Tràn Khí Màng Phổi
Tràn khí màng phổi là bệnh gì?
Tràn khí màng phổi xảy ra khi có không khí tràn vào giữa phổi và thành ngực. Hiện nay, tình trạng này được chia làm 2 loại đó là tràn khí màng phổi tự phát (đột ngột xảy ra ở người khỏe mạnh, chưa có tiền sử bị bệnh) và tràn khí màng phổi thứ phát (xuất hiện từ các biến chứng khác về phổi). Và tình trạng này nếu không được chữa trị kịp thời, có thể dẫn tới tử vong.
Căn bệnh này thường xuất hiện ở độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi, đặc biệt là thường gặp ở những người cao và gầy. Khi đó người bệnh có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.
Nguyên nhân gây ra tràn khí màng phổi là gì?
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây nên tràn khí màng phổi tự phát. Tuy nhiên, họ cho rằng nguyên nhân có thể do các bóng khí bị vỡ làm khí thoát ra và ứ đọng lại trong phổi. Đôi khi tràn khí màn phổi cũng có thể có tính chất di truyền.
Bên cạnh đó, tràn khí màng phổi thứ phát xuất hiện khi người bệnh đã từng mắc phải các bệnh phổi trước đó (hen suyễn, lao, ho gà, tắc nghẽn phổi mãn tính COPD,…). Hoặc có thể là do các chấn thương ở phổi hoặc ở ngực cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tràn khí màng phổi.
Ngoài những tác nhân đã nêu ở trên thì các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ bị tràn khí màng phổi, bao gồm:
- Giới tính: Nam giới thường mắc bệnh nhiều hơn nữ giới.
- Hút thuốc: Nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng nếu bạn hút thuốc thời gian càng lâu và càng nhiều.
- Di truyền: Một vài loại tràn khí màng phổi có thể có tính di truyền.
- Bệnh phổi: Nếu người bệnh đã mắc một số bệnh về phổi trước đó thì khả năng bị bệnh của họ sẽ tăng lên.
- Thông khí cơ học: Nếu người bệnh được giúp thở bằng máy, thì họ có khả năng bị tràn khí màng phổi.
- Hoặc đã từng bị tràn khí màng phổi trước đây.
Triệu chứng thường thấy ở tràn khí màng phổi là gì?
Thực tế hiện nay triệu chứng tràn khí màng phổi thường gặp nhất là thở nhanh và đau nhói ở ngực, đặc biệt là khi hít vào và thở ra. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như:
- Khó thở.
- Ngất xỉu.
- Da xanh xao.
- Dễ mệt mỏi.
- Nhịp tim nhanh.
Cách điều trị tràn khí màng phổi như thế nào?
Hiện nay để điều trị căn bệnh trên thường phụ thuộc vào mức độ tràn khí màng phổi và nguyên nhân gây bệnh. Thông thường đối với những trường hợp bị tràn khí màng phổi ở mức độ nhẹ có thể điều trị bằng cách để cơ thể tự hít thở. Còn đối với những trường hợp ở mức độ nặng hơn, khi đó có thể dùng một ống tiêm hoặc ống dẫn lưu có thể được đặt vào ngực để lấy không khí ra. Tuy nhiên nếu lỗ thủng lớn hơn, người bệnh có thể có thể phải giữ nguyên ống trong vài ngày để giữ cho phổi phồng ra cho tới khi lỗ thủng lành lại. Và nếu trong trường hợp các phương pháp trên vẫn không có hiệu quả, khi đó bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh sẽ phải phẫu thuật để ngăn khí tiếp tục tràn vào phổi.