Tủ thuốc gia đình
Cùng với mức sống đang dần được nâng cao và những kiến thức y học không ngừng được phổ cập, ý thức bảo vệ sức khỏe của mọi người cũng đã được tăng cường. Rất nhiều gia đình đã có tủ thuốc riêng, một số căn bệnh thông thường đã có thể được chữa trị kịp thời. Tuy nhiên, bất kỳ loại thuốc nào cũng có hai mặt của nó, vừa có thể chữa bệnh lại vừa có thể làm nguy hại đến sức khỏe con người. Bởi vậy, phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của mọi người trong gia đình mà chuẩn bị có chọn lọc một số loại thuốc thông thường vừa an toàn lại có hiệu quả, đồng thời học cách sử dụng và bảo quản một cách khoa học.
THUỐC THEO ĐƠN VÀ THUỐC KHÔNG THEO ĐƠN
Thuốc theo đơn là thuốc được mua theo đơn của bác sĩ cấp tại bệnh viện hoặc phòng khám và được mua tại các hiệu thuốc của bệnh viện hoặc hiệu thuốc tư nhân. Những loại thuốc này đều có những yêu cầu đặc biệt về liều dùng, có một số loại thuốc có độc tính nhất định và những ảnh hưởng tiềm tàng, nhất định phải sử dụng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
Thuốc không theo đơn là thuốc do người dùng tự mua dựa vào hiểu biết của bản thân, tự chọn, tự mua, tự dùng. Loại thuốc này độc tính thấp, thuộc loại nhẹ, không dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc, ít có tác dụng tương hỗ với các loại thuốc khác, đã sử dụng nhiều năm trong điều trị lâm sàng, tác dụng điều trị đã được khẳng định. Thuốc không theo đơn chủ yếu được dùng với những bệnh nhẹ, ổn định, được chẩn đoán rõ ràng chính xác. Nói tóm lại, thuốc không theo đơn có thể tùy ý mua tại các hiệu thuốc nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc là khi có bệnh mới dùng thuốc, dùng thuốc đúng bệnh, uống đúng cách, đúng liều lượng.
NHỮNG LOẠI THUỐC THÔNG DỤNG CẦN CÓ TRONG TỦ THUỐC GIA ĐÌNH
Trong gia đình, nên trữ một số loại thuốc thông dụng, an toàn, tiện dụng, tiện bảo quản, mục đích là để có thể kịp thời chữa trị một số căn bệnh thông thường hoặc ít nhất có thể xử lý bước đầu trước khi đi bệnh viện. Nhưng phải chú ý rằng, đối với những căn bệnh mà bản thân mình không thể tự chẩn đoán được mức độ nặng nhẹ của bệnh, tình trạng bệnh thay đổi phức tạp thì không được tự ý dùng thuốc, đặc biệt là khi trẻ em mắc bệnh, thường biểu hiện là bệnh cấp, tình trạng bệnh thay đổi nhiều, trẻ em cũng khó có thể biểu đạt được rõ, phải kịp thời đưa đi bệnh viện để khám chữa. Đối với những căn bệnh đột phát ở người lớn, những căn bệnh mãn tính ở người già đột nhiên thay đổi cũng nên đi bệnh viện để khám và điều trị.
Những loại thuốc thông dụng cần có trong tủ thuốc gia đình có thể chia thành 3 loại: thuốc uống, thuốc bôi và các vật dụng cơ bản.
10 ĐIỀU CẤM KỊ KHI DÙNG THUỐC
Tại một số quốc gia ở Châu Á, theo điều tra, mỗi năm có khoảng 5 triệu người phải vào viện do sử dụng thuốc không đúng cách, trong đó có 200.000 người bị chết. Trong số 5 triệu trẻ em bị điếc, hàng năm, có 500.000 trẻ em bị điếc do nguyên nhân sử dụng thuốc không đúng cách. Ngoài ra, còn có không ít người dùng thuốc tùy tiện dẫn đến nguy hiểm tính mạng mà chúng ta vẫn gặp hàng ngày. Dưới đây là 10 điều cấm kị khi dùng thuốc:
UỐNG THUỐC TÙY TIỆN
Hướng dẫn sử dụng thuốc ghi rõ “ngày uống 3 lần, uống trước khi ăn”, tức là 1 ngày 24h chia ra làm 3, cứ 8 tiếng lại uống 1 lần. Nếu uống cả vào ban ngày thì sẽ làm cho nồng độ thuốc trong máu tăng cao, có thể gây nguy hiểm, mà buổi đêm lại không đạt được hiệu quả điều trị. Còn “uống trước khi ăn tức là khi uống thuốc phải để trống dạ dày (uống trước bữa ăn từ 1 – 2h) nếu bạn vừa ăn một lô quà vặt thì dù là trước bữa ăn thì lúc này cũng không phải là lúc trống dạ dày. Còn “uống sau khi ăn” tức là phải uống thuốc khi đã ăn no.
NẰM UỐNG THUỐC
Nằm uống thuốc, thuốc sẽ dễ bị dính vào vách thực quản, không những ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị mà còn có thể gây kích ứng thực quản, dẫn đến các triệu chứng như ho hoặc viêm cục bộ, nghiêm trọng hơn, có thể làm tổn thương vách thực quản, gây mầm mống cho bệnh ung thư thực quản. Bởi vậy, nên ngồi uống thuốc hoặc đứng uống thuốc.
NUỐT THUỐC KHÔ
Có một số người uống thuốc không uống nước mà nuốt luôn, điều này vô cùng nguy hiểm, một mặt có thể làm tổn thương thực quản, mặt khác do không có đủ nước để giúp làm tan thuốc, một số loại thuốc có thể sẽ kết thành sỏi ở trong cơ thể.
Nghiền thuốc hòa với nước uống
Đối với nhiều người bản thân không nuốt được thuốc hoặc sợ trẻ con uống thuốc bị mắc đã tự ý nghiền nhỏ thuốc hoặc hòa ra với nước rồi uống, làm như vậy không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị mà còn có thể tạo ra những phản ứng xấu của thuốc. Do đó, bạn không được làm như vậy, trừ khi có sự căn dặn của bác sĩ hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc ghi như vậy (thuốc đông y).
UỐNG THUỐC BẰNG NƯỚC NGỌT
Cách đúng nhất là uống thuốc với nước lọc ấm. Sữa, nước hoa quả, trà, coca, cà phê, rượu… đều có phát sinh tác dụng tương hỗ đối với thuốc, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
UỐNG THUỐC THẲNG TỪ CHAI
Trường hợp này thường gặp ở những loại thuốc nước hoặc hỗn hợp. Làm như vậy sẽ dễ làm thuốc bị nhiễm bẩn, tăng nhanh tốc độ biến chất, mặt khác không thể kiểm soát một cách chính xác lượng thuốc đưa vào cơ thể, vừa không đạt được hiệu quả điều trị, vừa làm tăng tác dụng phụ nếu uống quá liều.
UỐNG NHIỀU LOẠI THUỐC CÙNG MỘT LÚC
Khi uống nhiều loại thuốc cùng một lúc sẽ khó tránh khỏi những tác dụng tương hỗ giữa các loại thuốc, thậm chí còn có thể dẫn đến một số những điều phiền phức mà ta không thể lường trước.
UỐNG QUÁ NHIỀU NƯỚC
Làm như vậy sẽ làm giảm lượng acid có trong dạ dày, không có lợi cho việc hòa tan và hấp thụ thuốc. Thông thường, khi uống dạng thuốc viên, chỉ cần uống một cốc nước ấm nhỏ là đủ. Đối với những loại thuốc nước dạng ngọt, nên uống nước sau khi uống thuốc 5 phút.
UỐNG THUỐC XONG VẬN ĐỘNG NGAY
Sau khi uống thuốc, thông thường phải sau 30 - 60 phút thì dạ dày mới hấp thụ hết và mới phát huy tác dụng, trong giai đoạn này cần phải có đủ lượng máu tham gia. Việc vận động ngay sau khi dùng thuốc sẽ dẫn đến hiện tượng các cơ quan nội tạng không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết, làm giảm hiệu quả hấp thụ thuốc.
