Tăng Đường Huyết
Tăng đường huyết là bệnh gì?
Tăng đường huyết (còn gọi là đường trong máu cao) là tình trạng phổ biến thường gây ảnh hưởng đến những bệnh nhân tiểu đường. Trong đó, một số yếu tố có thể góp phần gây ra tình trạng này bao gồm cách lựa chọn thực phẩm, hoạt động thể chất, một số bệnh, các thuốc không trị tiểu đường, bỏ qua hoặc không uống đủ thuốc hạ đường huyết.
Cho đến nay, việc điều trị tăng đường huyết là rất quan trọng, bởi vì nếu không chữa trị, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như hôn mê đái tháo đường. Theo thời gian, tăng đường huyết thường xuyên (dù không quá cao) cũng có thể dẫn đến biến chứng gây ảnh hưởng đến mắt, thận, thần kinh và tim mạch.
Nguyên nhân gây ra tăng đường huyết là gì?
Hiện tại, lượng đường trong máu của cơ thể có thể tăng nếu người bệnh:
- Bỏ qua hoặc quên tiêm insulin/uống thuốc hạ đường huyết.
- Ăn quá nhiều tinh bột so với liều insulin bạn tiêm hoặc ăn quá nhiều tinh bột nói chung.
- Bị nhiễm trùng.
- Đang bị bệnh.
- Bị căng thẳng.
- Không hoạt động hoặc tập thể dục ít hơn bình thường.
- Hoạt động thể chất quá sức, đặc biệt là khi lượng đường trong máu của bạn cao và nồng độ insulin thấp.
Ngoài ra, một số yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng này như:
- Không sử dụng đủ insulin hoặc không uống đủ thuốc đái tháo đường.
- Không tiêm insulin đúng cách hoặc sử dụng insulin hết hạn.
- Không tuân theo kế hoạch ăn uống cho bệnh tiểu đường.
- Ít hoạt động.
- Bị bệnh hoặc nhiễm trùng.
- Sử dụng một số loại thuốc như steroid.
- Bị chấn thương hoặc phẫu thuật.
- Trải qua căng thẳng tinh thần như xung đột gia đình hoặc ở nơi làm việc.
Ốm đau hoặc căng thẳng cũng có thể gây ra tình trạng này, bởi vì lúc đó cơ thể sẽ gia tăng sản xuất hormone để chống lại bệnh tật hoặc căng thẳng do đó lượng đường trong máu sẽ tăng lên. Ngay cả những người không bị tiểu đường cũng có thể bị tăng đường huyết khi bị bệnh nặng. Ngoài ra, người bị tiểu đường có thể cần phải uống tăng liều thuốc để giữ đường huyết ổn định khi bị ốm hoặc căng thẳng.
Những dấu triệu chứng của tăng đường huyết là gì?
Sau đây là các triệu chứng thường thấy của tăng đường huyết là:
- Khát nhiều.
- Nhức đầu.
- Khó tập trung.
- Mắt nhìn mờ.
- Tiểu nhiều.
- Mệt mỏi (yếu cơ, cảm giác mệt mỏi).
- Giảm cân.
- Đường máu cao hơn 180 mg/dl.
Bên cạnh đó đường trong máu cao liên tục có thể gây ra:
- Nhiễm trùng da và âm đạo.
- Các vết cắt và đau nhức chậm lành.
- Tầm nhìn kém đi.
- Tổn thương dây thần kinh gây đau do lạnh hoặc mất cảm giác ở chân, rụng lông chân hoặc rối loạn chức năng cường dương.
- Các vấn đề dạ dày và đường ruột như táo bón mãn tính hoặc tiêu chảy.
- Tổn thương mắt, mạch máu hoặc thận.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ nếu xảy ra bất cứ dấu hiệu nào sau đây:
- Bị tiêu chảy hoặc nôn mửa liên tục, nhưng vẫn có thể ăn và uống.
- Bị sốt kéo dài hơn 24 tiếng đồng hồ.
- Đường trong máu của bạn cao hơn 240 mg/dl (13 mmol/l) mặc dù bạn đã dùng thuốc tiểu đường.
- Gặp khó khăn kiểm soát đường huyết trong giới hạn cho phép.
Bệnh nhân cần đi cấp cứu ngay nếu:
- Đang bị bệnh và không thể ăn bất kỳ thức ăn hoặc chất lỏng nào.
- Lượng đường trong máu cao liên tục trên 240 mg/dl (13 mmol/l) và có xeton trong nước tiểu.
Những phương pháp điều trị tăng đường huyết là gì?
Hiện tại, nếu bất cứ ai nhận thấy bất kỳ dấu hiệu sớm của tình trạng này, thì nên kiểm tra đường huyết và đến gặp bác sĩ. Sau đó bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp cũng như các phương án điều trị như sau:
Uống nhiều nước hơn:
Nước giúp loại bỏ lượng đường dư thừa từ máu của người bệnh thông qua nước tiểu đồng thời giúp cơ thể tránh bị mất nước.
Tập thể dục nhiều hơn:
Vận động có thể giúp giảm lượng đường trong máu của người bệnh. Tuy nhiên, trong vài trường hợp nhất định, nó có thể làm cho lượng đường trong máu thậm chí cao hơn. Vì thế bệnh nhân cần hỏi ý kiến bác sĩ về những dạng thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe người bệnh.
Thay đổi thói quen ăn uống:
Bệnh nhân cũng có thể tham khảo ý kiến từ một chuyên gia dinh dưỡng để thay đổi số lượng và loại thực phẩm mà họ ăn.
Thay đổi thuốc:
Bác sĩ có thể thay đổi số lượng, thời gian hoặc loại thuốc tiểu đường của bệnh nhân dùng. Tuy nhiên bệnh nhân không được tự thay đổi thuốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ.
Lưu ý:
Nếu người bệnh bị bệnh tiểu đường tuýp 1 và đường huyết cao, họ cần phải kiểm tra nước tiểu xem có xeton không. Nếu có, họ không nên tập thể dục. Tuy nhiên, nếu người bệnh đang mắc phải bệnh tiểu đường tuýp 2 và đường huyết rất cao, họ phải chắc chắn rằng mình không có xeton trong nước tiểu và cần uống đủ nước. Sau đó, bác sĩ có thể đồng ý cho họ tập những bài thể dục nhẹ.