Trúng nắng và trúng nóng
Nếu phải phơi vào sức nóng quá độ, người ta bị trúng nóng (trúng nắng), lả vì nóng, và vọp bẻ vì nóng. Người dễ bị hại vì sức nóng là: bị bất cứ một chứng bệnh nào, ghiền (nghiện) rượu, quá trẻ, hoặc quá già, cùng những người béo phệ.
Phòng ngừa
Những người phải làm việc ở nơi quá nóng thường toát mồ hôi nhiều. Đó là cách tự nhiên của cơ thể. Để giúp cơ thể được quân bình, nên uống thật nhiều nước.
Một số lớn muối trong cơ thể cũng bị mất đi theo mồ hôi nên gây ra chứng lả vì nóng cùng chứng vọp bẻ vì nóng, cũng trầm trọng như trúng nắng vậy. Lúc mới khởi đầu tập luyện, các lực sĩ thường bị chứng vọp bẻ này. Để bù đắp vào số muối bị tiêu mất, người làm việc toát mồ hôi nhiều nên thêm muối trong các bữa ăn. Có thể uống thêm muối viên có bán nơi các hiệu thuốc u Mỹ. Tốt hơn hết là nên trình bày công việc làm của mình cho bác sĩ để ông giúp ý kiến cho ta về số lượng muối cần phải dùng thêm mỗi ngày.
Các xưởng mỹ nghệ nên cho công nhân làm việc những nơi quá nóng uống thêm muối với nước lạnh để tránh những tai nạn nguy hiểm không cần thiết.
Cơ thể con người được mát lại là khi mồ hôi bốc hơi đi, vì vậy ta không nên mặc nhiều áo quần khi không thật cần thiết, cũng không nên mặc bó sát người quá. Hơi quạt và gió cũng giúp mồ hôi mau bốc hơi và cơ thể được mát.
Người làm việc ở chỗ quá nóng nên ăn những thức ăn dễ tiêu, bớt ăn thịt, trứng và nên tránh dùng chất béo như dầu, mỡ. Tránh dùng bắp thịt thái quá khi nắng gắt, và nên làm việc khi trời mát. Làm việc một lúc nên nghỉ mệt, đặc biệt là trong những ngày đầu phải làm việc ngoài nắng hay chỗ nóng. Nếu đã quen rồi, ít bị trúng nắng hơn.
Tránh việc phơi nắng giữa trưa, vì những tia tử ngoại cùng những quang tuyến khác rất nguy hiểm khi chúng dọi thẳng lên đầu ta. Nên đội nón (mũ). Hãy cố bảo vệ bộ phận điều hòa nhiệt độ của cơ thể ta bằng cách tránh dùng rượu, cà phê nước đá và trà nước đá.
Triệu chứng
Trúng nắng và trúng nóng đều có triệu chứng như nhau nhưng khác ở địa điểm làm việc.
Khi làm việc ngoài trời nắng, gọi là trúng nắng còn làm việc trong phòng quá nóng, gọi là trúng nóng.
Nếu thấy có những triệu chứng đầu tiên của trúng nắng hoặc trúng nóng, nên tìm chỗ mát để nghỉ ngay. Bị trúng nắng có phần nguy hiểm hơn, nên càng phải cẩn thận hơn.
Trước hết, người bị trúng nắng cảm thấy nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, tức thở, da và miệng đều khô, sau đó, bất tỉnh.
Có độ 25% nạn nhân chết vì bị trúng nóng nặng. Da và mặt đỏ rần. Mạch nhảy mau và mạnh. Nhiệt độ lên cao, thường từ 41 đến 43 hay trên nữa. Trong trường hợp nặng, nạn nhân bất tỉnh, cơ thể mềm nhũn nhưng thỉnh thoảng lại co quắp, động kinh.
Cấp cứu
Mời bác sĩ đến điều trị. Trong khi chờ đợi, nên đem nạn nhân vô mát ngay. Để y nằm yên, đầu và mình ngang nhau. Kế đó cổi bỏ quần áo ngoài của y ra và đắp bọc nước đá lên đầu ngay vì bộ óc chịu đựng sức nóng kém nhất.
Lấy vải ướt quấn mình nạn nhân rồi dội nước lạnh lên mình y. Sau vài phút dội nước như vậy nên ngưng lại để quan sát da. Nếu da nóng trở lại, nên tiếp tục dội nước nữa cho đến khi da trở về nhiệt độ bình thường mới thôi. Nên chà xát hoặc thoa bóp tay chân nạn nhân - bên ngoài vải ướt - hướng lần về phía tim để kích thích sự tuần hoàn. Nếu phải đưa nạn nhân đi bệnh viện, cứ tiếp tục điều trị như thế trong khi đi đường.
HÃY NHỚ: Không được cho nạn nhân trúng nắng uống chất kích thích.
Nếu nạn nhân đã tỉnh lại, có thể cho y uống nước mát.