Thừa cân: 'Chất xúc tác' của nhiều bệnh lý nguy hiểm

Thừa cân:

Hiểu đúng về thừa cân và béo phì giúp bạn có cách điều chỉnh cân nặng kịp thời.

Tác hại của thừa cân, béo phì

Đối với hệ tim mạch, tim của người béo phì phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể. Về lâu dài, do tim hoạt động quá tải, người đó dễ bị mắc bệnh tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, hẹp tắc động mạch chi... Hiện tại, bệnh tim mạch đang đứng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong, rất nhiều trường hợp là biến chứng của bệnh béo phì.

Đối với hệ hô hấp, do “mỡ bám” nên hoạt động của cơ hoành, khí phế quản của người thừa cân thường bị hạn chế. Béo phì càng nặng, rối loạn nhịp thở càng nhiều, dẫn đến ngáy. Giảm thông khí, ngừng thở khi ngủ là một biến chứng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong.

Hệ tiêu hóa của người béo phì dễ bị bệnh túi mật, có bất thường về gan, gan nhiễm mỡ, ruột nhiễm mỡ, nhu động ruột giảm gây đầy hơi, táo bón, hệ mạch ở ruột bị cản trở, gây trĩ.

Do phải gánh trọng lượng cơ thể quá tải lâu ngày, hệ xương khớp dễ bị đau nhức, tê mỏi. Các khớp gối, cột sống tổn thương dễ bị thoái hóa khớp, loãng xương, cuối cùng là kéo theo bệnh gout.

Không dừng lại ở đó, béo phì còn có ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản. Mô mỡ làm rối loạn buồng trứng, hàng tháng trứng không lớn lên và chín rụng được, chất lượng trứng kém, rối loạn kinh nguyệt. Mỡ quá nhiều sẽ lấp kín buồng trứng và gây vô sinh. Béo phì cũng dễ gây hội chứng đa u nang, khó thụ tinh, dễ sảy thai.

Ngoài ra, người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư thường gặp như ung thư thực quản, trực tràng, vú…

Cách điều chỉnh cân nặng an toàn

Kiểm soát cân nặng để có thân hình cân đối là quá trình dài, đòi hỏi sự nghiêm túc và kiên nhẫn. Lộ trình đúng đắn là giảm trọng lượng ở giai đoạn đầu rồi duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ hợp lý trong giai đoạn sau. Dưới đây là một số biện pháp giảm cân an toàn bạn nên cân nhắc.

Đầu tiên là tăng cường hoạt động thể lực. Luyện tập thể dục, thể thao vừa sức giúp cơ bắp khỏe mạnh, thuận lợi cho lưu thông mạch máu, giúp cho dinh dưỡng khớp và sụn khớp tốt hơn, giảm áp lực đè ép lên các khớp xương trong khi vận động. Nên tập luyện tối thiểu 30 phút/ngày. Một số môn thể thao được khuyến khích là bơi lội, đi bộ, thể dục nhịp điệu, bóng đá, bóng chuyền…

Chế độ, thói quen ăn uống hợp lý cũng là cách đơn giản mà hiệu quả để kiểm soát cân nặng. Trong bữa ăn hàng ngày, cần tăng lượng rau củ, hoa quả để cung cấp vitamin, chất khoáng cho cơ thể, giảm khẩu phần đạm động vật ít hơn đạm thực vật, tăng cường ăn cá, uống đủ nước, hạn chế rượu bia và nước ngọt.

Ở chế độ ăn giảm calo, lượng calo cung cấp giảm 20-25% so với tuổi và giới, loại trừ các loại đường hấp thu nhanh, mỡ bão hòa hoặc tương đương với 1.600-1.800 kcal/ngày. Mục đích là giảm cân từ từ, không quá nhanh, khoảng 2-3 kg/tháng.

Giang Thư Quân

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...