Tự dùng thuốc điều trị bệnh khớp có thể nguy hiểm tới tính mạng
Loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp thậm chí tử vong là những tai biến thường thấy ở những bệnh nhân mắc chứng cơ xương khớp tự dùng thuốc mà không qua hướng dẫn của bác sĩ.
Thống kê từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), mỗi năm có đến hàng trăm bệnh nhân mắc cơ xương khớp phải nhập viện cấp cứu vì tai biến sau dùng thuốc. Đa số trường hợp là bệnh nhân mắc cơ xương khớp nhưng đồng thời có tiền căn các bệnh hen suyễn, bệnh mãn tính về tim mạch, thận, gan và nhiều nhất là đau dạ dày.
Theo Tiến sĩ Lê Anh Thư, Trưởng Khoa Nội cơ Xương khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy, nguyên nhân gây tai biến chủ yếu do thuốc trị cơ xương khớp.
Bà Thư cho biết, do biểu hiện đặc trưng của bệnh là đau nhức nên các thuốc chống viêm, giảm đau và hạ sốt được dùng để điều trị các đợt viêm khớp cấp tính và mãn tính là hợp lý, tuy nhiên cần phải dùng đúng thuốc đúng liều thì mới hiệu quả hoàn toàn.
“Hầu hết bệnh nhân cứ thấy đau là uống thuốc giảm đau, số khác sau một lần khám, nghe bác sĩ bảo bị bệnh khớp thì tự ý về nhà mua thuốc mà không tuân theo hướng dẫn, điều này hết sức nguy hại vì một số thuốc tuy trị bệnh khớp nhưng lại kích thích bệnh lý khác phát triển”, bà Thư nói.
Theo bà Thư, hiện có hai nhóm thuốc thường được người bệnh sử dụng. Thuốc giảm đau đơn thuần bao gồm Aspirin, Ldarac, Tramadol, Paracetamol... được bày bán rộng rãi tại các nhà thuốc. Nhóm thuốc này giúp hạ cơn đau nhức tạm thời, nhưng nếu lạm dụng dễ bị lờn thuốc hoặc cũng có thể gây các phần ứng phụ như nổi mày đay, đỏ da toàn thân...
Loại thứ hai thuộc nhóm kháng viêm đặc trị. Nhóm thuốc này mang lại kết quả điều trị cao nhưng rất dễ gây biến chứng, nhất là những bệnh nhân có sẵn bệnh tiêu hóa và tim mạch.
Còn theo bác sĩ Thái Thị Hồng Ánh, Khoa Nội cơ Xương khớp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nguy hiểm hơn cả là những trường hợp vì quá đau nhức nên uống cùng lúc nhiều thứ thuốc đặc trị khác nhau, hoặc sử dụng lại những đơn thuốc cũ hay đơn thuốc của một người khác có triệu chứng bệnh tương tự. Việc dùng thuốc như vậy đưa đến việc bệnh nhân vào viện trễ, bị những biến chứng nặng của bệnh hay phản ứng phụ nguy hiểm của thuốc, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Cách tốt nhất để tránh tai biến, theo bác sĩ Ánh là ngay từ khi phát hiện bệnh, bệnh nhân nên đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa cơ xương khớp để được tư vấn cụ thể loại thuốc nên dùng và liều lượng.
Hiện nay, để loại dân tình trạng gây tai biến, thị trường tân dược bắt đầu xuất hiện các loại thuốc kháng viêm có tính ức chế tai biến chuyên trị cơ xương khớp như Mobic, Celebrex, B-Nalgesin... Tuy nhiên theo các bác sĩ, việc dùng thuốc cần phải tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý, đặc điểm cơ thể và hoàn cảnh kinh tế của mỗi người. Cách tốt nhất vẫn là phòng bệnh.
Các biện pháp phòng bệnh và điều trị không cần thuốc:
- Chống các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động hàng ngày như ngồi xổm, ngồi bó gối. Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột, sai tư thế khi khuân vác nặng. Nên tập thể dục, thư giãn sau mỗi giờ lao động.
- Bổ sung calcium, phosphor, protid, vitamin B, C, D và tinh chất sụn có trong xương ống cho khẩu phần ăn.
- Tập thể dục đều đặn, vừa sức, không tăng áp lực cho khớp bằng các môn: Xe đạp, đi bộ, tập dưỡng sinh.
Bệnh lý xương khớp là quá trình lão hóa của các tế bào, do đó bệnh thường xảy ra ở người lớn tuổi.
Biểu hiện chính là chứng thoái hóa khớp và loãng xương. Tập trung nhiều ở phụ nữ từ sau tuổi mãn kinh. Trong đó, thoái hóa khớp chiếm 35% tổng số bệnh nhân mắc bệnh xương khớp.
Ở người trẻ, chứng viêm tủy xương, thấp khớp cấp, đau lưng, vẹo và dị tật cột sống cũng thuộc bệnh lý này.