Tại sao trẻ em dễ bị đầy bụng?
Đầy bụng khi chất khí trong dạ dày, ruột quá nhiều, khiến bụng chướng lên. Trong đường ruột của người bình thường tồn tại chất khí, nhưng do giữ được trạng thái cân bằng động giữa tạo ra và hấp thu chất khí nên không xảy ra chướng bụng. Khi chất khí trong cơ thể tăng lên hoặc chức năng hấp thu và bài trừ chất khí bị trục trặc, phá hoại sự cân bằng khí trong đường ruột, khiến khí tích tụ trong dạ dày, ruột quá nhiều gây ra đầy bụng.
Tại sao trẻ dễ bị đầy bụng? Do các nguyên nhân sau:
1. Sản xuất chất khí tăng:
trẻ em dễ mắc bệnh đường ruột như viêm dạ dày, viêm ruột cấp, mạn tính, ảnh hưởng tiêu hoá hấp thu thức ăn, chức năng vận động của ruột giảm, bã thức ăn tích trệ trong đường ruột, dưới tác dụng của vi khuẩn đường ruột, các chất chứa trong dạ dày, ruột sẽ lên men, thối rữa, tạo ra nhiều chất khí, gây đầy bụng. Ngoài ra, trẻ khóc quấy nhiều, nuốt lượng lớn không khí cũng sinh ra chướng bụng.
2. Vận động của dạ dày, ruột suy giảm:
chức năng vận động của dạ dày, ruột suy giảm hoặc không có ảnh hưởng đến sự vận hành và thải ra bình thường của chất khí và các chất chứa trong đường ruột, như trẻ bị bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh bại huyết, viêm phúc mạc... đều ức chế một cách phản xạ nhu động ruột dẫn đến đầy bụng. Ngoài ra do nôn, tiêu chảy dẫn đến kali máu thấp, trẻ suy dinh dưỡng hoặc uống thuốc ức chế nhu động cũng làm giảm nhu động ruột gây đầy bụng.
Đầy bụng là một triệu chứng lâm sàng do nhiều nguyên nhân gây ra. Khi trẻ bị đầy bụng, cần nhanh chóng tìm nguyên nhân, điều trị kịp thời giúp trẻ mau chóng hồi phục sức khỏe.