôi khi xen kẽ giữa táo bón với tiêu phân lỏng. Nói chung là phân không ổn định, người bệnh cảm thấy không thoải mái sau khi đi tiêu, có cảm giác muốn đi nữa.
- Toàn thân mệt mỏi, ăn uống kém, chán ăn, ngủ kém, đầy bụng, giảm trí nhớ, tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng thái quá. Nếu nặng thì thể trạng gầy sút, hốc hác.
- Bụng trướng hơi, khu trú dọc khung đại trắng, người bệnh luôn cảm thấy căng tức bụng rất khó chịu.
Điều trị và phòng ngừa
Viêm đại tràng là một bệnh rất khó điều trị dứt hẳn cho nên nguyên tắc chung là điều trị nội khoa với phương châm kiên trì, toàn diện, bao gồm các giải pháp như lựa chọn chế độ ăn uống, chế độ làm việc và sinh hoạt phù hợp. Do đó, tùy theo bệnh trạng cụ thể mà sử dụng thuốc phù hợp để loại trừ nguyên nhân gây bệnh như sử dụng kháng sinh để chống nhiễm trùng, chống nhiễm nấm, chống ký sinh trùng, thuốc giảm đau và chống co thắt, chống tiêu chảy, chống loạn khuẩn...
- Không ăn các loại thực phẩm còn tươi sống như rau sống, nem chua, tiết canh, lòng heo, gỏi cá… Và giữ vệ sinh tốt môi trường sống.
- Tránh stress, căng thẳng kéo dài và lo lắng thái quá sẽ gây trầm cảm và dẫn đến giảm nhu động ruột, hãy tạo cho tinh thần thoải mái, vui vẻ, lành mạnh. Ngoài ra, năng vận động, thể dục thể thao, uống nhiều nước bằng cách lấy lòng bàn tay xoa nhẹ quanh vùng thượng vị - rốn theo chiều kim đồng hồ mỗi ngày vài lần để kích thích làm tăng nhu động ruột.
- Có chế độ ăn hợp lý:
Nên ăn các thực phẩm như: Gạo, khoai tây, thịt nạc, cá, sữa đậu nành, tăng cường nhiều chất xơ: rau xanh, củ quả, trái cây, nhất là những loại giàu kali: chuối, đu đủ… Để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn
Hạn chế trứng, sữa, nem rán, thịt mỡ, đậu đen, hành sống, không nên dùng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, cà phê, các chất chua cay và những thức ăn chiên vì sẽ gây khó tiêu. Nên ăn nhẹ, chia làm nhiều bữa, tốt nhất là không nên ăn quá nhiều vào buổi tối.
Với nguyên tắc ăn uống là phải đủ thành phần các chất dinh dưỡng như đảm bảo 1g chất đạm cho mỗi kg cân nặng mỗi ngày, 30 - 35 kcal cho mỗi kilôgam cân nặng mỗi ngày và nên hạn chế chất béo, ăn không quá 15g mỗi ngày, đồng thời phải cung cấp đầy đủ nước, muối khoáng và các vitamin.
Chế 9dộ ăn uống hợp lý.
Thay đổi chế độ dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng trong việc điều trị viêm đại tràng mạn tính. Sau đây là một số điều trong ăn uống, người bệnh cần lưu ý:
- Khi bị táo bón: Cần phải giảm chất béo, tăng chất xơ, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ.
- Khi bị tiêu chảy: Không được ăn chất xơ để thành ruột không bị tổn thương, không ăn rau sống, trái cây khô, trái cây đóng hộp, nếu ăn trái cây tươi thì phải gọt bỏ vỏ, có thể ăn trái cây xay nhừ.
- Tránh chất kích thích: Cà phê, chocolate, trà…
- Hạn chế các sản phẩm từ sữa: Trong sữa có đường nên rất khó tiêu và chất đạm của sữa có thể gây dị ứng, nên thay bằng sữa đậu nành.
- Hạn chế mỡ: Tránh ăn những thức ăn có nhiều dầu mỡ như các món chiên, xào.
- Tránh sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau: Aspirin, Ibuprofen, Naprosyn, Voltaren, Feldene… vì chúng có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết.