Tổng hợp các chứng Đau Đầu

Tổng hợp các chứng Đau Đầu

a. Kiến thức chung

- Đau đầu là tên gọi rất chung chung. Có thể là một cảm giác chỉ hơi hơi khó chịu trong đầu, cho đến những cơn đau nhức đến quên trời quên đất, khủng khiếp đến độ mà sau này mỗi khi nhớ lại thôi cũng đủ để làm bạn phải thấy... Đau đầu.

- Đau đầu xuất hiện hầu như ở mọi độ tuổi, giới tính, và nó ập đến với chúng ta bất ngờ không cần phải có một triệu chứng, dấu hiệu nào báo trước. Riêng ở Hoa Kỳ, người ta đã thống kê được có đến hơn 30 phần trăm người Mỹ phải chịu đựng những cơn đau đầu hàng năm. Đây là một trong số rất ít những chứng bệnh mà hầu như bất cứ ai trong chúng ta cũng đều đã tự mình trải qua ít nhất là một vài lần.

- Để xử lý tốt khi đau đầu, những kiến thức chung nhất đầu tiên là phải biết phân biệt một số các trường hợp đau đầu khác nhau. Có ít nhất là 8 loại đau đầu thông thường và khác biệt nhau cần phân biệt khi xử lý bệnh.

1. Đau đầu do căng thẳng:

- Là hiện tượng đau đầu thường mắc phải sau một ngày làm việc quá căng thẳng hoặc gặp quá nhiều chuyện bực mình. Những nguyên nhân tương tự khác cũng có thể là khi một máy hát trong gia đình mở quá to, và yêu cầu vặn nhỏ lại của bạn bị từ chối một cách đáng bực mình, hoặc cũng có thể là khi bạn lao sâu vào công việc và quên cả việc nghỉ ngơi hoặc thư giãn đúng lúc. Loại đau đầu này làm cho bạn có cảm giác đau cả đầu, chứ không phải chỉ một phần nào đó.

- Đôi khi người ta mô tả những cơn đau này là giống như có một tảng đá nặng đè từ trên đầu xuống, hoặc có một vòng đai bao quanh đầu cứ liên tục siết chặt lại.

- Cơn đau đầu loại này khi đã xuất hiện có thể kéo dài đến một vài ngày, và cũng có thể lặp lại đôi ba lần trong một tuần hoặc một tháng. Trong khi đau đầu, nhiều người có kèm theo cảm giác buồn nôn, nhưng rất hiếm khi thực sự xảy ra việc nôn mửa.

- Tuy những người đau đầu loại này cũng có thể có cảm tưởng là đáng sợ lắm, nhưng thực tế chúng không nghiêm trọng mấy và ít khi gây ảnh hưởng ngưng trệ đến công việc thường ngày.

2. Đau nửa đầu:

- Thông thường, người bệnh cảm thấy đau ở nửa đầu phía trước, kèm với một cơn đau thỉnh thoảng nhói lên ở một bên đầu, gần thái dương. Ngay cả khi cảm giác đau dường như lan tỏa ra khắp đầu, người bệnh vẫn cảm thấy có những cơn nhói đau đều đặn, dồn dập. Đau đầu loại này thường là đau khủng khiếp, nhưng ít khi kéo dài quá 2 ngày, và những cơn đau như thế thường không để lại cảm giác đau đớn nào sau khi chấm dứt. Giữa hai cơn đau thường cũng chẳng có triệu chứng gì rõ rệt.

Khi cơn đau đầu loại này lên cao cực điểm, người bệnh có thể nhìn thấy trước mắt mình như có một quầng sáng lạ bao quanh các vật thể bình thường. Người bệnh có cảm giác buồn nôn và có thể nôn mửa, rất nhạy cảm với ánh sáng, và đôi khi cũng có thể đi tiêu chảy nữa.

- Một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy chứng đau nửa đầu có liên quan đến các tiểu huyết cầu trong máu. Các tiểu huyết cầu này bình thường có chức năng tạo thành quá trình đông máu, chống lại sự mất máu của cơ thể khi có những vết cắt ngoài da. Khi những tiểu huyết cầu này hoạt động không bình thường, chúng tạo thành những cục máu đông nhỏ gây tắc nghẽn trong lưu thông của máu, và hậu quả là những cơn đau nửa đầu. Đối với nguyên nhân này, một giải pháp đơn giản có thể giúp mang lại hiệu quả rất bất ngờ đó là cho người bệnh dùng một lượng aspirin nhỏ đều đặn mỗi ngày. Theo giải thích của các nhà nghiên cứu, aspirin can thiệp vào khả năng làm đông máu của các tiểu huyết cầu trong trường hợp này, và vì thế giải quyết được những cơn đau nửa đầu. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý là giải pháp này hoàn toàn không thích hợp với các bệnh nhân có vấn đề về bao tử.

Bác sĩ Kenneth Weaver ở Johnson City, tiểu bang Tennessee, Hoa Kỳ cũng đã đề xuất một giải pháp trị liệu bằng magnesium. Theo ông, magnesium làm giãn nở các mạch máu, nhờ đó tăng khả năng lưu thông của máu, đồng thời còn làm giảm khả năng sản sinh ra một chất gọi là thromboxane, vốn bị nghi ngờ là tác nhân làm gia tăng cơn đau nửa đầu.

3. Đau đầu xoang:

- Là trường hợp đau đầu do sự tích tụ các chất dịch và áp suất cao ở những hốc xoang bên trong sọ. Vì thế, người bệnh cảm thấy như có một sức ép rất căng bung ra từ bên trong đầu, dường như đầu mình sắp nổ tung ra vậy. Nhiều bệnh nhân mắc phải loại này cảm thấy rất căng ở sau hốc mắt, một đường ngang qua trán bên trên lông mày, hoặc ngang qua mũi và ngay bên dưới mắt. Có người thậm chí còn có cảm giác đầy nghẹt trong hai lỗ tai.

- Loại đau đầu này đặc biệt là đau kịch liệt vào buổi sáng nhưng đỡ hơn nhiều vào buổi chiều. Nó cũng chịu ảnh hưởng của thời tiết, thường là bị nặng hơn trong những điều kiện thời tiết lạnh và ẩm ướt.

4. Đau đầu khi đói:

- Không phải ai cũng có loại triệu chứng này. Một số trường hợp khi bạn quá đói và phải chờ đợi lâu chưa được ăn, cũng khiến bạn đau đầu. Đây là một dấu hiệu của cơ thể đòi hỏi được cung cấp thức ăn.

5. Đau đầu do nóng:

- Là trường hợp đau đầu sau khi bạn phải ở quá lâu dưới ánh nắng gắt, hoặc trong những điều kiện nhiệt độ môi trường quá cao. Đau đầu trong trường hợp này chỉ là một phản ứng rất thông thường của cơ thể đối với môi trường.

6. Đau đầu do dùng thuốc:


- Một số loại thuốc điều trị bệnh có tác dụng phụ gây đau đầu. Ngoài ra, kết hợp đồng thời các loại thuốc đôi khi cũng có tác dụng gây đau đầu, cho dù khi dùng riêng mỗi loại không có tác dụng đó. Đặc biệt là uống rượu trong khi dùng thuốc cũng có thể phát sinh đau đầu ngoài sự tiên liệu của bác sĩ.

7. Đau đầu chuỗi:

- Trường hợp đau đầu này khá đặc biệt, không như những trường hợp đau đầu thông thường vừa kể. Cơn đau đến rất nhanh và kéo dài chỉ trong chừng 1 giờ đồng hồ. Đau dữ dội, đôi khi làm người bệnh mất khả năng làm việc, và cơn đau thường ở nơi nhiều điểm như đỉnh đầu, mắt, cổ, mặt và thái dương.

- Mặc dù cơn đau rất nhanh chóng qua đi, nhưng nó cũng nhanh chóng quay lại, và thường là liên tục trong nhiều ngày.

- Loại đau đầu này thường gặp ở nam giới nhiều hơn là phụ nữ. Người bệnh thường chịu đựng từng chuỗi liên tục những cơn đau trong nhiều ngày tiếp, rồi đến giai đoạn tự nhiên khỏi hẳn không để lại dấu hiệu khác thường nào, thường là kéo dài nhiều tuần lễ, hoặc thậm chí là nhiều tháng. Sau đó, những cơn đau trở lại, cũng đột ngột như khi chúng dứt đi. Chu kỳ những chuỗi dài những cơn đau như vậy cứ lặp đi lặp lại không chấm dứt.

8. Đau đầu do huyết áp cao:

- Là trường hợp đau đầu mắc phải khi huyết áp tăng lên quá cao. Sự gia tăng áp lực máu trong đầu tạo ra cơn đau đầu.

b. Những điều nên làm

- Điều trị đau đầu với sự theo dõi, hướng dẫn của bác sĩ là cần thiết. Tuy nhiên, một số hiểu biết nhất định sẽ cho phép bạn có hướng xử lý đúng đắn và tự tin hơn khi đối mặt với những cơn đau đầu của chính mình hoặc của người thân trong gia đình. Tùy theo trường hợp đau đầu nào trong những trường hợp đã kể trên, bạn sẽ có những lời khuyên khác nhau như dưới đây.

1. Đau đầu do căng thẳng:

- Điều lý tưởng nhất là dẹp bỏ hoặc tránh xa mọi nguyên nhân gây căng thẳng. Thật không may là trong thực tế thì lời khuyên này đôi khi không thể nào thực hiện được. Trong trường hợp đó, nên áp dụng một số những biện pháp làm giảm căng thẳng như:

- Hít thở sâu và đếm từ 1 đến 10 theo hơi thở. Vươn vai và thư giãn tất cả mọi cơ bắp trong một lúc. Đi dạo một quãng ngắn ở một nơi thích hợp như trong công viên hoặc một đại lộ thoáng rộng nào đó. Chọn nghe một vài khúc nhạc nhẹ, êm dịu trong một không gian thích hợp. Thực hiện một số động tác thể dục quen thuộc thường ngày để giúp tăng lượng máu lưu thông trong cơ thể và điều hòa hơi thở.

- Tập ngồi thiền hoặc cầu nguyện với tâm hồn buông xả tất cả mọi lo lắng, bực tức.

- Dùng những ngón tay tự xoa nhẹ hai bên thái dương và trên trán. Làm như vậy giúp gia tăng lượng máu chảy đến những vùng này và làm giảm phần nào cơn đau.

- Tránh không nhai kẹo cao-su. Cử động liên tục của các cơ hàm sẽ làm tăng thêm cơn đau đầu của bạn.

- Đắp khăn nóng lên vai và cổ để làm giãn ra các cơ ở những vùng này. Đắp khăn nóng lên đầu và trán cũng có hiệu quả giảm đau nhất định.

- Trong trường hợp đắp khăn nóng không có hiệu quả gì, bạn có thể chuyển sang dùng khăn lạnh (hoặc chườm nước đá) đắp lên đầu, trần và cổ. Không có một quy tắc chung, mà điều quan trọng là tùy thuộc vào phản ứng của chính cơ thể bạn. Đôi khi ngồi trước quạt máy với tốc độ vừa phải cũng giúp giảm cơn đau.

- Nếu cơn đau không lên đến mức quá nghiêm trọng, bạn có thể thực hiện một số động tác thể dục thông thường. Các bài luyện tập thân thể thường giúp bạn bớt căng thẳng hơn, đồng thời giúp cơ thể tạo ra một lượng endorphin - một loại chất giảm đau tự nhiên trong cơ thể - giúp giảm nhẹ cơn đau. Ngoài ra, các động tác này cũng giúp gia tăng lượng máu lưu thông trong cơ thể, đặc biệt là ở phần đầu và trong sọ não. Chính lượng máu tăng thêm sẽ giúp giảm nhẹ phần nào cơn đau.

- Cố dỗ giấc ngủ. Trong rất nhiều trường hợp, chỉ cần một giấc ngủ ngắn cũng đủ giúp bạn hồi phục lại và thoát hẳn cơn đau đầu. Tuy nhiên, cũng không nên ngủ quá lâu. Đối với một số người, nằm lì trên giường ngủ cũng là một trong những nguyễn nhân dẫn đến đau đầu.

- Các thuốc giảm đau thông thường như aspirin hoặc acetaminophen có thể dùng được, nhưng đừng bao giờ dùng quá liều an toàn quy định, cho dù cơn đau của bạn có dữ dội đến mức nào đi chăng nữa.

- Kiểm tra thị lực của mắt bạn. Trong một số trường hợp, thị lực kém là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến đau đầu. Lý do là vì người mắt kém phải thường xuyên nhướng mắt lên hoặc nheo một mắt lại để nhìn cho rõ. Những động tác này lâu dần dẫn đến cơn đau đầu. Khám để điều trị mắt hoặc sử dụng một loại kính đeo mắt thích hợp sẽ ngăn chặn được điều này.

- Đau đầu cũng có thể có nguyên nhân từ các vấn đề ở hàm răng. Khi bạn khám răng, hãy trình bày với nha sĩ về chứng đau đầu của bạn. Nếu đúng vậy, điều cần làm không phải là trị cơn đau đầu mà là giải quyết những vấn đề nơi hàm răng của bạn. Sau đó, cơn đau đầu sẽ không còn nữa.

2. Chứng đau nửa đầu:

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến loại đau đầu này. Điều trước tiên là bạn hãy thử xác định nguyên nhân ấy. Có thể là do một loại thức ăn, hoặc do một điều kiện, một hoàn cảnh nào đó. Cách tốt nhất để bắt đầu làm việc này là theo dõi chặt chẽ những thức ăn và ghi lại lịch làm việc hàng ngày. Khi cơn đau nửa đầu bộc phát, bạn có thể nhìn lại sổ ghi chép của mình và thấy rõ trong hai ngày trước đó bạn đã ăn những thức ăn gì, đã làm những công việc gì, tiếp xúc như thế nào với những ai... Hoặc bất cứ thông tin nào khác mà bạn nghĩ là có thể đã phần nào tác động gây nên cơn đau đầu của bạn. Đối với phụ nữ, cần ghi nhận cả ngày bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng và ngày chấm dứt, bởi vì sự thay đổi hàm lượng các nội tiết tố trong thời gian có kinh cũng có thể là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến đau nửa đầu. Sau nhiều cơn đau đầu với những thông tin được ghi chép lại như thế, bạn có thể tự mình tìm ra một mối quan hệ nào đó giữa các yếu tố được ghi chép với cơn đau đầu của bạn, dựa trên sự lặp lại của chúng. Nếu bạn đủ may mắn để xác định đúng được những yếu tố nào là nguyên nhân, thì việc còn lại chỉ là tránh chúng đi mà thôi. Trong nhiều trường hợp thì phương pháp này cũng tỏ ra rất hữu hiệu. Một số thức ăn qua thực tế đã chứng tỏ có thể dẫn đến cơn đau nửa đầu như là thức uống có cồn hoặc cafein, thức ăn chứa nhiều muối... Tuy nhiên, phản ứng thực sự của cơ thể bạn vẫn là yếu tố quyết định cuối cùng.

- Cố dỗ giấc ngủ. Cơn đau nửa đầu thường hiếm khi kéo dài quá 2 hoặc 3 ngày, và trong thời gian đó, những giấc ngủ say có thể giúp nhanh chóng thoát khỏi cơn đau.

- Tránh ánh sáng chói chang, nhất là ánh sáng chiếu trực tiếp. Ánh sáng với cường độ mạnh có thể làm tăng thêm cơn đau nửa đầu. Bạn có thể sử dụng đèn hơi mờ trong phòng, và nếu phải đi ra ngoài thì nên mang kính mát, đội mũ rộng vành để che được cả khuôn mặt.

- Cố gắng giữ chế độ ăn uống điều độ, đúng bữa. Những bữa ăn thất thường cũng có thể là nguyên nhân làm gia tăng những cơn đau nửa đầu.

- Một số người thấy giảm đau khi được đắp khăn nóng đắp lên đầu, trán, cổ và vai; một số người khác lại chỉ thấy dễ chịu với khăn lạnh. Hãy lưu ý bằng kinh nghiệm bản thân để biết được cơ thể bạn thích hợp với loại nào. Đặc biệt cũng có một số người cảm thấy dễ chịu khi dùng thay đổi tuần tự cả hai loại khăn nóng và khăn lạnh.

- Thử dùng một trong các loại thuốc giảm đau thông thường như aspirin hoặc acetaminophen. Tuy nhiên, với những cơn đau dữ dội, các bác sĩ thường kê toa những loại thuốc mạnh hơn nhiều. Khi dùng những loại này, phải cẩn thận theo sát hướng dẫn của bác sĩ. Nên dùng thuốc ngay khi cơn đau bắt đầu, càng sớm càng tốt, để tránh cơn đau có thể phát triển lên quá mức.

- Nếu cơn đau đầu gây ra các triệu chứng khác như nôn mửa hoặc đi tiêu chảy, nên uống nhiều nước lọc. Có thể dùng một trong các loại thuốc thông thường để ngăn chặn các triệu chứng này.

3. Đau đầu xoang:

- Nằm ngửa hoặc ngồi ngả đầu ra sau trên ghế tựa và đắp khăn nóng lên mặt, mũi, gò má hoặc trán, nơi cảm thấy đang đau nhất.

- Tắm xông hơi hoặc tắm nước nóng.

- Uống nhiều nước lọc, càng nhiều càng tốt theo mức độ mà bạn cảm thấy có thể được.

4. Đau đầu vì đói:

- Tất nhiên, bạn nghĩ là sẽ chẳng có gì để nói ở đây, chỉ việc ngồi vào bàn ăn và mọi chuyện sẽ ổn. "Tuy nhiên, vẫn có điều cần phải lưu ý đấy. Khi đang có triệu chứng đau đầu - nghĩa là đã quá đói - bạn nên tránh dùng ngay các món có nhiều muối hoặc các món chiên, xào có nhiều dầu. Nên ăn trước hết là một ít trái cây hoặc rau cải, uống một ít thức uống có ga. Một ly cam vắt vào lúc này là rất tốt. Hãy giúp cơ thể bạn trở lại trạng thái bình thường trước khi buộc nó phải tiêu hóa một bữa ăn quá cỡ. Và tốt hơn nữa, nếu bạn đã một đôi lần có triệu chứng đau đầu loại này, đừng bao giờ để bao tử phải chờ đợi quá lâu một lần nữa.

5. Đau đầu do nóng:

- Tìm một chỗ mát để tránh ánh nắng. Nghỉ ngơi, uống một ly nước mát - không nên quá lạnh - và có thể mở quạt máy với vận tốc vừa phải, cho đến khi bạn thấy cơ thể được bình thường trở lại.

- Khi phải tiếp tục đi dưới ánh nắng, nên đội mũ rộng vành để che được cả khuôn mặt. Mặc quần áo bằng vải nhẹ và rộng rãi, chọn màu sáng. Nếu có thể, nên có những khoảng thời gian nghỉ ngơi xen kẻ và uống thật nhiều nước để giúp cơ thể dễ dàng duy trì thân nhiệt ở mức độ bình thường.

6. Đau đầu do dùng thuốc:

- Trình bày với bác sĩ đã kê toa cho bạn để xác định xem có phải cơn đau đầu là do tác dụng phụ của thuốc hay không, và đề nghị việc xem xét thay đổi một loại thuốc khác, hoặc cũng có thể giảm liều dùng xuống một mức an toàn hơn. Tuy nhiên, tuyệt đối không được tự ý đổi thuốc hoặc thay đổi liều dùng mà không có ý kiến của bác sĩ.

- Nếu bạn muốn dùng một loại thuốc nào đó không do bác sĩ kê toa, hãy đọc kỹ các nhãn thuốc và phần ghi các tác dụng phụ, xem chúng có thể gây đau đầu hay không.

- Không uống rượu, bia hoặc các loại thức uống có cồn trong khi đang uống bất cứ loại thuốc trị bệnh nào. Tác dụng kết hợp của rượu và thuốc đôi khi rất phức tạp chưa được các bác sĩ tính đến, và một trong các tác dụng phụ nguy hiểm được dẫn đến có thể là đau đầu.

- Không dùng bất cứ loại thuốc gây ảo giác nào được bán lén lút trên thị trường. Chúng có thể gây ra những cơn đau đầu, thậm chí hôn mê hoặc tử vong.

