Ưu nhược điểm của các phương pháp điều trị trĩ

Ưu nhược điểm của các phương pháp điều trị trĩ

I. BỆNH TRĨ LÀ GÌ

Bệnh trĩ là do dãn quá mức đám rối tĩnh mạch ở hậu môn. Đây là bệnh rất phổ biến, đứng hàng đầu trong các bệnh lý vùng hậu môn, tuy có ảnh hưởng tới cuộc sống nhưng vì bệnh ở vùng kín đáo nên bệnh nhân thường ngại khi đi khám dẫn đến nhiều trường hợp đi khám khi các triệu chứng đã nặng. Bài viết sau sẽ cung cấp các thông tin về phân loại cũng như giới thiệu một số phương pháp điều trị bệnh trĩ hiện nay.

     1. Phân loại trĩ và cấp độ trĩ

- Trĩ nội (Internal hemorrhoids): Là bệnh mà các búi trĩ xuất phát từ các đám rối mạch máu tĩnh mạch ở bên trong hậu môn phía trên đường lược.

- Trĩ ngoại (External hemorrhoids): Là bệnh trĩ mà các búi trĩ xuất phát từ bên dưới đường lược và thường được che phủ bởi niêm mạc hoặc da ở rìa hậu môn.

- Trĩ hỗn hợp (Mixed hemorrhoids: Là do có sự kết hợp giữa các búi trĩ nội lẫn các búi trĩ ngoại.

- Trĩ vòng: Khi có nhiều hơn ba búi trĩ và chiếm gần hết toàn bộ vòng hậu môn thì được gọi là trĩ vòng.

- Trĩ thuyên tắc: Các mạch máu nơi có búi trĩ bị tắc nghẽn hay vỡ tạo thành các cục máu đông, gây đau đớn nhiều.

     2. Cấp độ trĩ

Đối với trĩ nội, tùy thao mức độ sa của búi trĩ mà ta có thể phân chia làm 4 cấp độ:

- Cấp độ 1: Búi trĩ chỉ phình lên, không sa ra ngoài. Có thể chảy máu khi đi tiêu.

- Cấp độ 2: Búi trĩ sa ra ngoài khi đi tiêu và ngay sau đó tự tụt vào.

- Cấp độ 3: Búi trĩ sa ra ngoài khi đi tiêu và khó tụt vào. Thường phải dùng tay đẩy vào.

- Cấp độ 4: Búi trĩ sa ra ngoài thường trực và khi lấy tay đẩy vào búi trĩ lại tụt ra.

II. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ của cả 2 nền y học đông y và tây y.

A. Đông y:  

Có 3 hướng điều trị:

1. Dạng thuốc uống:

Có các loại thảo dược như rau má, diếp cá, cỏ nhọ nồi, lá vông, lá móng, kim ngân, kim tiền thảo, tô mộc, trần bì, cam thảo, mộc hương, nghệ.

2. Dạng ngâm:

Có các loại như hạt cau, hoàng bá, đảm phàn.

3. Thuốc bôi:

Thạch tín, phèn phi, thần sa, đảm phàn, băng phiến.

Lưu ý:

Các loại thuốc bôi, thuốc đắp của đông y có các nhược điểm sau: Gây đau, nóng, rát rất nhiều và kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần thậm chí nhiều tháng do thuốc gây viêm loét hậu môn. Khi lành thường gây loét hậu môn.

B. Tây y:

     1. Điều trị nội khoa bằng thuốc:

1.1 Thuốc có tác dụng điều hoà lưu thông ruột:

  • Chống táo bón bằng thuốc nhuận tràng.
  • Chống ỉa lỏng.

1.2 Thuốc đạn và mỡ:

  • Đặt, bôi ở hậu môn có tác dụng che phủ bảo vệ niêm mạc ở búi trĩ và bôi trơn cho phân dễ đi qua.

1.3 Các thuốc làm tăng trương lực, bền vững thành mạch.

1.4 Các thuốc chống viêm

1.5 Thể dục liệu pháp, đại tiện theo nề nếp nhất định, tránh ngồi lâu, ngâm rửa hậu môn nhất là sau đại tiện.

     2. Điều trị bằng các thủ thuật:

Có tới 80 - 90% bệnh nhân được điều trị bằng các phương pháp này.

