Viêm âm hộ - âm đạo do nấm Candida (Vulvovaginal Candidiasis)
1. ĐẠI CƯƠNG
- Viêm âm hộ-âm đạo do nấm Candida là bệnh rất thường gặp ở phụ nữ. Người ta thấy rằng hầu hết phụ nữ đều có ít nhất một lần trong đời có biểu hiện lâm sàng viêm âm hộ-âm đạo do nấm Candida. Nhiều phụ nữ bị nhiễm Candida nhưng không có triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm soi tươi hoặc nuôi cấy có nấm. Khoảng 25-30% phụ nữ khỏe mạnh có thể tìm thấy các chủng nấm Candida trong âm đạo dù không có biểu hiện lâm sàng.
- Viêm âm hộ- âm đạo do nấm Candida thường không lây qua quan hệ tình dục nên không cần thiết điều trị bạn tình của họ nhưng các trường hợp bệnh tái phát thì cần thiết phải khám cho bạn tình và điều trị cho cả hai.
- Tỷ lệ hiện mắc khoảng 5-15% phụ nữ trưởng thành, đứng thứ hai sau viêm âm đạo vi khuẩn trong bệnh lý viêm âm đạo. Khoảng 90% trường hợp viêm âm hộ- âm đạo do nấm có căn nguyên là Candida albicans.
2. NGUYÊN NHÂN
a) Tác nhân gây bệnh
- Candida là nấm men, gây bệnh ở niêm mạc sinh dục, tiêu hóa và có thể gây nhiễm nấm hệ thống. Khoảng 50% người mang Candida sinh dục sẽ trở thành bệnh có triệu chứng.
- Các loài Candida thường gây viêm âm hộ, âm đạo là C. albicans, C. glabrata và C. tropicalis. Các chủng khác như C. turolosis, C. krusei, C. stellatoide cũng có thể gây bệnh nhưng ít hơn.
b) Yếu tố thuận lợi
- Nấm Candida có thể sống ký sinh trong âm đạo mà không có biểu hiện lâm sàng. Sự phát triển và gây bệnh của nấm phụ thuộc vào độ cân bằng môi trường âm đạo và hệ thống miễn dịch cơ thể. Khi phá vỡ sự bình ổn môi trường này thì nấm sẽ phát triển và gây bệnh.
- Các yếu tố thuận lợi: dùng kháng sinh kéo dài, các thuốc corticoid, thuốc ức chế miễn dịch kéo dài hoặc người bị đái tháo đường, dùng thuốc tránh thai, có thai, làm các thủ thuật, thụt rửa nhiều, nhiễm HIV/AIDS.
3. CHẨN ĐOÁN
a) Chẩn đoán xác định
- Lâm sàng
+ Ngứa dữ dội, cảm giác rát bỏng vùng âm hộ gặp ở hầu hết các trường hợp.
+ Tiết dịch âm đạo: khí hư như váng sữa, dính vào thành âm đạo, có khi ra khí hư lẫn mủ. Dịch tiết không có mùi hôi.
+ Đái buốt, đau khi giao hợp.
+ Trường hợp nặng người bệnh ngứa nhiều, gãi gây xước âm hộ và nấm có thể lan đến tầng sinh môn, bẹn và vùng quanh hậu môn.
+ Khám: âm hộ, âm đạo đỏ, phù toàn bộ hoặc từng đám, bờ rõ rệt. Môi lớn đỏ, rãnh giữa môi lớn và môi bé phủ chất nhầy trắng đục, thành âm đạo màu đỏ tươi.
+ Mở mỏ vịt thấy nhiều khí hư trắng đục, có khi lổn nhổn, khi lau khí hư có thể thấy vết trợt đỏ ở dưới. Ở cùng đồ sau, khí hư đọng lại như những hạt sữa đọng. Cổ tử cung bình thường, không loét, có thể thấy phủ một lớp màng giả lấy ra dễ dàng.
+ Bệnh thường nặng vào tuần trước khi có kinh.
+ Nam giới có thể bị viêm bao da-quy đầu do nấm Candida nhưng thường triệu chứng sẽ tự mất đi. Biểu hiện bao da-quy đầu đỏ, nề, ngứa hoặc cảm giác bỏng rát.
