Vạn niên thanh chữa rắn cắn, sưng đau cổ họng
Còn gọi là Co vo dinh (Thổ), han phan (Lào), kom ponh (Cămpuchia).
Tên khoa học Aglaonema siamense Engl.
Thuộc họ Ráy Araceae.
A. Mô tả cây
Cây thảo cao 35-40cm, đường kính thân 1-1,5cm, Lá hình bầu dục thuôn dài, phía gốc tròn, phía trên hẹp nhọn dần, dài 15-20cm, rộng 5-7cm, cuống dài 5-10cm có bẹ ôm lấy thân ở phiá dưới. Cụm hoa tận cùng hay mọc ngang, mo dài 3,5-4,5cm trên điểm nhiều chấm trắng nhỏ, bông mo dài 3,5cm, hình trụ, có chân ngắn, phần hoa cái ngăn cách phần hoa đực bởi những hoa trung tính hoặc bởi những nhị lép. Quả mọng, thuôn dài, mặt điểm những chấm nhỏ trắng, dài 12-18mm, rộng 7-10mm.
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Cây mọc hoang dại và được trồng ở khắp nơi trong nước ta làm cảnh, trong các phòng khách vì cây chịu bong. Còn thấy ở Trung Quốc, Thái Lan.
Làm thuốc người ta dùng toàn thân, thường dùng tươi.
C. Thành phần hoá học
Chưa thấy tài liệu nghiên cứu
D. Công dụng và liều dùng
Nhân dân một số vùng dùng cây vạn niên thanh chữa rắn cắn, sưng đau cổ họng. Dùng toàn cây 20 đến 40g tươi sắc với nước (300ml) uống trong ngày.
Trẻ con lòi dom dùng nước sắc cây này mà rửa. Rửa lúc còn nóng.
Nếu bị mụn nhọt, dùng cây này giã nát đắp lên, không kể liều luợng.
Chú thích:
Cây vạn niên thanh của Quảng Đông được xác định là Aglaonema modestum Schott giống cây vạn niên thanh ở Việt Nam và có cùng một công dụng.