2.1 Tiêm thuốc gây sơ hoá búi trĩ:

Người đầu tiên là Morgagni - 1869 dùng Persulfat sắt, rồi đến Mitchell  - 1871 dùng acid cacbonic và dầu ôliu, trước khi chết Mitchell bán bí mật cho các thầy lang đi điều trị ở khắp nơi. Đến năm 1879 Andrew phát hiện được và đưa vào trong ngành y sử dụng. Tiêm sơ trước đây có tiếng vang lớn nhưng không điều trị được triệt để và tất cả các loại trĩ, nó có kết quả tốt nhanh chóng đối với trĩ có chảy máu.

Khi đưa thuốc vào tổ chức dưới niêm mạc sẽ kích thích gây ra phản ứng làm sơ hoá, làm ép chặt các nhánh mạch máu, dính chắc niêm mạc và hạ niêm mạc với nhau. Kết quả tránh xuất huyết, chảy máu và sa búi trĩ.

Các thuốc sử dụng gồm:

  • Dung dịch Quinin - urê 5%.
  • Dung dịch Phenol tan trongdầu hạnh nhân 5%
  • Cồn 70%.

Các thuốc dùng hiện nay: Kinurea (tránh dùng cho người có thai và viêm thị thần kinh), Aetoxisclerol (Polydocanol, ethanol) PG 60, huyết thanh nóng.

Tiêm thuốc gây sơ hoá búi trĩ

2.2 Nong dãn hậu môn:

Lord - 1969 nêu lại và hoàn chỉnh kỹ thuật của Recamier - 1935. Kỹ thuật dùng cho các bệnh nhân ngoại trú có trĩ nội độ 1. Gây tê rồi nong rộng hậu môn tới 4 - 6 ngón tay, kỹ thuật kéo dài một tháng, có kết quả tốt từ 30 - 50% nếu đúng chỉ định.

2.3 Áp lạnh ( Cryotherapy ):

Lewis - 1969 sử dụng đầu tiên, dưới tác dụng của nhiệt độ thấp (nếu là dùng Nitơ lỏng) sẽ gây cho các búi trĩ bị hoá băng, sau đó hoại tử lạnh, cuối cùng tổ chức sơ hoá teo đi, nhiệt độ lạnh làm mất cảm giác đau. Lành bệnh sau 6 - 8 tuần.

2.4 Thắt búi trĩ bằng vòng cao su:

Sáng kiến của  Blaisdel - 1956, sau đó Barron - 1963 cải tiến dùng vòng cao su. Qua soi ống hậu môn dùng máy hút búi trĩ và đặt một vòng cao su vào cổ búi trĩ sẽ gây nghẹt thiếu máu cục bộ, trĩ sẽ hoại tử rụng sau 5 - 7 ngày. Có thể kết hợp với thắt vòng cao su với tiêm sơ, hay áp lạnh để điều trị.

Thắt búi trĩ bằng vòng cao su

 

 

2.5 Thắt búi trĩ bằng chỉ không cắt:

Kẹp sát tận gốc thắt chặt gốc búi trĩ, sau 5 - 7 ngày búi trĩ hoại tử và rụng.

* Ưu điểm của điều trị bằng các thủ thuật:

  • Đơn giản, nhanh, gọn, hầu như không đau.
  • Điều trị ngoại trú được, rẻ tiền, ít ảnh hưởng đến lao động và công tác. Áp dụng tốt cho trĩ độ 1, độ 2.
  • Đạt kết quả điều trị cao 70 - 90%.

* Nhược điểm:

  • Hiệu qủa điều trị triệt căn kém.
  • Không áp dụng được trong những trường hợp trĩ lớn, sa lâu ngày và có kết hợp sa niêm mạc trực tràng.
  • Không lấy được bệnh phẩm để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh lý.

     3. Điều trị phẫu thuật:

Chỉ định mổ được áp dụng trong các trường hợp sau:

  • Trĩ nội sa ra ngoài kèm theo đau ngứa, rát, khó chịu ở hậu môn.
  • Trĩ có biến chứng chảy máu dai dẳng gây thiếu máu.
  • Trĩ có biến chứng yếu cơ thắt hậu môn.
  • Trĩ kèm theo nứt, dò, viêm quanh hậu môn.
  • Trĩ có biến chứng huyết khối, viêm, phù nề, nghẹt và hoại tử.
  • Trĩ kết hợp với sa niêm mạc trực tràng (trĩ vòng).