TRONG THỜI KỲ UỐNG THUỐC KHÔNG ĂN UỐNG TÙY TIỆN
Không phải chỉ có thuốc Đông y mà cả thuốc Tây y cũng chú trọng đến việc kiêng kị trong ăn uống khi đang dùng thuốc. Nếu ăn uống không hợp lý sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc, nghiêm trọng hơn, có thể còn nguy hiểm đến tính mạng. Ví dụ như: dùng thuốc hạ huyết áp, chống đau tim phải kiêng uống rượu và hút thuốc, kiêng ăn mặn…
NÊN THẬN TRỌNG KHI TỰ MUA THUỐC
Cơ hội để mọi người tự đi mua thuốc bên ngoài ngày càng nhiều. Tuy nhiên, khi bước vào cửa hàng thuốc, nhìn thấy biết bao nhiêu loại thuốc, bạn cần phải chú ý một số điểm dưới đây:
Trước khi đi mua thuốc nên hỏi qua bác sĩ
Có rất nhiều người bệnh đi mua thuốc mà chỉ dựa vào cảm giác của bản thân hoặc mua theo quảng cáo. Mua thuốc như vậy, có thể mua đúng và chữa khỏi bệnh nhưng cũng có thể mua sai khiến cho bệnh trở nên xấu đi, nhẹ thì không có tác dụng chữa bệnh, tiêu phí tiền, kéo dài tình trạng mắc bệnh, nặng có thể làm tổn thương đến cơ thể bạn. Bởi vì, có một số thuốc có nhiều tác dụng phụ, một số loại thuốc thậm chí còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của một số người bệnh. Bởi vậy, phương pháp mua thuốc một cách mù quáng như thế này không nên áp dụng. Khi người bệnh đến hiệu thuốc mua thuốc, trước tiên nên đến bác sĩ, sau khi khám xong hãy đi mua thuốc, như vậy mới có thể mua đúng thuốc.
Chú ý đến độ tuổi của người sử dụng
Phản ứng với thuốc của người già và trẻ nhỏ khá đặc biệt. Bởi vậy, khi mua thuốc cho người già hoặc trẻ nhỏ phải chú ý đến những tác dụng phụ của thuốc, khi sử dụng cũng phải cân nhắc thật kỹ về liều lượng, không được áp dụng liều lượng của người lớn thông thường.
Chú ý đến tình trạng sức khỏe của người bệnh
Có một số loại thuốc không thích hợp để dùng cho những người mắc bệnh có thể trạng yếu, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú… bởi vậy, khi mua thuốc phải căn cứ vào tình hình sức khỏe của người bệnh để lựa chọn những loại thuốc thích hợp.
Thận trọng với phụ nữ mang thai
Khi bạn mua thuốc cho những người phụ nữ đang trong thời kỳ sinh đẻ (nhất là những người phụ nữ có mang) phải đặc biệt chú ý bởi vì có rất nhiều loại thuốc có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Nếu đã có thai hoặc nghi ngờ đã có thai, tốt nhất nên mời bác sĩ đến kê đơn thuốc. Như vậy vừa có lợi cho việc chữa bệnh vừa có thể đảm bảo cho thai nhi được khỏe mạnh và an toàn.
CHÚ Ý XEM CÓ BỊ DỊ ỨNG THUỐC HAY KHÔNG
Có một số người dị ứng với một số loại thuốc, bởi vậy, khi mua thuốc, nên tránh mua những loại thuốc đó. Đồng thời, nên giải thích rõ với nhân viên bán thuốc để tránh việc họ không biết tình hình mà đưa ra những gợi ý khiến bạn mua nhầm thuốc.
Chú ý xem liệu còn có mắc thêm bệnh mãn tính nào không
Nếu bạn mắc cả bệnh mãn tính khác như: cao huyết áp, bệnh gan, bệnh thận hoặc bệnh đái đường, khi mua thuốc cần phải chọn mua các loại thuốc ít có tác dụng phụ đối với những bệnh đó để tránh việc dùng thuốc làm tình trạng bệnh mãn tính xấu đi.
