Thuốc điều trị chứng ợ nóng có thể gây ra dị ứng
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc giúp điều trị chứng đau tiêu hóa do ợ nóng hoặc loét dạ dày gây ra. Nhưng khi người bệnh vừa điều trị dứt điểm một vấn đề sức khỏe thì một tình trạng khác có thể xuất hiện.
Trong một nghiên cứu mới đây tại Áo cho thấy, những người sử dụng thuốc ức chế axit dạ dày có khả năng cần dùng thêm một loại thuốc khác để kiểm soát các triệu chứng dị ứng.
Tiến sĩ Erika Jensen-Jarolim, nhà nghiên cứu miễn dịch lâm sàng tại Đại học Y khoa Vienna cho biết: Nhiều người than phiền về dạ dày và nhiều người dùng thuốc chống axit. Tuy nhiên việc điều trị bằng các loại thuốc này càng lâu thì nguy cơ dị ứng càng cao.
Chứng ợ nóng, hay bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản (ống nối giữa cổ họng và dạ dày). Các triệu chứng bao gồm cảm giác nóng rát phía sau xương ức có thể di chuyển lên cổ. Bệnh nhân có thể sẽ thấy đắng hoặc chua miệng sau khi ợ nóng.
Để điều trị tình trạng này, mọi người thường dùng thuốc giảm axit. Chúng bao gồm các loại thuốc phổ biến được gọi là thuốc ức chế bơm proton (PPIs). Các loại thuốc trong nhóm này bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn như Prilosec (omeprazole), Prevacid (lansoprazole) và Nexium (esomeprazole).
Một nhóm thuốc khác được gọi là thuốc kháng thụ thể histamine H2. Các loại thuốc trong nhóm này bao gồm Tagamet HB (cimetidine), Pepcid (famotidine) và Zantac (ranitidine). Ngoài ra còn có một loại thuốc gọi là Carafate (sucralfate).
Tất cả các loại thuốc này đều có liên quan đến khả năng sử dụng thêm một loại thuốc để điều trị dị ứng. Nhưng trong nghiên cứu này, thuốc sucralfate chiếm tỷ lệ sử dụng thuốc dị ứng cao hơn.
“Các dấu hiệu thường thấy của phản ứng dị ứng bao gồm phát ban, khó thở, sưng phù ở mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.”
Nghiên cứu bao gồm thông tin thuốc theo toa từ 97% người dân ở Áo, từ năm 2009 đến 2013.
Qua đó các nhà nghiên cứu lưu ý rằng chỉ cần dùng 6 liều thuốc chống axit hàng ngày trong mỗi năm, đều có liên quan đến sự gia tăng nhu cầu sử dụng thêm thuốc điều trị dị ứng. Trong đó phụ nữ và người già dùng thuốc giảm axit có nhiều khả năng cần dùng thêm thuốc dị ứng.
Vì thế Jensen-Jarolim hy vọng các bác sĩ sẽ chú ý đến kết quả nghiên cứu và kê toa thuốc ức chế axit một cách cẩn thận. Ngoài ra cô cũng hy vọng người bệnh khi mua thuốc chống axit không kê đơn sẽ nhớ rằng đây là những loại thuốc có thể gây hại và bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể xảy ra tác dụng phụ.
Đối với những người lo ngại về dị ứng, họ vẫn có thể dùng thuốc giảm axit, nhưng nên dùng trong thời gian ngắn nhất có thể, Jensen-Jarolim đưa ra lời khuyên.
Một số chuyên gia tại Bệnh viện Bắc Westchester ở Mount Kisco, New York, đã xem xét các phát hiện và cho biết việc cân nhắc lợi ích của thuốc chống lại rủi ro luôn là điều quan trọng. Nhưng họ cho rằng đây chỉ là nghiên cứu quan sát và không thể chứng minh mối quan hệ nhân quả (nguyên nhân và kết quả).
Mặt khác các chuyên gia cho rằng: Người bệnh vẫn có thể dùng những loại thuốc này nếu họ cần. Bởi vì nghiên cứu này sẽ khó thay đổi cách bác sĩ kê đơn. Nhưng các chuyên gia nghĩ rằng nếu người bệnh không thực sự cần thuốc trong một thời gian dài, thì họ chỉ nên dùng thuốc khi cần thiết.
“Mặc dù có rất nhiều loại thuốc điều trị ợ nóng, tuy nhiên, các biện pháp khắc phục tại nhà cũng có thể giúp bạn nhanh chóng vượt qua tình trạng này bao gồm nhai kẹo cao su,baking soda, cam thảo, lô hội (nha đam), ngủ nghiêng bên trái, thay đổi tư thế sau khi ăn, không nên sử dụng trái cây họ cam quýt, giảm cân.”
Theo thông tin từ Serena Gordon - Phóng viên HealthDay