Phẫu thuật Milligan  E.T.C - Morgan C. N -1937

Bóc tách các búi trĩ ở vị trí 3h, 8h, 11h tư thế sản khoa, bắt đầu từ mép hậu môn tới tận gốc là các trục động mạch. Khâu chỉ xuyên qua gốc búi trĩ và thắt gốc ở trên cao.Cắt bỏ búi trĩ dưới nút thắt và cố định nút thắt gốc búi trĩ vào cơ thắt trong để đề phòng co rút lên cao, để ngỏ vết mổ. Đây là phương pháp được áp dụng ở các nước. Tỷ lệ tái phát thấp 1- 5%.

Phẫu thuật cắt trĩ dưới niêm mạc Parks A.G - 1956

Bóc tách tổ chức trĩ dưới niêm mạc, bắt đầu bằng một đường rạch hình vợt lộn ngược từ mép hậu môn, thắt gốc búi trĩ cắt bỏ tổ chức trĩ, vạt da và niêm mạc không khâu. Phẫu thuật này khó làm, còn gọi là phẫu thuật “để lại vạt da niêm mạc dài”, tỷ lệ tái phát cao 14 - 20%, da thừa hậu môn nhiều (57% trong đó 1/3 phải cắt bỏ).

Phẫu thuật cắt trĩ khâu kín: Ferguson J.A - 1959

Đường rạch hình elíp sâu đến bề mặt cơ thắt trong lấy đi cả da niêm mạc cùng tổ chức trĩ, thắt gốc và cắt bỏ tạo nên vết mổ hình thoi, khâu vắt để đóng kín vết mổ. Phẫu thuật này có nhược điểm dễ gây áp xe vết mổ.

Cắt trĩ bằng laser

Biện pháp này giúp điều trị bệnh trĩ mà không cần dùng tới dao mổ mà dùng chùm sáng của tia laser xác định chính xác và can thiệp vào búi trĩ. Hiện nay có rất nhiều cách sử dụng tia laser để tác động đến búi trĩ như:

  • Dùng laser CO2: Tức là tác động chùm tia laser bằng dòng điện mạnh thông qua ống kính có chứa CO2 để hình thành chùm hẹp ánh sáng không màu, cắt nhỏ búi trĩ một cách nhẹ nhàng. Đồng thời làm bay hơi các búi trĩ có chứa hơi nước.
  • Dùng laser can thiệp trực tiếp là dùng chùm ánh sáng laser tác động trực tiếp để loại bỏ búi trĩ.
  • Dùng laser gián tiếp: Tia laser không tác động trực tiếp đến búi trĩ mà sử dụng các tia laser có khả năng tác động xuyên thấu. Nhờ đó mà việc loại bỏ các búi trĩ cũng dễ dàng hơn.

Phương pháp Longo

Bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ khâu nối đặc biệt, được thiết kế riêng để cắt - khâu một khoanh niêm mạc kèm mạch máu phía trên búi trĩ, kéo các búi trĩ nội lên cao, đồng thời cắt nguồn máu đến búi trĩ. Nhờ đó, các búi trĩ sẽ teo dần và bệnh nhân được chữa trĩ hoàn toàn.

Phương pháp này thường được dùng cho bệnh nhân bị bệnh trĩ độ 2 và 3 với khá nhiều ưu điểm. Đó là thời gian nằm viện ngắn, người bệnh chỉ cần ở bệnh viện khoảng 1 ngày là có thể được về. Bên cạnh đó do vị trí phẫu thuật có ít dây thần kinh cảm giác nên hạn chế được cảm giác đau đớn cho người bệnh.

Phương pháp Longo

Phương pháp HCPT

Phương pháp này đang được nhiều nhà chuyên môn đánh giá khá cao về mức độ hiệu quả cũng như các ưu điểm mà nó mang lại như: Độ chính xác cao, không chảy máu và nhanh phục hồi.

Nguyên tắc thực hiện của phương pháp này là sử dụng sóng cao tần tác động vào búi trĩ làm đông các tế bào và tạo thành nút thắt mạch máu. Sau đó sẽ dùng dao điện để cắt búi trĩ ngay trong ống hậu môn.

Phương pháp PPH

Đây cũng là phương pháp phẫu thuật trĩ không cần dao mổ đang được sử dụng khá phổ biến hiện nay nhờ khả năng điều trị triệt để và không để lại biến chứng. Sau khi tiến hành biện pháp này, người bệnh có thể về ngay mà không phải lưu lại bệnh viện. Đặc biệt hiệu quả với những bệnh nhân bị trĩ nội và trĩ hỗn hợp.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...