Vảy phấn hồng GIBERT (Pityriasis rosea of Gibert)
1. ĐẠI CUƠNG
- Vảy phấn hồng Gibert là một bệnh da cấp tính, lành tính, có thể tự khỏi. Bệnh được Gibert mô tả năm 1860.
- Bệnh gặp ở cả hai giới nam và nữ, chủ yếu ở người trẻ từ 10 đến 35 tuổi.
2. NGUYÊN NHÂN
Căn sinh bệnh học cho đến nay vẫn chưa rõ. Vai trò của virút HHP6, HHP7 được nhiều nghiên cứu đề cập đến. Bệnh đôi khi phát thành dịch nhỏ, nhất là về mùa xuân và mùa thu. Một số thuốc được cho là liên quan đến sự xuất hiện của bệnh như barbioturiques, beta bloquant, griseofulvin, isotretinoin, ketotifen, metronidazon, omeprazon, terbinafin.
3. CHẨN ĐOÁN
a) Chẩn đoán xác định:
chủ yếu dựa vào các đặc điểm lâm sàng.
- Lâm sàng
Tổn thương da
+ Thương tổn tiên phát (dát Herald)
Dát hình tròn hay bầu dục như hình huy hiệu
Giới hạn rõ
Kích thước từ 2 đến 10 cm
Bờ xung quanh có màu hồng tươi, giữa nhạt màu hơn và hơi nhăn nheo, giữa hai vùng được cách biệt bằng lớp vảy da dính vào da ở phía ngoài, còn bờ tự do ở phía trong.
Thương tổn có xu hướng lan ra xung quanh.
Vị trí: thân mình, cổ, hoặc phần gốc chi.
+ Thương tổn thứ phát
Xuất hiện từ 2 đến 20 ngày sau khi có thương tổn tiên phát.
Các dát đỏ hình huy hiệu, kích thước nhỏ.
Các sẩn màu hồng hơi nổi cao lên mặt da.
Thương tổn sắp xếp theo nếp căng da và tạo nên hình ảnh giống cây thông.
+ Cơ năng: 25% người bệnh có ngứa.
+ Toàn trạng
Thường không bị ảnh hưởng.
Một số trường hợp có thể biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, ăn kém ngon, sốt nhẹ, đau cơ hay đau đầu.
- Cận lâm sàng
+ Mô bệnh học không đặc hiệu. Có sự thâm nhiễm các tế bào viêm ở nhú bì.
+ Hóa mô miễn dịch chủ yếu là các tế bào có TCD4 dương tính.
+ Xét nghiệm tìm nấm âm tính.
+ Các xét nghiệm sinh hóa bình thường.
b) Chẩn đoán thể bệnh
- Thể điển hình: như đã mô tả ở trên.
- Thể không điển hình.
+ Theo vị trí
Ở da đầu, mặt, lòng bàn tay, bàn chân, vùng sinh dục.
Ở niêm mạc miệng.
Ở móng: gây hiện tượng khía ngang móng.
+ Theo hình thái của thương tổn
Dạng mụn mủ.
Sẩn mày đay.
Sẩn nang lông.
Xuất huyết.
Dạng hồng ban đa dạng.
Thể tăng sắc tố có thể gặp ở vùng da hở.
Thể giảm sắc tố có thể tồn tại nhiều năm.
+ Theo tiến triển
Thể chỉ biểu hiện tổn thương tiên phát.
Thể không có tổn thương tiên phát.
- Thể tái phát: hiếm gặp (từ 2 đến 3%).
c) Chẩn đoán phân biệt
- Nấm da: tổn thương là mụn nước thành đám, có xu hướng lành giữa, ngứa nhiều, xét nghiệm soi tìm nấm dương tính.
- Viêm da dầu: tổn thương là dát đỏ ở vùng da dầu như rãnh mũi má, vùng liên bả vai, trước xương ức, bong vảy phấn, bệnh thường tăng lên về mùa đông.
- Vảy nến thể giọt: tổn thương là sẩn nhỏ kích thƣớc 1-2mm, màu đỏ thẫm, sau vài ngày thương tổn xẹp, trên có vảy nâu, khi cạo vảy có dấu hiệu gắn xi.
- Chàm khô: bệnh hay gặp ở trẻ em. Tổn thương là các dát giảm sắc tố, giới hạn không rõ ràng, vị trí thường ở vùng da hở như ở hai má, cẳng và cánh tay, ngứa ít.
- Tổn thương đào ban trong bệnh giang mai giai đoạn II: bệnh nhân có tiền sử quan hệ với người bị bệnh giang mai. Tổn thương đào ban ở thân minh, không ngứa. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các triệu chứng khác như hạch toàn thân, sẩn hay mảng niêm mạc. Xét nghiệm phản ứng huyết thanh dương tính với xoắn khuẩn giang mai.
4. ĐIỀU TRỊ
a) Nguyên tắc điều trị
- Tránh những yếu tố kích ứng da.
- Tránh dùng các thuốc gây kích ứng dẫn đến biến chứng chàm hoặc bội nhiễm.
- Dùng thuốc bôi tại chỗ phối hợp toàn thân.
b) Điều trị cụ thể
- Bôi kem corticosteroid loại trung bình hoặc loại nhẹ: kem hydrocortison, desonid, betamethason.
- Kem làm dịu da, mềm da.
- Kháng histamin đường uống.
- Trường hợp nhiều thương tổn hoặc không đáp ứng với thuốc bôi đơn thuần, cần kết hợp điều trị tại chỗ với các biện pháp sau:
+ Erythromycin
Người lớn: liều 1-2g/ngày x 14 ngày.
Trẻ em: 25-40 mg/kg/ngày.
+ Acyclovir 800 mg x 4 lần/ngày trong thời gian 1 tuần.
+ Chiếu tia UVB dải hẹp (bƣớc sóng 311nm)
Chiếu 5 ngày/tuần
Thời gian 1-2 tuần.
+ Corticoid đường uống
Được chỉ định với thể nặng, tổn thương lan tỏa, có triệu chứng toàn thân.
Liều 15-20mg/ngày.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
a) Tiến triển
- Bệnh thường tiến triển tự khỏi sau 6-8 tuần.
- Có thể để lại những dát thẫm màu hay nhạt màu.
b) Biến chứng
- Chàm hoá
- Bội nhiễm
Vảy phấn hồng Gibert là bệnh da lành tính nguyên nhân chưa rõ. Chẩn đoán xác định chủ yếu dựa vào lâm sàng với các tổn thương hình huy hiệu, hình bầu dục, trục hướng theo nếp da. Điều trị bằng các thuốc bôi làm ẩm da, các thuốc có corticoid loại nhẹ hoặc trung bình. Trường hợp nặng có thể dùng kháng sinh erythromycin hoặc acyclovir liều cao. Tuy nhiên, bệnh có thể tự khỏi sau 6-8 tuần.