Thế nào là hội chứng ruột kích thích?

Thế nào là hội chứng ruột kích thích?

Ở nước ta hội chứng kích thích ruột, thường gọi là viêm đại tràng co thắt, viêm đại tràng chức năng, viêm đại tràng mạn tính hay là hội chứng ruột kích thích. Đó là khi các rối loạn chức năng của ruột tái đi tái lại nhiều lần mà người bệnh đi khám, làm các xét nghiệm, nhưng đều không tìm thấy các tổn thương về giải phẫu, tổ chức học, sinh hóa ở ruột.

Đây cũng là một trong những bệnh về đường ruột hay gặp nhất, mà tỷ lệ mắc bệnh từ 5 - 20% dân số, có thể thay đổi theo từng vùng dân cư, nữ mắc cao gấp 2 lần nam giới. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bởi khi bị hội chứng này, người bệnh luôn lo lắng, căng thẳng, mất ngủ vì lo sợ bị các bệnh hiểm nghèo khác của ruột.

Khi nào nghĩ đến mình có thể bị hội chứng ruột kích thích?

Hãy nghĩ đến bệnh này khi bạn bị đau bụng hoặc cảm giác khó chịu ở bụng, kéo dài 12 tuần hoặc trong 12 tháng trước đó (đau không nhất thiết liên tục), kèm theo giảm đau sau đại tiện, thay đổi hình dạng khuôn phân, thay đổi số lần đi ngoài. Ngoài ra, có thể gặp thêm các triệu chứng không đặc hiệu như số lần đại tiện không bình thường (nhiều hơn 3 lần trong ngày hoặc ít hơn 3 lần trong ngày); phân không bình thường (nhão, lỏng, cứng); đại tiện có lúc phải chạy vào nhà xí hoặc phải rặn nhiều, cảm giác đi chưa hết phân; bụng chướng hơi hoặc cảm giác nặng bụng; phân có nhầy mũi, nhưng không có máu.

Các triệu chứng không đặc hiệu này luôn thay đổi theo thời gian, và phụ thuộc vào chế độ ăn uống, chẳng hạn, nếu ăn uống các thức ăn không thích hợp, ngay lập tức xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, nếu kiêng khem các triệu chứng sẽ mất.

Khi có các biểu hiện trên, bạn nên đến bệnh viện đế được khám và làm các xét nghiệm cần thiết xác định chính xác bệnh để được điều trị kịp thời. 

Điều trị thế nào?

Chế độ ăn rất quan trọng trong điều trị hội chứng ruột kích thích. 

Trong khi có triệu chứng rối loạn tiêu hóa đã kê trên, nên tránh ăn thức ăn không thích hợp:

+ Thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi: khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả có nhiều đường cam, quýt, xoài, mít... 

+ Đồ uống nhiều đường có gas. 

+ Những chất kích thích: rượu, cà phê, gia vị cay chua... 

+ Những thức ăn để lâu, bảo quản không tốt 

+ Nếu bị tiêu chảy, tránh ăn quá nhiều thức ăn có nhiều chất xơ; rau muống, rau cải, dưa chua... 

Chế độ luyện tập

Tập thói quen đi đại tiện 1 lần trong ngày: xoa bụng buổi sáng khi ngủ dậy để gây cảm giác muốn đại tiện. 

Luyện tập thư giãn, khí công, tập thể dục, đi bộ thường xuyên. 

Dùng thuốc: Đối với hội chứng ruột kích thích, chủ yếu dùng thuốc để điều trị các triệu chứng, nhưng phải tuyệt đối theo chỉ dẫn của thầy thuốc. 

Dùng thuốc chống đau, giảm co thắt. Nếu có táo bón, nên uống nhiều nước, ăn thức ăn nhiều chất xơ, uống thuốc nhuận tràng. Nếu có tiêu chảy dùng các thuốc cầm tiêu chảy. Dùng thuốc chống sinh hơi ở những người bệnh có thần kinh quá nhạy cảm khi dùng thuốc an thần kinh. Chi dùng thuốc kháng sinh trong những trường hợp có nhiễm khuẩn đường ruột kèm theo.

Hội chứng ruột kích thích thường gặp ở những người có thần kinh quá nhạy cảm, hay lo lắng; các triệu chứng rối loạn về tiêu hóa thường lặp đi lặp lại, xen kẽ, với thời gian bình thường kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, không ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân. Người bệnh chỉ cần điều trị trong những thời kì có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa.

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...