Tổng quan về ung thư cổ tử cung

Tổng quan về ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là bệnh gì?

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ trên thế giới. Tuy nhiên, người bệnh có thể giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung nếu làm xét nghiệm Pap thường xuyên. Ngoài ra, căn bệnh này có thể chữa khỏi nếu được phát hiện bệnh sớm. Ngày nay, có rất nhiều phương pháp khác nhau có thể giảm nguy cơ mắc bệnh, vì thế số trường hợp mắc bệnh trên thế giới đang giảm dần.

Ung thư cổ tử cung xuất hiện là do các tế bào ở cổ tử cung (phần dưới của tử cung) phát triển quá mức kiểm soát của cơ thể gây ra. Khi đó các tế bào mới này phát triển quá nhanh và tạo ra khối u trong cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung được làm hai loại: Ung thư tế bào vảy và Ung thư tuyến. Trong đó ung thư tế bào vảy là loại phổ biến nhất.

Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung là gì?

Hiện tại nguyên nhân chủ yếu gây ra ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra thông qua quan hệ tình dục.

Thực tế có hơn 100 loại virus HPV, nhưng hầu hết đều vô hại. Và hầu hết mọi người đều nhiễm HPV ở một thời điểm nào đó trong đời. Một số loại HPV có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, một số có thể gây ra mụn cóc sinh dục hoặc có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Hai chủng virus HPV (HPV 16 và HPV 18) chiếm 70% tất cả các trường hợp bị ung thư cổ tử cung và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nên bệnh nhân thường không thể biết họ có bị nhiễm virus hay không.

Tuy nhiên, bác sĩ có thể phát hiện virus HPV thông qua xét nghiệm Pap, và đây là lý do tại sao xét nghiệm Pap rất quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Vì xét nghiệm này có thể xác định các tế bào bất thường trước khi chúng trở thành ung thư. Nếu bệnh được phát hiện sớm thì bác sĩ có thể cắt bỏ các tế bào bị tổn thương, và nguy cơ khỏi bệnh của bệnh nhân là rất cao.

Sau đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung bao gồm:

  • Nhiễm virus HPV: Quan hệ tình dục với nhiều người có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HPV 16 và 18.
  • Hút thuốc: Thuốc lá chứa nhiều hóa chất có thể gây hại cho cơ thể. Đối với những phụ nữ hút thuốc thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc.
  • Ức chế miễn dịch: Thuốc hay các bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), virus gây ra bệnh AIDS, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng HPV và dẫn đến ung thư cổ tử cung.
  • Nhiễm chlamydia: Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung sẽ tăng cao nếu nhiễm chlamydia.
  • Ăn ít trái cây và rau quả: Phụ nữ ăn không đủ các loại trái cây và rau quả cũng có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung.
  • Thừa cân: Phụ nữ thừa cân có nhiều khả năng bị ung thư cổ tử cung.
  • Sử dụng thuốc tránh thai lâu dài: Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh uống thuốc ngừa thai trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
  • Sử dụng thiết bị trong tử cung: Trong một nghiên cứu gần đây cho thấy những phụ nữ từng sử dụng dụng cụ tử cung (IUD, một thiết bị được đưa vào tử cung để ngăn ngừa mang thai) cũng có thể gia tăng nguy cơ bị ung thư cổ tử cung.
  • Mang thai nhiều: Những phụ nữ mang thai 3 lần hoặc nhiều hơn sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung.
  • Mang thai lần đầu khi dưới 17 tuổi:

    Phụ nữ dưới 17 tuổi mang thai lần đầu sẽ có khả năng mắc bệnh gấp 2 lần so với người bình thường.
  • Hoàn cảnh sống khó khăn: Phụ nữ nghèo đói sẽ không thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ, bao gồm cả xét nghiệm Pap.
  • Diethylstilbestrol: Diethylstilbestrol là thuốc nội tiết tố dùng để ngăn ngừa sảy thai. Được các sản phụ dùng trong thời kỳ mang thai cũng có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung. Và con gái của họ cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này.
  • Bệnh sử gia đình: Người thân trong gia đình bị ung thư cổ tử cung hoặc ung thư vú.
  • Di truyền: Nếu mẹ hoặc chị em bị ung thư cổ tử cung, nguy cơ mắc bệnh của các thành viên còn lại sẽ tăng lên 2-3 lần cao hơn so với người bình thường.

Những triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung là gì?

Ở giai đoạn đầu, phụ nữ bị ung thư cổ tử cung và tiền ung thư thường không xuất hiện triệu chứng, chỉ đến khi khối u phát triển lớn hoặc ảnh hưởng đến một số chức năng trong cơ thể thì các triệu chứng mới xảy ra. Sau đây là các triệu chứng phổ biến của ung thư cổ tử cung bao gồm:

Chảy máu bất thường từ âm đạo, chẳng hạn như chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, thời gian dài hơn so với chu kỳ bình thường, chảy máu trong hoặc sau khi quan hệ, mãn kinh, đi vệ sinh hoặc khám phụ khoa.

Đau ở bụng dưới hoặc xương chậu.

Đau khi quan hệ tình dục.

Tiết dịch âm đạo bất thường, chẳng hạn như có ít máu từ dịch âm đạo tiết ra.

Ngoài ra, một số bệnh khác, chẳng hạn như nhiễm trùng, cũng có thể gây ra các triệu chứng giống với ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, cho dù nguyên nhân gì, thì người bệnh cũng nên đến bác sĩ để kiểm tra các triệu chứng. 