- Xét nghiệm
+ Soi tươi: lấy bệnh phẩm ở cùng đồ sau, phết lên phiến kính, hòa lẫn với một giọt nước muối sinh lý, soi kính hiển vi thấy tế bào nấm men có chồi hoặc không, có trường hợp thấy giả sợi.
+ Nuôi cấy trong môi trường Sabouraud, sau đó phân loại theo các bước như nuôi cấy trong môi trường huyết thanh, môi trường PCB (Potato-Carot-Bile: môi trường khoai tây mật bò) để phát hiện bào tử màng dày, làm phản ứng đồng hóa đường Auxacolor để xác định một số chủng nấm men chính dựa vào sự thay đổi màu sắc của một số loại đường.
+ Nhuộm Gram: tế bào nấm men bắt màu Gram âm.
+ Đo pH dịch âm đạo: thường < 4,5.
a) Chẩn đoán phân biệt
- Viêm âm đạo do trùng roi: dịch tiết âm đạo nhiều, dịch mủ màu vàng hoặc xanh, loãng, có bọt, ngứa âm hộ, pH dịch âm đạo ≥ 5,0; soi tươi dịch thấy trùng roi
di động.
- Viêm âm đạo do vi khuẩn: dịch tiết âm đạo ít hoặc trung bình, có màu xám đồng nhất, lỏng, tráng đều thành âm đạo, có mùi hôi, pH dịch âm đạo > 4,5; test Sniff có mùi cá ươn; soi tươi hay nhuộm Gram dịch thấy tế bào"Clue cell", tăng Gargnerella vaginalis và vi khuẩn yếm khí, giảm Lactobacilli.
- Viêm ống cổ tử cung do lậu cầu và/hoặc C. trachomatis:
+ Ống cổ tử cung có dịch nhầy mủ hoặc mủ máu. Có thể kèm theo viêm tuyến Bartholin, Skène.
+ Xét nghiệm:
- Nhuộm Gram và nuôi cấy tìm lậu cầu.
- PCR chẩn đoán lậu cầu và Chlamydia.
4. ĐIỀU TRỊ
Dùng một trong các phác đồ sau đây:
- Viên đặt âm đạo nystatin 100.000 đơn vị, đặt 1 viên vào âm đạo khi đi ngủ trong 14 ngày liên tục (kể cả những ngày có kinh), hoặc
- Viên đạn miconazol hoặc clotrimazol 200mg, đặt 1 viên vào âm đạo khi đi ngủ trong 3 ngày, hoặc
- Viên đạn clotrimazol 500mg, đặt 1 viên duy nhất, hoặc
- Viên đạn econazol 150mg, đặt 1 viên vào âm đạo khi đi ngủ trong 2 ngày, hoặc
- Itraconazol (Sporal) 100mg uống 2 viên/ngày trong 3 ngày, hoặc
- Fluconazol 150mg uống 1 viên duy nhất.
Các trường hợp viêm âm hộ-âm đạo tái phát cần được nghiên cứu và đánh giá rất cẩn thận để phòng tái phát cho người bệnh.
Chú ý:
- Loại bỏ các yếu tố dễ đưa đến tái phát bệnh như sử dụng kháng sinh kéo dài, các thuốc corticoid, thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, thụt rửa âm đạo. Nên mặc đồ lót thoáng bằng vải sợi.
- Không dùng clotrimazol cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.
- Đối với phụ nữ có thai chỉ nên dùng thuốc bôi hoặc thuốc đặt tại chỗ, các thuốc nhóm azol hiệu quả nhất là miconazol, clotrimazol, buconazol và terconazol.
- Thai nghén làm cho bệnh nặng lên và khó chữa. Bà mẹ có thể lây bệnh cho con khi sinh đẻ gây tưa miệng làm trẻ khó bú. Do vậy, cần điều trị tốt cho mẹ và cần khám cho con để điều trị sớm.
5. PHÒNG BỆNH
- Vệ sinh cá nhân.
- Hạn chế sử dụng kháng sinh, corticoid, thuốc tránh thai bừa bãi, điều trị tốt đái tháo đường.