- Khi bạn phải sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc trị bệnh, hãy cẩn thận. Đôi khi kết hợp của những loại thuốc nào đó có thể gây ra cơn đau đầu, trong khi từng loại riêng lẻ thì không có tác dụng ấy. Tốt nhất, nếu phải điều trị song song hai toa thuốc, bạn chỉ nên nhờ một bác sĩ kê toa mà thôi, để đảm bảo có sự cân nhắc thích hợp khi dùng chung các loại thuốc với nhau.

- Khi dùng thuốc cần chú ý theo sát hướng dẫn của y bác sĩ, hoặc đọc kỹ nhãn hiệu và các hướng dẫn ghi trên bao bì về liều lượng và thời gian dùng thuốc. Dùng quá liều hoặc không đủ liều, cũng như dùng thuốc không đúng thời gian quy định đều là những nguyên nhân có thể gây đau đầu. Điều quan trọng hơn nữa khi dùng thuốc là phải chú ý đến hạn sử dụng (HSD) của thuốc. Không vì bất cứ lý do nào mà dùng thuốc đã quá hạn.

7. Đau đầu chuỗi:

- Đa số tuyệt đối trong những người mắc bệnh đau đầu chuỗi là nam giới có hút thuốc lá và uống nhiều rượu, bia. Các nhà khoa học hiện nay vẫn cho rằng thuốc lá và rượu là nguyên nhân chính gây ra những cơn đau đầu loại này. Vì vậy, điều trước tiên phải làm nếu muốn giảm nhẹ những cơn đau này là ngừng hút thuốc lá và không uống rượu bia nữa.

- Những cơn đau đầu loại này thường đột ngột bộc phát rồi chấm dứt trong một thời gian quá ngắn, nên những loại thuốc giảm đau thường không đủ thời gian để tác động. Để giảm đau tức thời, có thể dùng khăn lạnh đắp lên trán hay trên đỉnh đầu. Đôi khi, khăn lạnh không tạo được hiệu quả gì, khi ấy hãy chuyển sang dùng khăn thấm nước nóng.

- Nếu chu kỳ của những cơn đau lặp lại và kéo dài nhiều năm, cần khám bác sĩ chuyên khoa để có những can thiệp thích hợp bằng thuốc.

8. Đau đầu do huyết áp cao:

- Tránh những thức ăn có nhiều muối, thức ăn chiên bằng dầu, mỡ... Những thức ăn này có thể làm tăng huyết áp.

- Những áp lực căng thẳng về tâm lý (lo lắng, buồn bực, giận dữ...) cũng là nguyên nhân gây tăng huyết áp. Vì thế, nên phòng ngừa, tránh đi những điều kiện bất lợi có thể gây căng thẳng tâm lý. Nếu bạn đang ở trong những điều kiện bắt buộc phải chịu đựng những áp lực tâm lý nào đó, như công việc ở sở làm hoặc hoàn cảnh rối rắm trong gia đình chẳng hạn, có thể áp dụng một số biện pháp giảm căng thẳng như hít thở sâu và theo dõi hơi thở, nghe nhạc nhẹ, đi dạo trong công viên, tập ngồi thiền hoặc chú tâm đọc kinh cầu nguyện...

- Nếu bạn đang có chỉ định dùng thuốc điều trị cao huyết áp, chú ý dùng thuốc đúng theo hướng dẫn. Uống đều đặn các lần thuốc trong ngày theo chỉ định, không được bỏ sót, cũng như uống đúng giờ, không uống thất thường. Bạn cũng nên hỏi trước y bác sĩ của mình về những tác dụng phụ của thuốc, vì một số loại thuốc có tác dụng phụ gây đau đầu.

- Lưu ý đến trọng lượng cơ thể. Những người béo phì thường rất khó kiểm soát được huyết áp. Nếu bạn tự thấy mình hơi “mập mạp”, có thể giảm cân đôi chút sẽ tác dụng tốt đến việc hạ huyết áp, và do đó thoát được chứng đau đầu.

- Tập thể dục buổi sáng đều đặn hoặc tham gia các chương trình rèn luyện thân thể sẽ giúp ổn định được huyết áp của bạn.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...