Việc dỡ bỏ chỉ thị và lệnh cấm nên được dựa vào tốc độ tiêm chủng COVID-19
Nghiên cứu mới đây phân tích rằng, để nhanh chóng trả lại tự do cho người dân và đồng thời chống lại làn sóng COVID biến chủng mới, tiến độ dỡ bỏ các chỉ thị nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh phải được gắn liền với tiến độ tiêm chủng. Những phát biểu này được nhóm nghiên cứu Simon Bauer, Viola Priesemann và các đồng nghiệp tại Viện Động lực học và Tự tổ chức Max Planck (Đức) trên tạp chí khoa học PLOS Computational Biology.
Hơn một năm sau khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, các chương trình tiêm chủng vắc-xin hứa hẹn sẽ giảm bớt đi nhiều gánh nặng mà căn bệnh này gây ra, kể cả việc ban hành chỉ thị và khuyến cáo người dân ở yên trong nhà đã gây ra những hậu quả tiêu cực về mặt kinh tế và xã hội. Có nhiều nghiên cứu tập trung vào phân bổ và ưu tiên vắc-xin, cũng như các cách tối ưu để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, để thực hiện quá trình đưa một quần thể chưa được tiêm chủng đến mục đích cuối cùng là nhận đủ liều vắc-xin và được miễn dịch vẫn là một bài toán khó.
Nhằm giải quyết bài toán này, Bauer và các đồng nghiệp đã áp dụng mô hình toán học vào dữ liệu dịch tễ học và tiêm chủng từ Đức, Pháp, Anh và một số nước châu Âu khác. Cụ thể, họ đã đo lường tiến độ có thể dỡ bỏ các hạn chế và chỉ thị trong quá trình triển khai vắc-xin để giảm thiểu nguy cơ làn sóng COVID-19 bùng phát trở lại gây ảnh hưởng đến các đơn vị y tế.
Sau khi đề ra và xem xét các phương án, các nhà nghiên cứu kết luận rằng, chỉ có thể phòng chống các làn sóng nghiêm trọng trong tương lai bằng cách lệnh cấm không được dỡ bỏ nhanh hơn tiến độ tiêm chủng quy định. Các nghiên cứu cho thấy, kể cả sau khi 80% dân số người trưởng thành được tiêm chủng, các biến thể mới lạ, dễ lây nhiễm hơn cũng có thể tạo nên một làn sóng dịch tễ mới và gây khó khăn cho các đơn vị y tế nếu dỡ bỏ những lệnh cấm một cách chủ quan.
"Trong trường hợp như vậy, lệnh cấm sẽ được khôi phục và lấy lại sự tự do của người dân một cách nhanh chóng. Hơn nữa, việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ phải trả giá bằng tỉ lệ bệnh tật và tử vong cao hơn. Trong khi đó, việc nới lỏng lệnh cấm song hành với tốc độ tiêm chủng cho thấy khả năng được "tự do" của người dân cao hơn và tỉ lệ mắc bệnh cũng sẽ thấp hơn.", nhà nghiên cứu Priesemann nói.
Các nhà nghiên cứu cho biết, bất chấp áp lực của dư luận, các nhà hoạch định chính sách không nên vội vàng nới lỏng hay dỡ bỏ lệnh cấm. Quan trọng nhất lúc này là tăng cường triển khai vắc-xin diện rộng, đặc biệt là đối với nhóm dân số có nguy cơ cao, người già là điều cần thiết. Trong tương lai, họ sẽ nghiên cứu sâu hơn để xây dựng các kịch bản tối ưu từ quan điểm mang tính toàn cầu.