Ngoài ra, phụ nữ nên thường xuyên làm xét nghiệm tầm soát ung thư như xét nghiệm Pap và khám phụ khoa có thể phòng ngừa bệnh tốt hơn.

Những kỹ thuật y tế dùng để chẩn đoán bệnh ung thư cổ tử cung là gì?

Hiện nay, bác sĩ thường sử dụng xét nghiệm Pap để chẩn đoán ung thư cổ tử cung. Vì thế nếu phát hiện các tế bào bất thường, bác sĩ sẽ cho người bệnh thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu hơn để chẩn đoán ví dụ như sinh thiết.

Ngoài ra, người bệnh nên khám bác sĩ phụ khoa nếu có kết quả kiểm tra bất thường hoặc nếu bác sĩ thấy có khối u bên trong cổ tử cung hoặc nếu họ bị chảy máu bất thường.

Không phải trường hợp nào bị chảy máu từ âm đạo đều là do ung thư cổ tử cung gây ra mà có thể là do bệnh chlamydia (đây là một trong những lý do phổ biến nhất khiến phụ nữ bị chảy máu âm đạo bất thường). Vì thế, bác sĩ có thể cho bệnh nhân kiểm tra để xem họ đang mắc phải căn bệnh nào.

Một số xét nghiệm khác cần thiết để giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh ung thư cổ tử cung, bao gồm:

  • Soi cổ tử cung: Bác sĩ sẽ đưa một kính nhỏ có ánh sáng ở đầu để quan sát cổ tử cung.
  • Sinh thiết khoét chóp: Bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật này trong tình trạng bệnh nhân bị gây tê để lấy một mẫu mô ở cổ tử cung hình nón và quan sát dưới kính hiển vi. Bệnh nhân có thể bị chảy máu âm đạo đến bốn tuần sau khi làm thủ thuật.

Sau khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh, khi đó bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra xem ung thư đã ở giai đoạn nào. Những xét nghiệm này có thể bao gồm:

  • Kiểm tra tử cung, âm đạo, trực tràng và bàng quang cho bệnh ung thư. Bệnh nhân sẽ được giảm đau khi thực hiện các thủ thuật này.
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra xương, máu và thận.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan), cộng hưởng từ (MRI), X-quang và chụp cắt lớp phóng xạ (PET scan). Xét nghiệm bằng hình ảnh giúp bác sĩ xác định khối ung thư và xác định xem liệu các tế bào ung thư đã lan rộng chưa.

Những phương pháp điều trị bệnh ung thư cổ tử cung như thế nào?

Cho đến nay, quá trình điều trị căn bệnh này rất phức tạp, vì vậy nếu căn bệnh này được phát hiện sớm thì khả năng chữa trị là rất cao, nhưng đa số các bệnh nhân thường phát hiện được bệnh ở giai đoạn tiến triển.

Nhìn chung, hiện có ba phương pháp điều trị chính cho ung thư cổ tử cung bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.

Phẫu thuật

Trong phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt bỏ khối ung thư, bao gồm:

  • Cắt bỏ cổ tử cung:

    Bao gồm phần cổ tử cung, mô xung quanh và phần trên của âm đạo, nhưng giữ lại phần tử cung.
  • Cắt bỏ tử cung:

    Bao gồm cổ tử cung và tử cung. Bác sĩ có thể cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng tùy thuộc vào giai đoạn ung thư. Bệnh nhân sẽ không thể có con.
  • Đoạn chậu:

    Đây là một phẫu thuật lớn, trong đó cổ tử cung, âm đạo, tử cung, bàng quang, buồng trứng, ống dẫn trứng và trực tràng được loại bỏ.

Xạ trị

Ở giai đoạn đầu của bệnh, bệnh nhân có thể được điều trị duy nhất bằng xạ trị hoặc kết hợp với phẫu thuật. Sau đó, khi ung thư đã tiến sang giai đoạn sau, bác sĩ có thể đề nghị xạ trị kết hợp với hóa trị liệu để giảm chảy máu và đau đớn cho họ.

Trong điều trị này, bác sĩ sẽ chiếu tia xạ vào cơ thể. Máy chiếu tia xạ có thể đặt ở bên ngoài hoặc trong cơ thể hay có thể kết hợp cả hai phương pháp này trong một số trường hợp. Một đợt xạ trị thường kéo dài khoảng 5 - 8 tuần.

Hóa trị

Bệnh nhân có thể tiến hành hóa trị hoặc kết hợp với xạ trị để điều trị ung thư cổ tử cung. Ở giai đoạn sau, bác sĩ thường sử dụng phương pháp để ngăn ngừa ung thư phát triển rộng hơn. Ngoài ra, bác sĩ sẽ tiêm thuốc vào cơ thể qua đường tĩnh mạch.

Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ có thể kiểm soát ung thư cổ tử cung nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Nhờ sự trợ giúp về vật chất lẫn tinh thần từ gia đình, bạn bè hoặc nhân viên tư vấn và tham gia các nhóm hỗ trợ người bị bệnh ung thư cổ tử cung.
  • Xét nghiệm Pap là cách tốt nhất để tìm tế bào thay đổi hay virus HPV ở cổ tử cung. 
  • Nếu dưới 26 tuổi, cần tiêm chủng ngừa HPV, vắc xin chống lại HPV 16 và HPV 18 - hai loại virus có thể gây ung thư cổ tử cung.
  • Tránh bị nhiễm virus HPV bằng cách quan hệ tình dục an toàn, chẳng hạn như sử dụng bao cao su và hạn chế số lượng bạn tình.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...