Trúng độc
CÁC
chất độc là nguồn-gốc của biết bao tang tóc. Mỗi năm đều có hàng ngàn người phải chịu đau khổ, tàn tật và chết chóc, mà nếu để tâm nhận xét có thể sẽ chẳng bao giờ ta phải dự phần vào tấn thảm kịch này. Đây là mối hiểm họa khá thông thường đã xảy ra cho con người ở trong các hạng tuổi. Nếu là trẻ thơ, thường do rủi ro mà ra, còn trong lớp tuổi vị thành niên và trưởng thành, thường do cố ý đầu độc.
Trong mọi gia đình đều có những chất độc, có thứ rất nguy hại, chỉ đụng sơ đến là cũng đủ chết, có thứ tương đối ít độc, chỉ khi dùng một số lượng khá lớn mới nguy đến tính mạng. Có thứ được dán nhãn hiệu rõ ràng, có thứ không được ghi chú gì cả. Ai nấy đều biết các loại thuốc Aspirine, rất hữu ích trong việc giải nhiệt và giảm cơn đau nhức, nó không mang nhãn hiệu là độc dược, nhưng nó cũng là thủ phạm trong nhiều trường hợp đầu độc vì vô ý, mà nạn nhân thường là trẻ thơ vô tội.
Chúng ta không thể nào loại hết các chất độc ra khỏi nhà được, vì nó chiếm một phần quan trọng trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Nếu không có diêm quẹt, các loại sơn, mực, xà bông, si ra đánh giày, các viên long não, phấn thoa sảy, các loại thuốc tẩy, thuốc sát trùng, cả thuốc ho nữa v.v… thì chúng ta sẽ ra thế nào? Vì vậy chúng ta cần phân biệt những thứ nào là nguy hiểm cùng những thứ vô hại, và dùng chúng cho hợp cách, chúng sẽ trở nên vật hữu ích cho ta vậy.
Dùng các chai rượu, chai nước ngọt để đựng những chất độc hại như dầu xăng, dầu lửa (hỏa), acid v.v… là việc vô ý thức và thường gây những tai nạn chết người. Người ta có thể lấy uống chai thuốc độc kia mà không hề xem kỹ coi có uống được hay không, vì đã quen dùng chai ấy với thức uống thường ngày rồi. Một phần lớn tai nạn khác đã xảy ra vì người ta để những thứ có chất độc ở chỗ quá thấp hay vừa tầm vói lấy của trẻ con. Một bản thống kê nọ ghi rằng chất độc được liệt vào hàng thứ ba trong những tai nạn chết người trong gia đình, đặc biệt đối với trẻ dưới 14 tuổi.
Không nên để chất độc vừa tầm của trẻ con.
Những chất độc mà người ta hay dùng lầm gồm có:
1. Canh-ti-dót.
2. Thạch tín.
3. Dầu nóng.
4. Thuốc ngủ.
5. Dầu lửa, dầu xăng.
6. Thuốc giết sâu bọ, chuột v.v…
7. Các loại acid.
Phòng ngừa
Tuy đa số nạn nhân ngộ độc là trẻ thơ, nhưng người lớn lại có liên quan đến hầu hết trong các trường hợp kia. Vì đã quá quen thuộc với những vật dụng hằng ngày nên rất dễ lầm lẫn khi có một sự thay đổi nhỏ nhen bất thường xảy ra. Với những thứ thuốc quen thuộc ta dễ bị cám dỗ dùng nhiều hơn dược lượng mà bác sĩ đã ghi trong toa, với ý định sẽ mau lành hơn, và kết quả trái hẳn ý muốn ta. Ta cũng có thể bị nhiễm độc vì trúng phải thuốc DDT hoặc các loại hóa chất khác.
Dưới đây là một vài quy luật cần thiết mà mọi người cần tuân giữ, để tránh những chuyện rủi ro vô lý có thể mang tang tóc đến gia đình mình.
1. Thuốc uống. Loại bỏ các loại thuốc cũ đi. Phải giữ nhãn thuốc và bản chỉ dẫn cách dùng mới luôn. Đừng bao giờ đem thuốc này đựng trong chai khác. Đừng uống thuốc trong bóng tối. Đừng để những loại thuốc có bọc đường ở tầm vói của trẻ nhỏ.
2. Phải đọc kỹ nhãn thuốc. Phải bảo vệ nhãn thuốc bằng cách bọc ngoài với giấy trong. Phải độc nhãn dán lên chai thuốc ba lần mỗi khi dùng thuốc: (a) khi lấy chai khỏi tủ thuốc, (b) trước khi rót thuốc, (c) khi đặt chai thuốc trở vào tủ sau khi rót thuốc xong. Nếu có nghi ngờ chi, tốt hơn đừng dùng thuốc ấy.