ĐỀ PHÒNG MUA PHẢI THUỐC GIẢ, THUỐC KÉM CHẤT LƯỢNG
Những năm gần đây, các hiệu bán thuốc xuất hiện ngày càng nhiều, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Trong tình hình đó, có một số cửa hàng bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Bởi vậy, khi đi mua thuốc phải đặc biệt lưu ý. Đầu tiên, nên tìm những cửa hàng bán thuốc lớn bởi vì họ rất trọng chữ tín; Hai là nên kiểm tra kỹ hạn sử dụng xem còn hạn sử dụng hay không; Ba là kiểm tra xem loại thuốc mua có dấu hiệu của hàng giả hay hàng kém chất lượng hay không; Bốn là khi dùng thuốc, không nên dùng hết, nên giữ lại một ít, để làm chứng cứ nếu trường hợp xấu nhất xảy ra; Năm là sau khi mua thuốc nhất định phải lấy hóa đơn; Sáu là không nên tham đồ rẻ.
NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý KHI CẤT GIỮ THUỐC TẠI NHÀ
Chú ý nhãn hiệu thuốc
Những loại thuốc đã mua tốt nhất nên giữ nguyên nhãn mác. Những loại thuốc không có nhãn mác thì nên để trong những chiếc lọ sẫm màu, dán giấy bên ngoài ghi rõ tên thuốc, cách dùng, liều lượng dùng, tác dụng của thuốc và những điều chú ý khi dùng. Ngoài ra, còn phải ghi rõ ngày đóng thuốc vào lọ, ngày xuất xưởng, hạn sử dụng. Với những loại thuốc bôi ngoài, tốt nhất nên dùng nhãn màu đỏ hoặc dùng bút màu đỏ ghi rõ để phân biệt, tránh dùng nhầm.
Chú ý cách bảo quản thuốc
Thuốc nên được bảo quản ở chỗ râm mát, khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời, không nên để ở nơi ẩm thấp, nhiệt độ cao hoặc để trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời; Những thuốc uống trong và bôi ngoài nên để riêng để tránh dùng nhầm; những loại thuốc diệt côn trùng, giải độc không nên để lẫn với thuốc uống hoặc thuốc bôi ngoài để tránh ngộ độc; thuốc Đông y không nên để trong tủ lạnh.
Chú ý hạn sử dụng của thuốc
Những loại thuốc đã quá hạn sử dụng không những không có hiệu quả mà còn có thể phát sinh các tác dụng phụ xấu khác. Ví dụ như Vitamin C đã để 1 năm, không những hiệu quả của thuốc đã giảm một nửa mà còn có thể gây ra bệnh đái đường hoặc sỏi thận.
Cấp cứu tại nhà khi sử dụng nhầm thuốc
Người bệnh sau khi uống nhầm thuốc, người nhà không nên hoảng hốt. Trước tiên, phải xác định xem người bệnh đã uống nhầm loại thuốc nào để áp dụng các biện pháp cấp cứu tương ứng.
Nếu uống nhầm phải một lượng lớn thuốc ngủ, thuốc giảm đau, có thể dùng ngón tay hoặc đầu đũa đưa vào cổ họng để tạo cảm giác buồn nôn để nôn thuốc ra.
Nếu uống nhầm phải những loại thuốc trừ sâu, ngoài việc nôn thuốc ra cần phải đưa người bệnh đi bệnh viện để rửa dạ dày.
Nếu uống nhầm cồn iốt, phải uống ngay nước gạo đặc hoặc những hỗn hợp có chứa nhiều tinh bột, sau đó nôn ra. Chất tinh bột kết hợp với iốt sẽ tạo ra một hỗn hợp có màu xanh đen. Sau khi uống nhầm, phải uống hỗn hợp có chứa nhiều chất lắng và nôn ra nhiều lần, cho đến khi nào không còn nôn ra màu xanh đen chứng tỏ iốt trong dạ dày đã được nôn ra hết.
Sau khi cấp cứu xong, phải kịp thời đưa ngay người nhà đến bệnh viện, mang theo lọ, túi thuốc đã uống nhầm để bác sĩ tham khảo