3. Để các thứ thuốc độc riêng ra. Để các thứ thuốc có chất độc riêng ra và khóa lại cẩn thận. Các loại thuốc sát trùng, thuốc tẩy uế phải để vào chỗ trẻ con không vói tới được.
4. Rửa sạch rau cải và trái cây trước khi dùng, vì có thể những thứ này đã được bảo vệ bằng cách bơm thuốc sát trùng. Phải rửa cho sạch những chất độc này trước khi dùng.
5. Thuốc giết ruồi muỗi. Không nên dùng thường và chỉ dùng trong căn phòng thật thoáng khí. Đừng để thuốc dính vào da. Đừng hít bụi nước thuốc xịt ra. Đừng dùng thuốc nầy gần vật thực. Nếu phải đóng kín phòng lại để xịt thuốc, nên cho mọi người ra ngoài trước khi bơm, và sau khi bơm xịt xong, ta phải ra ngoài ngay.
6. Thuốc giết sâu bọ, giết cỏ. Càng ngày càng có nhiều người dùng loại thuốc này trong việc bảo vệ mùa màng. Khi dùng thuốc nên nhớ đứng trên gió để khỏi bị dính thuốc. Đừng hít bụi nước thuốc. Sau khi dùng thuốc rồi nên tắm rửa thật sạch.
7. Dạy bảo trẻ con. Khi con em được bốn hay năm tuổi, phải dạy cho chúng biết tầm nguy hiểm của việc lượm ăn các viên thuốc mà chúng có thể tìm thấy trong nhà và cả chung quanh nhà nữa. Dặn chúng đừng ăn những thứ lá và trái cây lạ, vì những thứ ấy có thể có chất độc rất mạnh đến làm chết người được. Dặn chúng chỉ dùng những thức ăn ta cho chúng ăn mà thôi. Con trẻ tín nhiệm ta và sẽ tuân theo lời dạy của ta.
Các triệu chứng
Có thể các triệu chứng không hiện ra sớm. Nạn nhân bị trúng độc thường đau bụng, buồn nôn, mửa và vọp bẻ. Nếu uống phải chất độc ăn mòn da thì miệng và lưỡi bị rộp hoặc nám. Còn các loại thuốc nhức đầu và thuốc ngủ làm nạn nhân lừ đừ, ngủ mê và có khi bất tỉnh.
Cấp cứu
Khi có người bị trúng độc, người cứu thương không nên phí phạm thì giờ, một phút trễ nải có thể đáng giá bằng một mạng người. Ta phải hành động cấp tốc theo thứ tự dưới đây:
1. Tìm chai thuốc mà nạn nhân đã uống,
nếu có chai thuốc ở kế. Cố nhận định thuốc ấy và độc tính của nó để giải độc đúng cách cho nạn nhân. Nếu không có chai thuốc ở bên cạnh nạn nhân, đừng phí thì giờ đi tìm nó, vì còn nhiều việc cần hơn phải được thi hành ngay.
2. Nhờ một bác sĩ ở gần nhà nhứt điều trị.
Nhớ cho bác sĩ biết càng nhiều chi tiết càng tốt. Đừng phí thì giờ quý báu để gọi bác sĩ thân thuộc nếu ông ở xa nhà.
3. Đưa nạn nhân đến bệnh viện nếu nhà ở gần bệnh viện.
Nhớ đem chai thuốc mà nạn nhân đã uống theo.
4. Làm loãng chất độc nếu ta biết rõ chất độc ấy.
Một chất độc bị làm loảng bằng một dung tích lớn chất lỏng khác không thấm vào người mau bằng chất độc nguyên chất. Nếu bao tử nạn nhân đầy, dễ làm cho mửa ra hơn.
5. Rửa sạch.
Khi đã lấy chất độc ra rồi, nó không còn làm hại được nữa. Cứ làm cho nạn nhân mửa nhiều lần cho đến khi nước mửa ra cũng trong khi uống vào mới thôi. Để giúp nạn nhân dễ mửa, cho uống hai ly sữa hay lòng trắng trứng, nước xà bông, nước muối, nước thuốc tiêu mặn, nước rửa chén. Nếu không sẵn những thứ này, có thể cho uống nước trong. Nếu có thứ này được pha ấm thì tốt hơn. Sau khi cho uống rồi, cho nạn nhân nằm ngửa lấy ngón tay thọc cổ họng để giúp họ mửa. Có thể phải cưỡng bách vì họ không bằng lòng uống các loại nước ở trên.
Khi đã rửa sạch bao tử, có thể cho nạn nhân uống thuốc giải độc, nếu có sẵn và biết dùng. Nhưng đừng phí thì giờ để tìm thuốc giải độc trước khi rửa bao tử. Sau khi bao tử đã trống có thể cho nạn nhân uống một muỗng súp thuốc xổ muối.
6. Chất acid và chất kiềm là những thứ làm mòn da,
chúng sẽ làm cháy và làm teo thực quản lại. Nên làm loãng trước khi giúp nạn nhân mửa ra.